Phát triển bò sữa không nên dựa dẫm vào Chính phủ
Để phát triển đàn bò sữa nhằm đảm bảo cung cấp 40% nhu cầu của Việt Nam năm 2020, nhiều chuyên gia cho rằng ngành chăn nuôi không nên trông trờ vào sự đầu tư ít ỏi của Nhà nước mà hãy tự thân vận động và thắt chặt hơn mối liên kết nông dân - doanh nghiệp.
Với quy mô giá trị sản phẩm vào khoảng 2.000 tỷ đồng/năm, ngành sữa có thể có được sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước lên đến 200 tỷ đồng/năm theo các cam kết của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Song, tại Hội thảo phát triển ngành bò sữa diễn ra ngày 30/10, nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN và Môi trường của QH, ông Nguyễn Đăng Vang, nói rằng, số hỗ trợ này chỉ 7 tỷ đồng/năm, chủ yếu tập trung vào chương trình giống, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi thông qua các mô hình khuyến nông
Sự hỗ trợ eo hẹp này buộc hầu hết các hộ chăn nuôi phải tự xoay sở về vốn, kỹ thuật, tìm khách hàng tiêu thụ... Ông Lưu Văn Tân, Giám đốc quản lý chất lượng của Dutch Lady nhận xét chính vì thế nên hiệu qủa chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam giảm đáng kể, bất chấp các ưu thế về nhân công, chi phí thức ăn, nhu cầu thị trường lớn.
Song, nhiều ý kiến tại hội thảo phản bác, cho rằng sự hỗ trợ của Chính phủ không phải lúc nào cũng đem lại hiệu quả tương ứng. Sự thất bại của Chương trình phát triển đàn bò sữa quốc gia mấy năm trước đã chứng tỏ điều đó.
Ông Nguyễn Anh Phong, Trung tâm Chính sách nông nghiệp (Viện Chiến lược và chính sách PTNT), dẫn chứng, quy mô của chương trình chỉ gói gọn trong 12 tỉnh, nhưng 33 tỉnh đã tham gia do yêu cầu trực tiếp từ UBND các tỉnh, thành.
Do thiếu sự chuẩn bị tốt về giống, khu vực nuôi và trồng cỏ, tập huấn kỹ thuật, dịch vụ thú y, điều kiện tự nhiên và kinh tế không thuận lợi, chương trình này đã phá sản. Hậu quả là đến nay, số lượng đàn bò ở nhiều tỉnh giảm mạnh, như Thái Nguyên (giảm 45%), Phú Thọ (68%), Thái Bình (37%) Hà Nam (18,5%); Trà Vinh (80%), Vĩnh Long (34%)...
Do vậy, Cố vấn trưởng Dự án phát triển bò sữa Việt Bỉ, ông Raf Somers, kiến nghị để phát triển đàn bò sữa ở Việt Nam, mối liên kết giữa DN và nông dân nuôi bò cần được thắt hơn, thay vì chỉ trông chờ vào Chính phủ. Cuộc “khủng hoảng melamine” vừa qua đã cho thấy khả năng bị ảnh hưởng của cả hai đối tượng trên nếu xảy ra vấn đề liên quan đến chất lượng sữa.
“Việc có được một cam kết từ phía Chính phủ là chưa đủ, mà quan trọng là cam kết từ người chăn nuôi, DN sản xuất để đảm bảo sản phẩm an toàn. DN phải kiểm soát tốt nguyên liệu đầu vào, nắm rõ xuất xứ, đủ sức cạnh tranh không chỉ trong nước, mà cả trên thị trường thế giới”, ông Raf Somers nói.
Theo Bộ NN-PTNT, đàn bò sữa Việt Nam các năm qua đạt tốc độ tăng trưởng bình quân trên 20%/năm, đến nay đã có trên 110.000 con, cung cấp gần 240.000 tấn sữa ra thị trường, đáp ứng 22% nhu cầu tiêu thụ trong nước. Mục tiêu đến 2020, đàn bò sữa sẽ đạt 500.000 con, cho 1 triệu tấn sữa, đáp ứng 40% nhu cầu tiêu thụ.
vietnamnet
|