Thứ Sáu, 31/10/2008 14:20

Đầu tư 1% doanh thu là đạt yêu cầu

Cách nay ba năm, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã phải than trời về tình hình ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) tại các doanh nghiệp dệt may. Lúc đó, rất ít doanh nghiệp có trang bị phần mềm chuyên ngành và chưa có doanh nghiệp nào triển khai ứng dụng phần mềm tích hợp quản lý nguồn lực doanh nghiệp (ERP)… Nay, tình hình đã khác hẳn.

Theo đánh giá của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nếu tính theo thang điểm mười, thì tình hình ứng dụng CNTT tại các doanh nghiệp dệt may đạt mức trên trung bình. Doanh nghiệp bị điểm thấp nhất là 4 nhưng rất ít. Phần lớn ở mức khá, đạt 7 - 8 điểm. Cũng có khá nhiều doanh nghiệp đạt điểm tối đa cho việc áp dụng ERP.

Điểm cao, và tiếp tục hoàn thiện

Công ty May 2 (Hải Phòng) và Công ty May Sông Hồng - Nam Định là hai doanh nghiệp đạt điểm 9,5 và 9 trong cuộc kiểm tra ứng dụng CNTT do Hiệp hội Dệt may thực hiện mới đây. Và đây cũng là hai trong năm doanh nghiệp được nhận giải thưởng “Doanh nghiệp ứng dụng CNTT tốt năm 2008” do Hiệp hội Dệt may Việt Nam và TBKTSG bình chọn.

Mặc dù có trụ sở tại Hải Phòng - không phải là một trung tâm công nghệ lớn – nhưng Công ty May 2 lại là doanh nghiệp đạt điểm cao nhất trong các doanh nghiệp ở khu vực phía Bắc, hơn cả những doanh nghiệp có trụ sở tại Hà Nội, trong việc ứng dụng CNTT.

Tại công ty này, máy tính được trang bị đủ cho toàn bộ cán bộ quản lý nghiệp vụ. Bên cạnh đó, công ty đã áp dụng khá nhiều phần mềm quản lý như chương trình giác sơ đồ, mẫu Acumate của Mỹ trong khâu thiết kế sản phẩm; chương trình thiết kế quy trình lắp ráp sản phẩm và chương trình lập kế hoạch, quản lý thiết bị trong sản xuất.

Việc ứng dụng CNTT sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dệt may dễ dàng tiếp cận thị trường, tiếp cận với nguồn thông tin về kỹ thuật công nghệ, khuynh hướng thời trang và tiêu dùng của thế giới.

Trong khâu quản lý, công ty đã triển khai chương trình quản lý kế toán, khai báo hải quan, quản lý lương, nhân sự, chấm công điện tử. Bên cạnh đó, các nhân viên còn sử dụng e-mail để giao dịch và tham gia mua bán trên mạng. Thậm chí, Công ty May 2 còn được điểm tối đa trong việc áp dụng ERP, vì các bộ phận quản lý nghiệp vụ như kế toán, nhân sự, lương, lập kế hoạch sản xuất... đều liên kết với nhau để dùng chung dữ liệu.

Nhiều người cho rằng, dệt may là ngành sử dụng nhiều lao động phổ thông nên vai trò của CNTT là thứ yếu. Tuy nhiên, thực tế thì ngành nghề nào cũng cần được quản trị một cách hợp lý, khoa học. Trong khi đó, CNTT là một công cụ hỗ trợ đắc lực cho yêu cầu này.

Công ty May Sông Hồng - Nam Định đạt được điểm 9 về ứng dụng CNTT, song ông Bùi Việt Quang, Trưởng phòng Thương mại quốc tế lại cho rằng hiện việc ứng dụng CNTT của công ty này chỉ mới đáp ứng được phần nào nhu cầu quản lý và phát triển sản xuất-kinh doanh. “Việc ứng dụng CNTT được công ty chú trọng từ nhiều năm nay, khi bắt đầu phát triển quan hệ làm ăn với các khách hàng Mỹ và  châu Âu. Hiện mỗi năm việc đầu tư cho ứng dụng CNTT chiếm 1% doanh thu”, ông Quang cho biết.

Công ty May Sông Hồng - Nam Định đã thành lập bộ phận chuyên trách về CNTT, 80% nhân viên văn phòng và toàn bộ cán bộ quản lý nghiệp vụ đều được trang bị máy tính cấu hình cao, máy scan, fax, in laser, in màu… Các máy tính được kết nối bằng mạng LAN, sử dụng đường truyền ADSL và leased line tốc độ cao. Việc liên lạc nội bộ chủ yếu bằng e-mail, họp từ xa qua mạng bằng hội nghị truyền hình.

