Quốc hội: Nên có phương án dự phòng thu chi ngân sách
Chính phủ đã đệ trình phương án dự toán ngân sách 2009 (mới) xoay quanh mức dự tính giá dầu thô thế giới 70 đô la Mỹ/thùng, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng nên có thêm phương án dự phòng khi giá dầu không ở mức như dự tính.
Điều chỉnh và linh hoạt với nguồn thu
Điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước năm 2009 là nội dung quan trọng nhất trong cuộc thảo luận tại Quốc hội hôm 30-10 về vấn đề ngân sách nhà nước năm 2008 và năm 2009.
Việc điều chỉnh dự toán và các nguyên do lớn nhất dẫn đến việc phải điều chỉnh này là những tính toán của các cơ quan điều hành Chính phủ đã không còn phù hợp trước diễn biến và tác động liên tục của thị trường thế giới trong suốt thời gian qua.
Mỗi ngày đi qua, dự toán cũ lại bộc lộ những yếu tố không còn phù hợp nữa, đặc biệt là giá dầu thô, nguồn thu xuất khẩu hiện đang chiếm khoảng 28% tổng thu ngân sách là chủ lực hiện đang rớt giá rất nhiều.
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, khi xác định dự toán ngân sách nhà nước năm 2009, dự tính giá dầu thô là 100 đô la Mỹ/thùng. Nay giá dầu đã xuống dưới 70 đô la/thùng và còn diễn biến phức tạp do các dự báo của các tổ chức kinh tế hàng đầu thế giới hiện cũng rất khác nhau và xu thế đều thấp hơn nhiều so với trước. Trong phương án mà Chính phủ báo cáo với Quốc hội thì dự kiến giá dầu thô những tháng cuối năm 2008 và cả năm 2009 là 90 đô la Mỹ/thùng.
Với những thực tế như vậy, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã giải trình về các phương án xây dựng dự toán ngân sách thay đổi. Theo ông Ninh “Nếu dự báo để đưa ra xây dựng dự toán năm 2009 ở mức cao nhưng thực tế thực hiện ở mức thấp thì rất bị động trong điều hành ngân sách. Nếu dự báo ở mức vừa phải và thấp, thực hiện cao hơn thì sẽ chủ động sẽ chủ động hơn trong điều hành”.
Chính phủ dự kiến trình Quốc hội giá dầu thô bình quân cho 3 tháng cuối năm và cả năm 2009 ở mức khoảng 70 đô la Mỹ/thùng. Với mức này, khả năng ngân sách sẽ bị giảm thu 36 ngàn tỉ đồng. Tuy nhiên, ông Ninh cũng nói rằng trong điều hành, Chính phủ sẽ cập nhật và dự báo các diễn biến của tình hình để có thể điều hành cho phù hợp, trường hợp giá dầu xuống thấp nữa thì sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm giá tương ứng. Còn trường hợp giá tăng cao sẽ tiếp tục triển khai các chính sách đã dự kiến và đảm bảo các khoản chi đầu tư thường xuyên đã bị giãn, hoãn trước đó.
Phân bổ hợp lý và minh bạch nguồn chi
Đối với vấn đề sử dụng ngân sách nhà nước, các đại biểu quan tâm đến cả hai hướng thu chi như thế nào. Ông Nguyễn Đăng Vang (Bình Định) có ý kiến “về lựa chọn chi như thế nào để có thể nuôi dưỡng thu trong tương lai”, vì dần dần phải làm sao thu được nhiều để chi chứ không phải lúc nào cũng muốn chi mà không nghĩ tới thu thì đó là cách nhìn ngắn.
Điều này, theo ông Vang là thể hiện qua phân bổ đồng vốn chi. Khi phân bổ kinh phí cho chương trình giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản thì có 27 tỉnh không được phân chia nguồn kinh phí này là hầu hết là các tỉnh nghèo, là nơi cần phân bổ nguồn vốn này thì không đưa đến.
Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) nói, trong chuyện phân bổ vốn, sử dụng vốn thì vấn đề công khai, minh bạch, tránh tình trạng có gì đó mập mờ, chưa rõ ràng như điện, xăng dầu thời gian qua.
Ông Nguyễn Minh Thuyết dẫn chứng, năm 2008 vượt thu từ dầu thô là 36 ngàn tỉ nhưng phải dự tính bù lỗ cho xăng dầu là 32 ngàn tỉ, tái đầu tư cho Tập đoàn Dầu khí là 9 ngàn tỉ, cộng lại là 41 ngàn tỉ. Như vậy là vượt được gần 36 ngàn tỉ nhưng chi ra là 41 ngàn tỉ, cũng loanh quanh trong phạm vi Tập đoàn Dầu khí và các công ty kinh doanh xăng dầu. Theo ông Thuyết, như vậy là không cân đối.
Về các nguồn chi đầu tư khác, đại biểu Nguyễn Văn Sỹ (Quảng Nam) đề nghị xem xét nghiêm túc việc giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ. “Vấn đề này lập đi lập lại nhiều năm”, ông nói. Đến tháng 9 thì mới giải ngân được 40%, trong khi nhu cầu đầu tư từ nguồn này là hết sức lớn. Có điều cứ để cách quản lý, điều hành như thế là có vấn đề.
Ông Chu Sơn Hà (Hà Nội) cũng băn khoăn quanh con số tổng vốn đầu tư phát triển của cả nước năm tới sẽ là 118 ngàn tỉ, tăng 18,4% so với dự toán và chiếm tới 24,9% so với tổng chi ngân sách cả nước; nhưng việc giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong 9 tháng chỉ đạt có 52% cho thấy việc thực hiện thế nào. Trong đó, ngành giao thông mới giải ngân được các nguồn vốn trái phiếu Chính phủ qua 9 tháng là 22,5%. “Với kết quả 22,5% mà đánh giá là giải ngân cao, là tốt thì các dự án khác sẽ thế nào?”, ông Hà đặt câu hỏi.
Cũng về vấn đề hiệu quả phân bổ vốn, ông Thuyết nói: “Nếu kinh doanh mà mắc 4 lỗi này: đầu tư dàn trải, thất thoát nhiều, hiệu quả thấp, vòng quay của đồng tiền chậm thì chắc chắn thua lỗ”. Về chuyện thua lỗ mà đổ cho cơ chế thì không khác gì bác sỹ nói với bệnh nhân là “bệnh của anh là do gien, do cơ địa”, tức là chỉ an ủi được bệnh nhân chứ không chữa được.
Do vậy, để việc dự toán và phân bổ ngân sách năm 2009 hợp lý, đại biểu Lê Quốc Dung đề nghị Chính phủ nên trình Quốc hội một phương án có hai dự phòng. Trong điều kiện giá dầu thô không đạt mức như dự tính thì vấn đề tăng thuế xuất xăng dầu sẽ như thế nào? Chống thất thu, huy động các khoản thất thu trong thời gian qua ra sao, để có thể đảm bảo được dự toán thu ngân sách năm tới đều phải được chỉ rõ.
"Việc bố trí chi trên 10.600 tỉ bổ sung cho các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước đã bàn rất nhiều trong thảo luận về kinh tế xã hội hai ngày 29 và 30-10. Các đại biểu có ý kiến rất nhiều.
Tôi đề nghị ngoài 9.000 tỉ tái đầu tư cho Tập đoàn dầu khí Việt Nam, việc này đã có cam kết của Nhà nước, chúng ta tiếp tục thực hiện, còn lại trên 1.600 tỉ đầu tư cho các tập đoàn, các doanh nghiệp nhà nước khác cũng cần phải xem xét hết sức chặt chẽ.
Theo tôi có thể để cho các doanh nghiệp này chủ động huy động vay vốn sản xuất kinh doanh và chúng ta dùng nguồn này để đầu tư cho các lĩnh vực khác, trong khi ngân sách đang khó khăn.
Ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Sỹ (Quảng Nam)
tbktsg
|