Dự án cầu Vĩnh Thịnh được Quỹ EDCF (Hàn Quốc) hỗ trợ
Thứ trưởng Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức vừa cho biết, dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Thịnh - cầu lớn trên vành đai liên kết các đô thị vệ tinh khu vực Thủ đô Hà Nội - sẽ là một trong những dự án đầu tiên của ngành GTVT tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật từ Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) và dự kiến vay vốn ODA của Hàn Quốc để thực hiện...
Giữa tháng 10/2008 vừa qua, EDCF đã chuyển giao cho Bộ GTVT hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cầu Vĩnh Thịnh song so với các qui định về lập dự án đầu tư tại Việt Nam, theo Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức "báo cáo của EDCF còn tương đối đơn giản và thiếu nhiều nội dung, như: khảo sát lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; phương án chung về giải phóng mặt bằng... cần tiếp tục hoàn thiện, bổ sung mới đủ điều kiện để Bộ GTVT phê duyệt theo đúng qui định".
Trước đó, xét thấy tính chất phức tạp của dự án này, từ tháng 8/2008, Bộ GTVT đã quyết định chuyển chủ đầu tư dự án về Bộ làm chủ đầu tư và giao Ban Quản lý dự án Thăng Long thuộc Bộ tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật từ EDCF.
Theo Qui hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 5/2008, cầu Vĩnh Thịnh sẽ có nhiệm vụ kết nối 2 khu vực Sơn Tây và Vĩnh Phúc - nơi tập trung nhiều khu công nghệ cao, du lịch, công nghiệp, dân cư... nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội các địa phương này.
Cầu Vĩnh Thịnh đồng thời kết nối 2 trục hướng tâm (quốc lộ 32 và quốc lộ 2) nhằm điều tiết giao thông từ xa, giảm bớt lưu lượng xe cộ vào trung tâm Hà Nội. Trong tương lai khi hình thành qui hoạch tổng thể Hà Nội, cầu Vĩnh Thịnh sẽ được sử dụng như một cầu chính trên vành đai 5. Việc cần thiết phải đẩy nhanh xây dựng cầu này không chỉ là nỗ lực, mong muốn của Chính phủ, Bộ GTVT mà của cả Thủ đô Hà Nội, Tỉnh Vĩnh Phúc và nhiều cơ quan liên quan khác...
Dự kiến, điểm đầu xây cầu này sẽ tại nút giao quốc lộ 21 với tuyến tránh TP Sơn Tây (khu vực Viện 5), sau đó men theo tuyến tránh này tới nút giao với quốc lộ 32, rồi tiếp tục đi thẳng vượt qua 2 đê tả, hữu sông Hồng, tránh khu vực đông dân cư trên quốc lộ 2C cũ thuộc Vĩnh Tường và điểm cuối chính là "chốt" nối với quốc lộ này.
Mặt cắt ngang theo qui hoạch cho cầu tương lai dự kiến từ 6 - 8 làn xe, tuy nhiên do điều kiện cam kết tài trợ của EDCF hạn chế nên Bộ GTVT cho biết trước mắt sẽ đầu tư qui mô 4 làn xe, bề rộng 16m với tốc độ thiết kế 80km/h.
Từ tháng 6/2008, Bộ GTVT đã đề nghị Tư vấn lập đầy đủ tổng mức đầu tư (bao gồm cả chi phí giải phóng mặt bằng mỗi bên 10m). Việc phân bổ nguồn vốn sẽ theo 2 phương án: 1/ Sử dụng toàn bộ vốn đầu tư của EDCF gồm cả chi phí giải phóng mặt bằng; 2/ Trường hợp vốn của EDCF hạn chế, chi phí giải phóng mặt bằng sẽ do phía Việt Nam đầu tư. Tuy nhiên, phần giải phóng mặt bằng sẽ tách riêng thành tiểu dự án thành phần để sau này bàn giao cho địa phương thực hiện.
Theo Bộ GTVT, báo cáo giữa kỳ việc đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Thịnh sẽ hoàn tất vào 15/11/2008 để có thể báo cáo cuối kỳ ngay sau đó gần 1 tháng (12/12/2008) và trình duyệt dự án vào 20/12/2008.
vietnamnet
|