Công ty cũng đầu tư các máy in mẫu rập tự động và một số phần mềm chuyên dụng như phần mềm thiết kế mẫu, giác sơ đồ và tự động thêu của  Gerber và Lectra; bên cạnh đó, sử dụng các phần mềm do một số công ty trong nước cung cấp như quản lý nhân sự, quản lý kho, phần mềm lập kế hoạch và tính toán định mức sản xuất…

Hiện tại, các chương trình quản lý nghiệp vụ đang được áp dụng ở Công ty May Sông Hồng - Nam Định chưa tích hợp toàn bộ với nhau, nhưng đã có liên kết dữ liệu ở mức bộ phận như: chương trình tính định mức nguyên vật liệu đã tích hợp với chương trình kế toán; chương trình tính định mức sản xuất tích hợp với chương trình tính lương; chương trình quản lý kho vật tư tích hợp với chương trình kế toán; chương trình quản lý xuất nhập tích hợp với chương trình quản lý kho vật tư, kế toán.

Công ty cũng đã xây dựng trang web (http:\\www.songhongnd.com.vn) để quảng bá thông tin về sản phẩm và tham gia đấu thầu, bán hàng trên mạng. Ông Quang cho hay, Công ty May Sông Hồng – Nam Định đang cố gắng tìm kiếm và hoàn thiện hệ thống quản lý trong thời gian tới thông qua các phần mềm quản lý kế hoạch sản xuất, giá thành, kinh doanh, nghiên cứu triển khai các phần mềm quản lý đồng bộ… để quản lý một cách khoa học hơn, giảm thiểu chi phí và rủi ro, đáp ứng yêu cầu của khách hàng nhanh và tốt nhất.

Đầu tư lớn cho CNTT

Tính đến cuối năm 2007, ngành dệt may Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu 7,8 tỉ đô-la Mỹ, xếp thứ chín trên thế giới.

Bà Nguyễn Thị Hiền, Trưởng phòng Tin học, Tổng công ty Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho rằng các doanh nghiệp chỉ cần chi 1% doanh số mỗi năm cho việc ứng dụng CNTT là có thể đáp ứng được yêu cầu. Điều đáng mừng là có không ít doanh nghiệp chi cho CNTT nhiều hơn con số này.

Công ty Đầu tư và Phát triển Sơn Kim cũng là một trong năm doanh nghiệp được nhận giải “Doanh nghiệp dệt may ứng dụng CNTT tốt của năm 2008”. Bà Nguyễn Thị Hồng Trang, Giám đốc điều hành Công ty Sơn Kim, cho rằng việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đòi hỏi các doanh nghiệp phải cạnh tranh toàn cầu. Việc ứng dụng CNTT sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dệt may dễ dàng tiếp cận thị trường, tiếp cận với nguồn thông tin về kỹ thuật công nghệ, khuynh hướng thời trang và tiêu dùng của thế giới.

Bà Trang nói: “Nhờ nhận thức được vai trò quan trọng của CNTT, Công ty Sơn Kim đã xây dựng chiến lược ứng dụng CNTT nhằm triển khai CNTT đến tất cả các hoạt động của mình. Hằng năm, Sơn Kim trích khoảng 3% doanh thu để đầu tư cho hệ thống CNTT như đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng hệ thống ERP, ứng dụng các chương trình phần mềm chuyên dụng trong quá trình thiết kế và sản xuất cũng như xây dựng giải pháp thương mại điện tử.”

Cũng như Sơn Kim, để đạt được danh hiệu Doanh nghiệp ứng dụng CNTT tốt, Công ty May mặc Bình Dương đã chú trọng đầu tư cho CNTT từ năm 2003. Từ 20 máy tính được nối mạng, năm 2003 công ty này đã phát triển lên 120 máy tính và đầu tư một số chương trình chuyên dụng cho quản lý sản xuất như Gerber Accumark, G-Pro, GSD… Ông Nguyễn Nam, phụ trách CNTT của Công ty May mặc Bình Dương, cho biết: “Hiện mỗi năm khoản tiền đầu tư cho CNTT tại công ty chiếm khoảng 16% tổng lợi nhuận, chỉ đứng sau mức đầu tư máy móc thiết bị ngành may”.

Công nghệ cần phải liên tục được cập nhật để đáp ứng kịp nhu cầu phát triển nên trong năm nay Công ty May mặc Bình Dương đã cập nhật rất nhiều công nghệ mới. Ví dụ như đầu tư thêm hệ thống thiết kế 3D AGMS, hệ thống lập sơ đồ tự động nhằm tăng năng suất, tiết kiệm vải hoặc từng bước nâng cấp hệ thống quản lý sản xuất G-Pro với việc thay thế phần cứng bằng thẻ từ sang thẻ sử dụng sóng băng tần…

Để tăng cường hiệu quả của công tác tiếp thị và kinh doanh, công ty đã xây dựng trang web www.protradegarment.com để quảng bá thương hiệu, cung cấp thông tin về đơn hàng, tình trạng sản xuất cho khách hàng giúp giảm chi phí cho cả hai bên khách hàng và công ty.

