Thứ Sáu, 31/10/2008 20:01

Xuất khẩu gặp khó do khủng hoảng tài chính

Cuộc khủng hoàng tài chính toàn cầu đã bắt đầu thể hiện tác động đối với các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam, với việc kim ngạch xuất khẩu trong những tháng gần đây đã chững lại và có dấu hiệu thụt lùi, cùng với hàng loạt đơn đặt hàng bị các đối tác hủy bỏ trong điều kiện khó khăn về tài chính.

Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu trong 10 tháng đầu năm ước đạt gần 53,8 tỷ USD, tăng 36,7% so với cùng kỳ năm trước - một mức tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp khó khăn và là mức tăng trưởng xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay.

Tuy nhiên nếu xét theo từng tháng thì liên tục trong ba tháng gần đây, kim ngạch xuất khẩu đã sụt giảm mạnh, với mức giảm 500 triệu USD trong tháng 8 (7,4% so với tháng 7), hơn 700 triệu USD trong tháng 9 (giảm 12,4% so với tháng 8) và 170 triệu USD (giảm hơn 3% so với tháng 9).

Trong khi đó, cùng với cuộc khủng  hoảng tài chính đang ngày càng lan rộng trên thế giới, nhiều ngành  hàng đang đứng trước khó khăn lớn hơn ở phía trước, khi nhiều đơn hàng đã bị rút lại.

Ông Vũ Đức Giang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may (Vinatex), cho biết nhiều khách hàng tại thị trường Mỹ, Nhật Bản đã rút lại đơn đặt hàng, duy chỉ còn thị trường EU là tạm ổn định.

Trong khi đầu ra khó khăn thì các chi phí không giảm, thậm chí còn tăng cao như lương công nhân, giá điện, lãi suất ngân hàng, khiến nhiều doanh nghiệp dệt may phải chuyển từ sản xuất mua nguyên liệu bán thành phẩm (FOB) sang gia công để bảo toàn vốn. Cách làm này đang khiến giá trị gia tăng trên sản phẩm dệt may ngày càng thấp và lợi nhuận doanh nghiệp giảm từ 20-30%.

Tương tự, ngành đóng tàu trong năm nay cũng phải nhận nhiều đơn hàng gia công cho các hãng đóng tàu lớn để xuất khẩu sang các nước thứ ba.

Trong khi đó, ngành thủy sản xuất khẩu tuy đạt kim ngạch xuất khẩu tới 3,6 tỷ USD trong 10 tháng nhưng trên thực tế rất nhiều đối tác còn nợ tiền hàng tới 30-40%. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Nguyễn Hùng Dũng, cho biết việc Mỹ dự định chuyển mặt hàng cá tra, basa sang cho Bộ Nông nghiệp quản lý thay vì cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm như trước kia sẽ khiến cho việc nhập khẩu cá của Việt Nam vào Mỹ rất khó khăn, thậm chí có khả năng Mỹ sẽ loại Việt Nam khỏi danh sách được phép xuất khẩu cá vào nước này.

Tại cuộc họp khẩn do Bộ Công Thương tổ chức ngày 30/10 nhằm bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, đại diện các doanh nghiệp ngành điều, gỗ, dầu thô và linh kiện điện tử cũng đều khẳng định sẽ khó hoàn thành mục tiêu xuất khẩu trong năm 2008 do Bộ Công Thương giao cho.

Không chỉ gặp khó khăn do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính, các doanh nghiệp xuất khẩu còn bày tỏ nhiều bức xúc về những bất cập trong quy trình thủ tục hành chính, chính sách thuế và khó khăn trong huy động vốn.

Phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu đều có chung nhận định ngành ngân hàng đang làm khó cho doanh nghiệp. Không chỉ khó vay vốn, lãi suất ngân hàng quá cao khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu vừa và nhỏ đang đứng trước nguy cơ phá sản. Theo ông Nguyễn Hùng Dũng, không một doanh nghiệp thủy sản nào lại có mức lãi tới 20% đủ để trả ngân hàng.

Đối với ngành dệt may, có tới 70% các dự án đầu tư của Vinatex, trong đó có nhiều dự án sản xuất nguyên phụ liệu không thể triển khai được do thiếu vốn. Đơn cử như dự án sản xuất xơ polyeste lớn nhất hiện nay cũng gặp khó khăn do ngân hàng không cho vay và lãi suất quá cao khiến việc đầu tư không hiệu quả. Hiện nay, Vinatex đang phải tìm vay vốn tín dụng của Pháp để thay thế nguồn vốn trong nước.

Chính vì vậy, kiến nghị chung của các doanh nghiệp là kéo lãi suất về mức cuối năm 2007 và không nên duy trì tỷ giá USD/Việt Nam đồngở mức quá thấp như hiện nay mà nên đưa về mức 1 USD/18.000 đồng. Bên cạnh đó các doanh nghiệp cũng đề nghị Nhà nước sớm giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu cho các ngành dệt may, da giày, gỗ, thủy sản.

Trước những kiến nghị của doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho biết Bộ sẽ tiếp tục chủ trì các cuộc họp với các cơ quan chức năng để xúc tiến mạng lưới bán hàng, đồng thời đề nghị các hiệp hội ngành hàng liên lạc trực tiếp với các thương vụ nước ngoài khi gặp khó khăn trong thanh toán hoặc thông tin về thị trường, đối tác xuất khẩu.

Cũng theo Thứ trưởng, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu vấn đề nới lỏng thuế nguyên phụ liệu nhập khẩu, và với Ngân hàng Nhà nước trong việc điều hành tỷ giá để hài hòa lợi ích doanh nghiệp.

ttxvn

Các tin tức khác

>   Hãng kính Guardian muốn đặt nhà máy ở TPHCM (31/10/2008)

>   Phát triển công nghiệp đang tàn phá môi trường (31/10/2008)

>   Quốc hội: Nên có phương án dự phòng thu chi ngân sách (31/10/2008)

>   Khách hàng thiệt đủ đường (31/10/2008)

>   Về vấn đề nông sản rớt giá: Không thể mãi sản xuất thô (31/10/2008)

>   Doanh nghiệp dệt may khai thác thị trường nội địa (31/10/2008)

>   Tiêu thụ trong nước tăng chậm lại (31/10/2008)

>   VN đăng cai tổ chức Hội nghị Cấp cao CLMV và AMECS (31/10/2008)

>   Hàng hóa giảm giá mạnh (31/10/2008)

>   Thành lập Quỹ tìm kiếm, thăm dò dầu khí (31/10/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật