Hàng dệt may - thời trang Việt Nam: Chỉ cạnh tranh ở mức giá thấp
Theo cam kết WTO, từ ngày 1-1-2009, Việt Nam (VN) phải mở cửa cho thị trường bán lẻ nước ngoài vào VN. Dự báo ngành dệt may - thời trang trong nước vốn đã gặp nhiều khó khăn trong cạnh tranh tại thị trường nội địa, sẽ gặp nhiều khó khăn khi “cơn lốc” hàng hiệu tràn vào VN.
Doanh nghiệp (DN) hàng dệt may - thời trang trong nước phải làm gì để có thể cạnh tranh? Đây là những vấn đề được đặt ra tại hội thảo thúc đẩy dệt may - thời trang nội địa do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức ngày 30-10.
Thương hiệu thời trang VN: yếu!
Ngành dệt may VN hiện đứng thứ 9 trên thế giới về xuất khẩu, được đánh giá là thị trường có tốc độ tăng trưởng cao, nhiều khả năng sẽ lọt vào top 5 vào năm 2010. Tuy nhiên, ở thị trường nội địa, các DN dệt may - thời trang trong nước dường như “đuối sức” trong việc xây dựng hình ảnh thương hiệu, cạnh tranh với hàng ngoại nhập.
Trong khi đó, thị trường 85 triệu dân, dân số trẻ của VN là một “mảnh đất” màu mỡ mà DN thời trang trong nước không thể bỏ qua. “Thà làm một con cá to trong một hồ nước nhỏ, còn hơn làm một con cá nhỏ bơi ra biển lớn cùng nhiều con cá lớn hơn” - một chuyên gia thương hiệu đã khuyên DN may VN như vậy! Nhiều DN thời trang VN đã nhận thấy điều đó và xem đấy là mục tiêu của mình. Tuy nhiên, để nới rộng thị phần, DN VN cần phải làm rất nhiều việc.
Trước hết có lẽ cần nhanh chóng thay đổi cách kinh doanh và tìm câu trả lời cho câu hỏi: Vị trí thương hiệu thời trang của VN đang ở đâu? Ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia nghiên cứu thị trường và xây dựng thương hiệu đưa ra đánh giá: “Hiểu một cách chính xác, VN chưa có ngành công nghiệp thời trang, chỉ có hàng dệt may hướng đến thời trang! Do vậy, thời trang VN chủ yếu cạnh tranh ở giá thấp, hàng đại trà, cổ điển; có ưu thế nhất định về thời trang công sở (cổ điển) và thời trang trẻ nhưng chưa có thương hiệu, định hướng thời trang, mang hình ảnh của nhà thiết kế”.
Tuy vậy, theo ông, thời trang VN không phải không có yếu tố tích cực. Thực tế cũng có những thương hiệu thời trang giá cao, nhà thiết kế nổi tiếng như sản phẩm của các nhà thiết kế Sỹ Hoàng, Võ Việt Chung…, có điều các sản phẩm này lại chưa được thương mại hóa thương hiệu và cũng chưa bán đại trà. Do vậy, phân khúc giá cao vẫn còn trống.
Có thể xem thời trang công sở là thế mạnh của nhiều DN trong nước và phân khúc này đang bị cạnh tranh gay gắt giữa nhiều thương hiệu. Hiện dường như chỉ có thương hiệu Việt Tiến là tìm được chỗ đứng khá vững chắc. Cũng có một số thương hiệu được xem là mạnh, nổi tiếng nhưng đáng tiếc là vẫn chưa thể tách rời để thật sự trở thành ngôi sao sáng, mà vẫn còn nhập nhằng với nhiều thương hiệu khác.
Ông Tuấn cũng chỉ ra một sai lầm lớn mà nhiều DN VN đang mắc phải, đó là việc dùng tên của DN cho cả thương hiệu sản phẩm hàng hóa. Theo ông, DN sẽ gặp nhiều khó khăn khi muốn thay đổi đẳng cấp của hàng hóa, mở rộng hoạt động cũng như quy mô kinh doanh.
Định vị xu hướng tiêu dùng
Theo số liệu khảo sát trong tháng 10-2008 của BSA, có tới 70% số người tiêu dùng (NTD) mua đồ thời trang hàng tháng hoặc 2 - 3 tháng/lần, trong đó nhóm NTD trẻ tuổi (dưới 25 tuổi) mua thường xuyên hơn. Về động lực tạo ra xu hướng tiêu dùng, có đến 65,4% người được hỏi cho rằng làn sóng phim Hàn Quốc có tác động tới xu hướng tiêu dùng của đa số nhóm NTD trẻ tuổi (dưới 25 tuổi); kế đến là xu hướng theo mùa, xu hướng thẩm mỹ thay đổi cũng là những tác nhân tạo ra xu hướng thời trang.
Cũng theo khảo sát, kênh phân phối có sức hút lớn nhất với NTD hàng trang phục - trang sức hiện nay là các cửa hàng chuyên về sản phẩm và siêu thị. Và đây cũng chính là điểm yếu nhất của ngành thời trang VN khi mạng lưới bán hàng thiếu chuyên nghiệp, hoạt động tiếp thị quảng bá yếu, thiết kế lạc hậu.
Bà Ngô Thị Báu, Giám đốc Công ty Thời trang Foci đưa ra ví dụ, thực tế khi giới thiệu với khách hàng về sản phẩm áo sơ mi, nhân viên bán hàng chỉ có thể nói được áo được làm 100% cotton nên mặt mát, thoải mái chứ không có gì hơn! Trong khi một người bán hàng năng động có thể đưa ra nhiều lựa chọn cho khách hàng, thuyết phục khách hàng thử sản phẩm mà làm được điều này xem như có cơ hội bán được sản phẩm.
Tại thị trường VN hiện nay, phân khúc hàng thời trang cấp cao thuộc về hàng hiệu nước ngoài. Chỉ có một vài thương hiệu thời trang trong nước như Ninomaxx, F-house… xây dựng được chỗ đứng của thương hiệu trong NTD VN và có những bước đột phá, tiên phong khi mang sản phẩm, thương hiệu sang thị trường các nước.
Thời hạn đến ngày 1-1-2009 đã gần kề, khó khăn trước mắt đã nhìn thấy được. Các DN VN không chỉ chịu áp lực cạnh tranh từ hàng hiệu nước ngoài mà hàng thời trang Trung Quốc sẽ là một đối trọng lớn. Nhiều DN lo lắng, hàng Trung Quốc giá rẻ sẽ tràn qua đường tiểu ngạch đổ vào VN. Trên thực tế, không đợi đến ngày đó, điều này đã và đang diễn ra tại thị trường thời trang VN.
sài gòn giải phóng
|