Phát triển công nghiệp đang tàn phá môi trường
Bộ Công Thương nhận định việc phát triển các khu công nghiệp 17 năm qua đang làm thay đổi diện mạo kinh tế nhiều địa phương, đồng thời cũng đang bộc lộ nhiều mặt trái, phát triển thiếu bền vững, chưa đi đôi với bảo vệ môi trường.
Nhận định trên được Bộ Công Thương nêu ra tại Hội thảo quốc gia về Mô hình quản lý môi trường khu công nghiệp do Bộ Công Thương tổ chức sáng 30-10 tại thành phố Nha Trang.
Theo điều tra của Bộ Công Thương, hiện cả nước có gần 200 khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động, thu hút trên 5.500 dự án trong và ngoài nước, tạo việc làm ổn định cho khoảng trên 1 triệu lao động.
Tuy nhiên, tình trạng chất thải công nghiệp không được xử lý triệt để, nước thải, khí thải chưa qua xử lý với độ ô nhiễm vượt hàng trăm lần so với tiêu chuẩn cho phép đang tàn phá môi trường sống trong lành của nhiều địa phương trên cả nước.
Báo cáo của Bộ Công Thương còn cho biết, hiện nay vấn đề ô nhiễm nước thải tại các khu công nghiệp là nghiêm trọng nhất. Chỉ riêng tại các khu công nghiệp đang hoạt động, mỗi ngày xả gần 225 ngàn mét khối nước thải công nghiệp, nhưng chỉ có 30% được xử lý. Như vậy mỗi ngày đêm có khoảng 160 ngàn mét khối nước thải không qua xử lý được xả thải trực tiếp ra môi trường.
Chưa kể, ô nhiễm do chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại phát sinh tại các khu công nghiệp gây ô nhiễm cũng đáng được quan tâm. Hiện nay, mỗi ngày các khu công nghiệp trên cả nước thải ra khoảng 30 ngàn tấn chất thải công nghiệp. Trong khi đó, việc thu gom và xử lý chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại vẫn chưa được thực hiện hiệu quả. Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường, cả nước chưa có cơ sở xử lý chất thải nguy hại nào đạt chuẩn, chưa nói đến số lượng cơ sở xử lý cũng quá ít, chủ yếu tập trung ở TPHCM, Đồng Nai và Hà Nội.
Thời gian gần đây, tình trạng ô nhiễm không khí do khí thải công nghiệp tăng theo thời gian, nồng độ các chất SO2, CO, NO2… tại phần lớn các khu vực xung quanh khu công nghiệp đều vượt quá giới hạn cho phép.
Khí thải công nghiệp tập trung vào các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng đều vượt giới hạn cho phép từ 20 đến 435 lần; điện, luyện kim vượt từ 5 đến 125 lần; dệt, nhuộm và đóng tàu vượt khoảng 10 đến 15 lần.
Điều tra của Bộ Công Thương còn cho thấy, 79% doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã phê duyệt nhưng lại không bị phát hiện, hoặc không phải chịu hình thức kỷ luật và cảnh cáo nào. Chính sự buông lỏng quản lý này đã vô tình tạo điều kiện cho doanh nghiệp vi phạm.
Lâu nay, nhiều địa phương hiểu và vận dụng không đúng ý nghĩa “tạo điều kiện thuận lợi" để thu hút đầu tư; nhiều địa phương còn hứa hẹn với nhà đầu tư rằng sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi kể cả giải quyết thay cho họ những vấn đề về môi trường.
Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, mục tiêu đến năm 2010, tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất đều phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Hiện cả nước vẫn còn gần 40% khu công nghiệp chưa triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Tại hội thảo lần này, nhiều đại biểu tham dự đã nhắc đến sự bất đồng giữa Bộ Tài nguyên môi trường và UBND tỉnh Đồng Nai xung quanh việc tạm đóng cửa Vedan để minh họa về sự chồng chéo, thiếu chặt chẽ trong các quy định của pháp luật bắt nguồn từ sự nhầm lẫn về khái niệm của các chủ thể chịu sự tác động của các quy định bảo vệ môi trường.
tbktsg
|