Bên cạnh đó, công ty đang xây dựng hệ thống quan sát hoạt động sản xuất thông qua camera trên đường truyền Internet nhằm tạo ra những dịch vụ hỗ trợ tối đa cho khách hàng trong việc quản lý đơn hàng đang sản xuất tại nhà máy; khai thác triệt để việc giao dịch với khách hàng bằng e-mail, với khoảng 200 địa chỉ e-mail giao dịch trực tuyến. Ngoài ra, công ty còn ứng dụng phần mềm quản lý nhân sự, phần mềm kế toán và phầm mềm khai báo hải quan…

Ông Nam cho biết mức đầu tư cho CNTT của Công ty May mặc Bình Dương trong kế hoạch năm 2009 dự kiến là 370.000 đô-la Mỹ. Trong đó, đầu tư cho hệ thống G-Pro là 320.000 đô-la Mỹ, đầu tư cho cơ sở hạng tầng CNTT là 40.000 đô-la Mỹ.

Mặc dù đi sau một số công ty may lớn khác, nhưng Công ty May 10 khá thành công trong việc triển khai và ứng dụng hệ thống G-Pro. Ông Hoàng Hà, Trưởng ban Tổ chức Hành chính, cho biết công ty này đã đầu tư khoảng vài tỷ đồng để triển khai hệ thống G-Pro. Hiện công ty có khoảng chục người chuyên đi triển khai hệ thống G-Pro cho các công ty đối tác.

Công ty May 10 cũng là một trong những doanh nghiệp ứng dụng CNTT đạt điểm 8,5. Hiện công ty này có 250 máy tính, đủ trang bị cho cho 80% nhân viên văn phòng, có hệ thống mạng LAN nối toàn công ty. Trong sản xuất, công ty đã áp dụng các phần mềm quản lý thiết kế sản phẩm, quản lý nghiệp vụ. Cụ thể là phần mềm thiết kế mẫu và giác sơ đồ của Lectra và Gerber, phần mềm thiết kế thời trang Corell, phần mềm quản lý công việc e-document của CMC.

Hệ thống quản lý tài chính và kho của công ty ứng dụng chương trình Oracle Application 11i. Ngoài ra, hệ thống quản lý nhân sự, tiền lương đã được công ty áp dụng từ năm 1998. Sắp tới, chương trình sẽ được nâng cấp và tích hợp với phần mềm chấm công điện tử. Công ty cũng đã xây dựng trang web (http:\\www.garco10.com.vn) và tham gia mua bán trên mạng.

Về ERP, mặc dù đã áp dụng triển khai từ năm 2004, song đến nay Công May 10 mới chỉ triển khai được phần tài chính và một phần quản lý kho, chưa triển khai được phần quản lý sản xuất. Lý giải về việc này, ông Hà cho biết: “Ngành dệt may có nhiều việc rất nhỏ, chi li nên triển khai ERP rất khó thành công”.

Năm tới, Công ty May 10 dự kiến đầu tư khoảng một tỷ đồng cho việc trang bị và nâng cấp hệ thống CNTT. Cụ thể, sẽ tiếp tục nhân rộng hệ thống G-Pro, triển khai thêm hệ thống phần mềm quản lý hồ sơ công việc tích hợp với phần mềm chấm công, quản lý nhân sự và tính lương, ứng dụng CNTT trong quản lý mã vạch và đưa thêm ứng dụng CNTT cho trung tâm khách hàng…

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Hàng dệt may - thời trang Việt Nam: Chỉ cạnh tranh ở mức giá thấp (31/10/2008)

>   Phát triển bò sữa không nên dựa dẫm vào Chính phủ (31/10/2008)

>   Hoàn thành mở rộng tuyến quốc lộ 22B (31/10/2008)

>   Giá trị sản xuất công nghiệp tăng xấp xỉ 16% (31/10/2008)

>   Nhiều hãng gas đồng loạt giảm 40.000 đ/bình 12kg (31/10/2008)

>   Dự luật nông Nghiệp Mỹ 2008 - rào cản mới của cá tra (31/10/2008)

>   Muốn đẩy mạnh xuất khẩu cũng khó (31/10/2008)

>   Xuất khẩu gặp khó do khủng hoảng tài chính (31/10/2008)

>   Hãng kính Guardian muốn đặt nhà máy ở TPHCM (31/10/2008)

>   Phát triển công nghiệp đang tàn phá môi trường (31/10/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật