Thứ Bảy, 15/11/2008 09:28

Đã chi 600 tỉ, lại phải thêm... 1.200 tỉ đồng!

Khởi công từ tháng 4-2005, tính đến nay đã có gần 600 tỉ đồng đầu tư vào tiểu dự án thủy lợi Ô Môn - Xà No. Nhưng mới đây nhất, theo đại diện chủ đầu tư, Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), muốn tiểu dự án này phát huy hiệu quả thì cần thêm... 1.200 tỉ đồng nữa.

Tiêu tiền như nước!

Mục đích của tiểu dự án thủy lợi Ô Môn - Xà No với hệ thống đê bao khép kín và hệ thống cống, đập là nhằm kiểm soát lũ và cung cấp nước tưới cho 45.430 héc ta đất canh tác của một phần thành phố Cần Thơ và hai tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang. Dự kiến hoàn thành năm 2007, nhưng đến nay tiểu dự án này vẫn chưa được nghiệm thu. 

Theo báo cáo của chủ đầu tư, các đơn vị thi công đã hoàn thành hơn 114,2 ki lô mét đê bao, 54 cống lớn, nhỏ... Tuy nhiên, do trên các tuyến đê có gần 100 cửa kênh, rạch còn bỏ ngỏ, nên nhất thiết phải xây dựng cống để phục vụ sản xuất và giải quyết vấn đề môi trường.

Mặt khác, hầu hết kênh, rạch trong khu dự án đã bị bồi lắng, không đủ khả năng cung cấp và tiêu nước nên cũng phải nạo vét. Do đó, chủ đầu tư đã đề xuất dự án phải thực hiện thêm giai đoạn 2 với số vốn lên tới 1.200 tỉ đồng.

Phương án mà Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng thủy lợi 2 - đơn vị thiết kế - đưa ra là xây thêm 68 cống hở và 31 cống ngầm, đồng thời sẽ nạo vét 136 con kênh nhằm hoàn chỉnh công trình.

“Chính phủ đã đồng ý để chúng tôi lập dự án đầu tư giai đoạn 2 này”, ông Trần Duy Tiến, Phó cục trưởng Cục Quản lý công trình Bộ NN&PTNT, cho biết.

Khi khởi công, số vốn dự kiến cho tiểu dự án này chỉ là 536 tỉ đồng (trước đó, khi phê duyệt vào năm 1999, số vốn chỉ là 264 tỉ đồng) từ nguồn vốn ODA của Ngân hàng Thế giới (WB), cộng thêm một phần vốn đối ứng của các địa phương. Ít lâu sau, vốn cần thiết đã được đề nghị tăng lên 650 tỉ đồng. Vào năm 2007, WB đã quyết định không giải ngân thêm do tình trạng thi công bê trễ, nhiều hạng mục không hoàn thành đúng tiến độ. Dự án nhiều “trục trặc” là vậy, nhưng lần này chủ đầu tư vẫn đột ngột “xin” thêm 1.200 tỉ đồng.

Trong khi đó, giai đoạn 2006-2010, dự kiến chỉ có khoảng 2.000 tỉ đồng được rót cho các công trình thủy lợi ở ĐBSCL, còn thiếu 13.000 tỉ đồng so với nhu cầu. “Trước mắt, chúng tôi sẽ trình Bộ NN&PTNT cho đầu tư trước 600 tỉ đồng”, ông Tiến nói.

Hồi hộp chờ hiệu quả

Trong quá trình thi công tiểu dự án Ô Môn - Xà No, Bộ NN&PTNT đã ít nhất hai lần tổ chức hội thảo tại Cần Thơ và nhiều nhà khoa học đã bày tỏ sự băn khoăn về tính hiệu quả của nó, bởi đây là vùng đất nhiều sông rạch và tình trạng ngập úng hàng năm không đáng kể. Chính ông Tiến cũng thừa nhận, khi tiểu dự án hoàn thành thì chỉ những năm lũ thật lớn mới đóng, mở cống để kiểm soát lũ. Còn ở vùng Kiên Giang, do xâm ngập mặn hàng năm không đáng kể nên cũng không cần đóng, mở cống thường xuyên.

Trước đó (năm 1994), lãnh đạo tỉnh Cần Thơ (cũ) đã đề xuất phương án chỉ cần đắp bờ bao với cao trình vừa phải (từ 1-1,2 mét) cho từng tiểu vùng có diện tích vài trăm đến vài ngàn héc ta với tổng mức đầu tư thấp hơn gần sáu lần so với mức gần 600 tỉ đồng đã đầu tư vào tiểu dự án Ô Môn - Xà No. Tuy nhiên, tiểu dự án này vẫn được triển khai.

Hiện tại, dù đã thỏa mãn mức đầu tư, thậm chí cao hơn yêu cầu ban đầu, nhưng chính chủ đầu tư cũng thừa nhận tiểu dự án Ô Môn - Xà No chưa phát huy hiệu quả. Thời gian qua, nhiều người dân trong vùng dự án đã liên tục kiến nghị chính quyền địa phương về tình trạng giao thông thủy khó khăn, khô kiệt nước tưới tiêu, sông rạch bồi lắng, ô nhiễm cục bộ... do các cống mới thu hẹp dòng chảy tự nhiên.

Ông Lê Phước Đại, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hậu Giang, còn cho biết nhiều công trình đã không vận hành sau khi hoàn thành nên bùn đóng rất dày, có nơi dày cả mét, bây giờ muốn đóng mở cống cũng chẳng được. Mặt khác, quy trình vận hành chính thức các cống đến nay vẫn chưa có.

Không đề cập thẳng hiệu quả của số vốn đã đầu tư, ông Tiến cho rằng việc đầu tư thêm giai đoạn 2 là hết sức cần thiết. Và việc phát sinh 1.200 tỉ đồng, không hề có khi tính toán lập dự án ban đầu, theo ông Tiến, một phần là do các địa phương đề xuất nạo vét kênh, rạch và xây thêm cống quá nhiều.

“Cũng do thời gian lập dự án kéo dài, nên vấn đề môi trường và giao thông thủy đề cập chưa thỏa đáng. Bài toán thủy lực ngày xưa chỉ tính đến việc phục vụ thủy lợi, nay phải tính đến cả môi trường, giao thông. Tổng số trên 1.700 tỉ đồng cho tiểu dự án này là không quá lớn với diện tích đất như vậy. Bởi hiệu quả của nó không chỉ là kinh tế mà phải tính cả cái lợi về môi trường, giao thông... những thứ không thể tính bằng tiền”, ông nói.

Thực ra, những vấn đề về môi trường, giao thông thủy chỉ phát sinh từ khi... tiểu dự án Ô Môn - Xà No được thực hiện, do hàng loạt cống, đập ra đời đã phá vỡ vùng sinh thái tự nhiên. Phải chăng giai đoạn 2 ra đời nhằm mục đích khắc phục “hậu quả” của giai đoạn 1 tiểu dự án?

Chính ông Tiến cũng cho biết, căn cứ yêu cầu của các chuyên gia kinh tế, môi trường... chủ đầu tư sẽ cố gắng “nắn” dự án để giữ lại gần giống hiện trạng tự nhiên của vùng đất này trước đây! Chẳng hạn, có cống thiết kế khẩu độ chỉ 2,5 mét, nhưng địa phương đề nghị mở thành 3 mét để gần bằng bề rộng con kênh trước đây, đơn vị thiết kế cũng phải “chiều”.   

Để “bảo vệ” tiểu dự án này, trước đây các nhà lập dự án đã đưa ra bài toán thủy lực nhằm khẳng định tính hiệu quả. Nhưng sắp tới, bài toán thủy lực với những tính toán công phu về khẩu độ, số lượng cống, đập, lưu lượng nước, vận tốc dòng chảy... để đảm bảo khả năng thoát nước, chống lũ, cung cấp nước vào mùa kiệt... phải chăng sẽ “phá sản” khi nhiều đập sẽ được thay bằng cống, khẩu độ cống mở rộng hàng loạt... theo đề nghị của các địa phương trong giai đoạn 2? Và như vậy, người ta sẽ lại phải hồi hộp chờ xem hiệu quả sau khi bỏ ra thêm 1.200 tỉ đồng?

Hồ Hùng

tbktsg online

Các tin tức khác

>   Sẽ bùng nổ thời trang Việt Nam (15/11/2008)

>   Việt Nam: Nhập khẩu sợi trong tháng 8/2008 tăng (15/11/2008)

>   Tập đoàn không được đầu tư mạo hiểm (15/11/2008)

>   Hoãn dịch vụ đặt vé tàu Tết qua mạng (15/11/2008)

>   Thừa Thiên-Huế: Trên 290 tỷ đồng xây dựng thủy điện Rào Trăng 3 (15/11/2008)

>   Xuất khẩu của doanh nghiệp FDI tăng mạnh (15/11/2008)

>   Cược 100 tỉ đồng cho tiến độ xây dựng tòa tháp cao nhất VN (15/11/2008)

>   Tạm giữ khối lượng lớn sữa bột và bánh nhập khẩu chứa melamine (15/11/2008)

>   TPHCM: Người dân đổ xô đi mua gạo giảm giá (15/11/2008)

>   Doanh nghiệp khốn khó, công nhân lao đao (15/11/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật