Thứ Bảy, 15/11/2008 16:39

Giá cước taxi tăng tốc hành, giảm… nhỏ giọt!?

Sáng 15-11, giá xăng A92 chỉ còn 13.000đ/lít, như vậy xăng hiện tại đã thấp hơn mức giá cách đây 4 tháng hơn 10%. Những tưởng giá nhiên liệu giảm thì cước vận tải phải giảm tương ứng, tuy nhiên, người tiêu dùng lại thêm thất vọng khi hàng loạt doanh nghiệp vận tải vẫn cứ đủng đỉnh với giá cước vận tải hoặc có giảm thì cũng giảm nhỏ giọt, vì sao?

Tăng ồ ạt…

Điều đáng nói là khi giá bán lẻ xăng dầu tăng, lập tức các doanh nghiệp vận tải đua nhau tăng giá với lý do là “chi phí xăng, dầu chiếm tới 30% đến 40% thậm chí là 50% giá thành vận tải”. Thế nhưng, liên tục trong những ngày gần đây, giá xăng dầu bán lẻ trong nước liên tục giảm và đến thời điểm này chỉ còn 13.000đ/lít thì giá cước taxi lại giảm rất nhỏ giọt.

Điều làm khách hàng bức xúc nhất là ngay sau khi giá nhiên liệu tăng các doanh nghiệp vận tải, nhất là taxi lập tức lên kế hoạch tăng giá. Giá xăng thời điểm đó tăng 30%, các doanh nghiệp lên kế hoạch tăng từ 15%-20%.

Thậm chí, ngay trong ngày (khi chưa kiểm định được đồng hồ tính cước) các tài xế đã bắt đầu xin “phụ phí giá xăng tăng”. Vào thời điểm đó, hàng loạt doanh nghiệp vận tải đã nêu bao nhiêu khó khăn và hè nhau đồng loạt tăng giá trong đó có doanh nghiệp đã xây dựng chi phí nhiên liệu chiếm đến 50% giá cước để áp dụng tăng giá cước lên 15%.

Thậm chí, nhiều doanh nghiệp vận tải tăng trên 20% giá cước với lý do sợ giá nhiên liệu tăng nữa lại phải mất công kiểm định đồng hồ tính cước, xây dựng giá vé, in vé…

Chị Hường, chủ một doanh nghiệp tư nhân ngụ tại quận 3 bức xúc: Chỉ làm phép tính đơn giản: Giá xăng ở mức 14.500đ/lít, giá cước taxi bình quân là 10.000đ/km và mỗi xe taxi chạy 100km chỉ hết khoảng 10 lít. Chạy 100km tính ra tiền thì tài xế mất 145.000đ x 2 (nếu tính cả quãng đường quay đầu) = 290.000đ tiền mua xăng và doanh thu sẽ được 1.000.000đ.

Như vậy, giá xăng chiếm 29% giá cước. Trong khi giá xăng tăng 31%, nếu tính theo chi phí giá thành thì doanh nghiệp vận tải chỉ được tăng dưới 10% để bù chi phí xăng. Đó là chưa nói đến dầu, chỉ tăng 14,3% nhưng các doanh nghiệp vận tải cũng tự cho phép mình tăng 10%-20% - quả là người tiêu dùng đang bị ép giá.

Chị Hường tỏ ra bức xúc: “Cũng chẳng có gì phải nói nếu lúc giá xăng giảm thì các doanh nghiệp vận tải cũng áp dụng cách tính trên để giảm tương ứng. Đằng này, giá xăng tăng 4.500đ/lít, cước vận tải tăng 15%-30%, xăng giảm 6.000đ/lít thì cước vận tải chỉ giảm 5%-10% là không công bằng đối với người tiêu dùng”.

Giảm nhỏ giọt!

Ngay khi giá xăng bắt đầu giảm 1.000đ/lít, các doanh nghiệp lại viện ra bao lý do để chưa giảm giá. Rồi giá xăng giảm tiếp đến 2.000đ/lít, lúc này các doanh nghiệp vẫn cho rằng chưa thể giảm cước vì “đợt tăng giá cước chỉ áp dụng theo nguyên tắc bù lỗ nhiên liệu, trong khi các chi phí về bảo dưỡng, sửa chữa, phụ tùng… đều tăng cao”.

Đến khi xăng giảm 2.500đ/lít, trước áp lực của dư luận, các doanh nghiệp taxi mới giảm giá với mức 500đ/km. Và đến thời điểm này, khi giá xăng giảm đến 6.000đ/lít thì chỉ mới có một số hãng taxi giảm giá 1.000đ/km (cho cả 2 đợt).

Lần này, lý do đưa ra là “do thủ tục để điều chỉnh đồng hồ tính cước, giá cước mới rất mất thời gian nên các doanh nghiệp sẽ phải cân nhắc. Hơn nữa, giá xăng giảm vẫn chưa đủ để bù cho những thiệt hại mà các doanh nghiệp phải gánh chịu trong suốt thời gian qua” (?).

Trao đổi với chúng tôi, các doanh nghiệp taxi đều cho rằng, xăng dầu giảm giá lắt nhắt mà mỗi lần lập trình giá mới lại mất nhiều thời gian và tiền bạc. Bình quân khi kiểm định lại đồng hồ tính cước mất 70.000đ/xe. Ngoài ra, 70% doanh nghiệp vận tải vẫn đi vay với lãi suất thương mại nên chi phí sản xuất còn ở mức cao.

Ông Trương Quang Mẫn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Mai Linh, cho rằng: “Trong thời buổi cạnh tranh gay gắt hiện nay nếu không giảm giá cước thì DN sẽ chết. Chúng tôi sẵn sàng giảm giá, nhưng việc xăng dầu cứ giảm nhỏ giọt như thế này cũng khiến DN gặp khó. Hãng taxi Mai Linh có khoảng 6.000 xe, muốn giảm giá cước phải lập trình giá cước lại mà thời gian để lập trình 6.000 xe mất ít nhất 1 tháng”.

Một đại diện của Hiệp hội Taxi TPHCM cho biết, mặc dù các doanh nghiệp taxi đều giảm giá cước, tuy nhiên, rất khó để đưa giá cước về mức cũ theo giá xăng vì ngoài xăng, các doanh nghiệp còn phải chịu lãi suất cao, phí phụ tùng, nhân công, bảo dưỡng xe.

Tuy nhiên, đối với người tiêu dùng, những giải thích của các doanh nghiệp vận tải vẫn chưa thuyết phục. Bởi lẽ, khi giá xăng tăng thì doanh nghiệp muốn được khách hàng chia sẻ khó khăn ngay, còn khi giá xăng giảm thì doanh nghiệp không chịu chia sẻ lợi nhuận.

Mặt khác, khi tăng giá thì doanh nghiệp không câu nệ đến chuyện kiểm định đồng hồ tính cước, còn khi giảm giá thì lại đưa ra lý do này nọ. Thực tế trên cho thấy, không những trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp còn kém mà công tác quản lý, giám sát của cơ quan chức năng trong việc kiểm soát giá cả cũng còn nhiều bất cập.

Công ty Phương Trang Đà Lạt giảm giá vé xe buýt 15% - 25%

Từ sáng nay, 15-11, Công ty Phương Trang Đà Lạt (PTĐL) đã chính thức giảm giá vé đi xe buýt trên tất cả các tuyến từ Đà Lạt đi Thái Phiên, Đa Thiện, Xuân Trường, Lạc Dương, Đơn Dương và Đại Lào. Theo ông Lưu Phúc Thông, giám đốc công ty cho biết, mức giảm bình quân từ 15 - 25% và bằng với mức cũ trước khi giá xăng tăng. Theo đó, giá vé Đà Lạt đi Đức Trọng còn 12.000đ; Đà Lạt – Đại Lào còn 26.000đ; Đà Lạt - Thái Phiên còn 4.000đ đến 8.000đ; Đà Lạt – Đơn Dương 4.000đ đến 16.000đ và Đà Lạt – Đa Thiện còn 4.000đ đến 7.000đ.

Được biết, công ty hiện có 260 chuyến xe buýt/ngày, vận chuyển khách đi trên 6 tuyến thuộc nội thành Đà Lạt và liên huyện.

Văn Phong

Hồ Thu (SGGP 12G)

Sài gòn giải phóng

Các tin tức khác

>   Xây dựng nền kinh tế thị trường giàu tính nhân bản (15/11/2008)

>   Đóng tiếp tàu 17.500 tấn xuất khẩu sang Hàn Quốc (15/11/2008)

>   Việt Nam sẽ tham gia đường ống dẫn khí xuyên Á (15/11/2008)

>   Ngành chế biến Nông-Lâm-Thuỷ sản thiếu hụt nhân lực có tay nghề cao (15/11/2008)

>   Đã chi 600 tỉ, lại phải thêm... 1.200 tỉ đồng! (15/11/2008)

>   Sẽ bùng nổ thời trang Việt Nam (15/11/2008)

>   Việt Nam: Nhập khẩu sợi trong tháng 8/2008 tăng (15/11/2008)

>   Tập đoàn không được đầu tư mạo hiểm (15/11/2008)

>   Hoãn dịch vụ đặt vé tàu Tết qua mạng (15/11/2008)

>   Thừa Thiên-Huế: Trên 290 tỷ đồng xây dựng thủy điện Rào Trăng 3 (15/11/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật