Hàng hóa giảm giá mạnh
Giá gas giảm còn trên dưới 200.000 đồng/bình; thép xây dựng còn 10 triệu đồng/tấn; hàng loạt mặt hàng tiêu dùng cũng đang giảm 5%-15%... Tuy nhiên, mức giảm vẫn chưa tương ứng với giá thế giới. Dự báo, giá sẽ còn giảm mạnh
Thời gian qua, giá nhiều hàng hóa, nguyên liệu trên thị trường thế giới đã giảm rất mạnh và có xu hướng còn tiếp tục giảm. Trong khi đó, giá hàng hóa trong nước gần đây chỉ giảm nhỏ giọt, thậm chí đứng bên lề những đợt giảm ào ạt trên thế giới. Ngoài nguyên nhân chuyển biến giá trong nước có độ trễ nhất định, còn vì hiện tượng kìm giá của giới kinh doanh trong nước. Tuy nhiên, theo nhiều nguồn tin, thị trường bắt đầu bước vào một đợt giảm giá mạnh vì các doanh nghiệp buộc phải giảm giá để tiêu thụ hàng.
Giá gas, thép, hàng nhựa... giảm rất mạnh
Ngày 30-10, Elf Gas Saigon đã chính thức điều chỉnh giảm giá gas 62.000 đồng/bình 12,5 kg. Giá bán lẻ trên thị trường từ 282.000 đồng trước đó xuống còn 220.000 đồng/bình. Theo lãnh đạo Elf Gas Saigon, sở dĩ đến nay đơn vị mới giảm giá vì đợi giá CP tháng 11-2008 (ngày 29-10 các hãng gas mới chính thức được báo giá CP của tháng 11). Hôm nay, 31-10, sẽ có thêm hàng loạt hãng gas khác giảm giá với mức giảm từ 40.000 đồng - 50.000 đồng/bình 12 kg (tuần trước nhiều đơn vị đã giảm 10.000 đồng-12.000 đồng/bình).
Giá gas bán lẻ đến tay người tiêu dùng của Petronas VN, Petrolimex, Saigon Petro, Vinagas, Gia Đình gas... không vượt quá 200.000 đồng/bình. Được biết, giá gas thế giới giao tháng 11-2008 chốt ở mức 490 USD/tấn, tức giảm mạnh đến 310 USD/tấn so với tháng trước. Với mức giảm như trên thì giá gas trong nước sẽ phải giảm khoảng 68.000 đồng/bình loại 12 kg mới tương ứng.
Tương tự là mặt hàng thép. Giá nguyên liệu phôi thép trên thế giới hiện chỉ còn gần 300 USD/tấn (giảm tiếp trên 100 USD/tấn so với giá giữa tháng 10). Theo tính toán, nếu nhà sản xuất nhập nguyên liệu với mức giá trên để sản xuất ngay thì giá bán thép xây dựng trong nước sẽ chỉ còn 7,2 triệu đồng/tấn.
Thời gian qua các hãng thép liên tục giảm giá bán nhưng vẫn không theo kịp đà tuột giá trên thị trường thế giới. Giá thép của các hãng trong nước hiện bán xuất xưởng còn 10 triệu đồng/tấn, tính ra vẫn còn quá chênh lệch so với giá nguyên liệu. Trong khi đó, sức mua mặt hàng này rất yếu nên nhiều đơn vị đã có kế hoạch tiếp tục giảm giá nhiều đợt trong tháng 11 và 12 (mỗi đợt giảm khoảng 500.000 đồng/tấn).
Mặt hàng nguyên liệu nhựa trên thế giới cũng đang giảm mạnh. Giá nguyên liệu nhựa hiện còn khoảng 850 USD/tấn, giảm 50% so với những tháng đầu năm. Ông Lại Anh Việt, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nhựa Sài Gòn và lãnh đạo nhiều doanh nghiệp nhựa cho biết do nhiều đơn vị đang sản xuất từ nguyên liệu tồn nhập giá 1.300 USD/tấn nên giá bán sản phẩm mới chỉ giảm nhẹ, khoảng 5% nhưng chắc chắn thời gian tới, sản phẩm nhựa sẽ còn giảm mạnh.
Ông Võ Văn Đức Bảy, Phó Giám đốc Công ty Nhựa Chợ Lớn, giải thích sức tiêu thụ hiện đã giảm đến 30%, nên các doanh nghiệp ngành nhựa muốn bán được hàng sẽ phải giảm giá cho tương ứng với mức giảm của giá nguyên liệu...
Hàng ngoại nhập gây áp lực mạnh
Các doanh nghiệp sản xuất hàng điện tử trong nước hiện đang phập phồng lo lắng hàng ngoại nhập sẽ tràn về với mức giá rất cạnh tranh. Các mặt hàng điện tử thành phẩm (tivi, máy giặt, tủ lạnh, máy lạnh...) nhập khẩu từ các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Singapore, Malaysia sẽ tràn ngập thị trường trong những tháng cuối năm.
Hiện thuế nhập khẩu các mặt hàng điện tử đang ở mức từ 3%-5%, nhưng theo lộ trình giảm thuế thì từ ngày 1-1-2009, mức thuế này là 0%. Lúc đó, hàng ngoại nhập sẽ có cơ hội cạnh tranh mạnh với hàng trong nước, do có lợi thế về giá rẻ hơn, chất lượng cao hơn, mẫu mã cũng đa dạng hơn.
Các nhà nhập khẩu cũng đang có kế hoạch nhập hàng với số lượng lớn để tiêu thụ cuối năm. Ông Trần Đình Lưu Phong, Giám đốc marketing khu mua sắm Phan Khang (TPHCM), cho biết đang thương lượng với các đối tác nước ngoài để nhập hàng điện tử với số lượng tăng 400% so với cùng kỳ năm ngoái... Để đối phó, trong 2 tháng cuối năm còn lại, các hãng điện tử trong nước cũng như nhà phân phối, nhà bán lẻ đang có kế hoạch bung hàng ra bán với mức giá giảm đáng kể để giải phóng lượng hàng tồn khá lớn.
Đối với các mặt hàng thực phẩm chế biến cũng như hàng tiêu dùng khác, thông tin từ các siêu thị cho thấy giá bán đã giảm từ 5%- 10% (thực phẩm), 5%- 15% (đồ dùng gia đình)... Mức giảm này chưa thấm vào đâu so với mức giảm trên thế giới. Chẳng hạn, giá nguyên liệu sữa bột gần đây đã giảm khoảng 50% (nguyên liệu sữa gầy hiện chỉ còn 2.800 USD/tấn, bột béo trên 3.000 USD/tấn), tương đương mức giá năm 2006. Tuy nhiên, giá các mặt hàng sữa trên thị trường vẫn đứng ở mức cao. Một số đơn vị chuẩn bị điều chỉnh giảm giá các sản phẩm sữa khoảng 6%.
Cạnh tranh giúp giảm giá
Theo các chuyên gia kinh tế, do mức độ hội nhập ở nước ta còn hạn chế, người tiêu dùng chưa thật sự có quyền lựa chọn; các doanh nghiệp chưa bị áp lực lớn để điều chỉnh giá ngay theo giá thị trường thế giới nên nhiều đơn vị còn thời gian để tính toán lợi ích cho mình. Đặc biệt, tiến sĩ Nguyễn Sơn Hùng, Viện phó Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, nhấn mạnh: Nhiều lĩnh vực còn độc quyền, môi trường cạnh tranh chưa có, người tiêu dùng không có quyền lựa chọn nên các doanh nghiệp độc quyền chỉ chú trọng đến lợi ích của họ... khiến giá hàng hóa chưa giảm tương ứng với tình hình chung.
Tuy nhiên, do tình hình cạnh tranh sắp tới, nhất là thời điểm sau ngày 1-1-2009 (thời điểm chính thức mở cửa thị trường bán lẻ) giá nhiều loại hàng hóa trong nước chắc chắn sẽ còn giảm mạnh.
người lao động
|