Thứ Bảy, 15/11/2008 06:15

Doanh nghiệp khốn khó, công nhân lao đao

Thời gian gần đây, trên địa bàn TP.HCM xảy ra tình trạng nhiều doanh nghiệp ngưng hoạt động, tuyên bố giải thể và một số giám đốc bỏ trốn. Chủ như vậy đương nhiên người lao động phải lao đao..

Sáng 10-11, tại Công ty Sunrising Kim Vina, P.Bình Trị Đông A, Q.Bình Tân, trên 400 công nhân đến nhận lương tháng mười. Trước đó, công ty thông báo ngưng hoạt động bốn tháng do khó khăn về tài chính. Đây là một trong bốn doanh nghiệp trên địa bàn Q.Bình Tân ngưng hoạt động chỉ trong tháng mười.

Doanh nghiệp khốn khó

Theo thông báo của Công ty Sunrising Kim Vina, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đặc biệt là nền kinh tế Mỹ - thị trường chính của công ty - nên công ty không thể thu hồi tiền gia công để có vốn duy trì hoạt động. Công ty Sunrising Kim Vina gia công hàng cho Công ty Come Long Sơn Kim, Khu công nghiệp Cát Lái nhưng đến ngày giao hàng thì chủ hàng ở nước ngoài không lấy hàng nữa. Chị Trần Thị Xuân Lan, trưởng phòng nhân sự Công ty Sunrising Kim Vina, cho biết thời gian qua công ty luôn lỗ, tháng sáu vừa qua công ty mới nhận hàng gia công lại nhưng do nguyên phụ liệu từ nước ngoài về không đồng bộ, mất điện thường xuyên nên hoạt động sản xuất ngưng trệ.

Chị Lan cho biết trong thời gian ngừng việc, công ty vẫn phải trả tiền cho người lao động, chi phí thuê máy phát điện, tiền thuế... Dẫn chúng tôi đi xem những thùng hàng đang chất đống trong kho, chị Lan buồn bã nói: “Chủ hàng bảo chúng tôi muốn xử lý sao cũng được”. Số nợ của hai đơn hàng trên là 2,2 tỉ đồng. “Đến cuối tháng mười, công ty không còn vốn đành phải thông báo ngưng hoạt động để thu hồi công nợ và tái lập nguồn vốn tiếp tục sản xuất” - chị Lan hi vọng.

Nhưng phía chủ hàng - Công ty Come Long Sơn Kim - cũng vừa có thông báo giải thể gửi Ban quản lý các  khu chế xuất - khu công nghiệp TP. Theo thông báo, thời gian qua việc sản xuất kinh doanh của công ty bị lỗ, không thể tiếp tục đầu tư nên phải giải thể. Công ty này có trên 200 công nhân sẽ chính thức giải thể và giải quyết các chế độ cho công nhân ngày 30-11. Đây là doanh nghiệp đầu tiên nằm trong các khu công nghiệp - khu chế xuất  TP giải thể.

Ngoài khó khăn do chủ hàng từ bỏ đơn hàng, nhiều doanh nghiệp đứng bên bờ vực phá sản vì không có đơn hàng. Đơn cử Công ty Silver Star VN (Q.Bình Tân) ngưng hoạt động do khách hàng rút đơn hàng, công nhân phải chờ việc. Công ty giải quyết chế độ cho hơn 1.000 công nhân. Theo thông báo của công ty, nguyên nhân khách rút đơn hàng là do tỉ lệ hao hụt cao, vật tư bù đắp quá lớn cho mỗi đơn hàng, hàng không đủ tiêu chuẩn…

Trường hợp Công ty Leaprodexim Saigon (Q.Gò Vấp) cũng tương tự. Theo thông báo của lãnh đạo công ty, từ khi EU áp đặt thuế chống bán phá giá các sản phẩm giày mũ da có xuất xứ từ VN, đặc biệt là trong tình hình suy giảm chung của kinh tế toàn cầu, việc hợp tác gia công với công ty nước ngoài gặp khó khăn, đơn hàng giảm sút. Do tiến độ thanh toán của đối tác không bảo đảm nên công ty phải giải thể. Khó khăn chung của các doanh nghiệp trên là do đối tác ở nước ngoài rút đơn hàng. Bởi hầu hết các doanh nghiệp trên chủ yếu gia công hàng xuất khẩu.

Bên cạnh đó, giám đốc nhiều công ty bỏ trốn vì số nợ lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp thôi việc... quá lớn như Công ty TNHH một thành viên Công nghệ may mặc VN (Q.Thủ Đức), Công ty TNHH Quang Sung Vina (Q.Gò Vấp) và Công ty TNHH Vina Haeng Woon Industries (Q.8)… Tại cuộc họp gần đây, ông Trương Lâm Danh - phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM - cho rằng giám đốc bỏ trốn cũng có nguyên nhân từ việc công ty gặp khó khăn về tài chính.

Công nhân lao đao

“Đi đến đâu cũng không nhận, không thấy tuyển người” - chị Nguyễn Thị Ánh, công nhân Công ty Sunrising Kim Vina, cho biết. Từ khi công ty ra thông báo ngưng hoạt động đã hơn mười ngày nay chị Ánh vẫn chưa tìm được việc làm. Chị Ánh cho biết định xin ở cơ sở sản xuất nhỏ làm đỡ, ra năm rồi tính. Chị Phượng, một công nhân khác, nhẩm tính tiền trọ 700.000 đồng/tháng, tiền ăn 1 triệu đồng, giờ cả nhà ba mẹ con chỉ trông chờ vào từng cuốc xe ôm ngày ít, ngày nhiều của chồng. Nhiều người tính đến bước đường về quê “vì tết cũng chỉ còn hai tháng, ra tết rồi tính tiếp”.

Được tính mọi chế độ thôi việc là sự “may mắn” của nhiều công nhân trong cơn bĩ cực. Còn hàng nghìn công nhân khác sống lây lất vì giám đốc đột nhiên biến mất. Trong hai ngày 10 và 11-11, chúng tôi chứng kiến hàng trăm công nhân Công ty TNHH Quang Sung Vina ngăn cản chủ cho thuê mặt bằng mang máy móc ra ngoài. Họ thức trắng cả đêm để canh giữ tài sản đó vì họ đang đòi được thanh lý tài sản để trừ lương.

Ba tháng qua, trong lúc trông chờ lương, không ít người trong số họ đã tìm việc làm. Nhưng lâu lâu họ lại tạt qua công ty một chút xem tình hình. Nhiều người quá chật vật đã bỏ về quê. Cứ tưởng ngày hẹn 10-11 sẽ chắc chắn nhận được lương, nhiều người khăn gói trở lại công ty nhưng rồi không ai giải quyết cho họ. “Em chỉ xin nhà 200.000 đồng. Tiền xe mất 100.000 đồng. Tiền ăn mấy ngày qua đã hết. Bạn bè cùng công ty đều khốn khó cả, không biết vay mượn ở đâu để về ” - Bùi Thị Trúc Mai, quê Kiên Giang, nói.

Bảo vệ quyền lợi người lao động, gỡ khó cho doanh nghiệp

Ông Trương Lâm Danh cho biết đã chỉ đạo LĐLĐ các quận, huyện có biện pháp hỗ trợ khó khăn bước đầu và hỗ trợ tìm việc làm cho công nhân mất việc. Ông Danh cũng kiến nghị UBND TP có văn bản chỉ đạo chung đối với UBND các quận, huyện khi xảy ra việc bỏ trốn của các chủ doanh nghiệp thì chủ mặt bằng phải bảo đảm tài sản của công ty . Đồng thời, UBND các quận huyện thành lập tổ công tác liên ngành để kê biên tài sản doanh nghiệp. Đối với trường hợp này, ông Danh kiến nghị TP nên sớm chỉ đạo tòa án giải quyết nhanh để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Tại cuộc họp ngày 10-11 với Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc cùng các doanh nghiệp Hàn Quốc đang nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, các sở, ngành liên quan đã thống nhất đề nghị Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc hỗ trợ thông tin đến các doanh nghiệp Hàn Quốc để hợp tác với các sở, ngành trong quá trình xử lý vụ việc và ngăn chặn các tranh chấp lao động vì lợi ích chung của các bên. Với những trường hợp chủ doanh nghiệp bỏ trốn, đề nghị Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc hỗ trợ thông tin để chủ doanh nghiệp quay lại giải quyết quyền lợi cho người lao động. Cuộc họp cũng thống nhất đề nghị Sở Kế hoạch - đầu tư có biện pháp tăng cường công tác hậu kiểm đối với các doanh nghiệp có vốn nước ngoài…

Theo ông Nguyễn Văn Xê - phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội, công tác hậu kiểm thời gian qua chưa chặt chẽ, sau khi cấp phép các cơ quan chức năng không có thời gian kiểm tra, đảm bảo việc thực hiện đúng pháp luật lao động của doanh nghiệp nên không kịp thời xử lý. Một cán bộ tham dự cuộc họp cho biết để tìm hướng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các sở, ngành phải có sự phối hợp với nhau để tư vấn, kiến nghị UBND TP.HCM có giải pháp.

TRUNG CƯỜNG

tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Hợp tác giữa Bộ Công Thương và Tổng cục Hải quan nâng cao kỹ năng điều hành xuất khẩu (14/11/2008)

>   Bộ Y tế và Bộ Công Thương hợp tác phát triển công nghiệp dược (14/11/2008)

>   Lấy ý kiến nhân dân cho Dự thảo Nghị định về tập đoàn kinh tế nhà nước (14/11/2008)

>   Giá xăng dầu lại giảm thêm 1.000 đồng/lít từ 15/11/2008 (14/11/2008)

>   Kiên Giang phấn đấu có thêm 150 triệu USD từ nguồn hàng XK (14/11/2008)

>   Phát triển đảo Phú Quốc theo quy hoạch điều chỉnh đến năm 2030 (14/11/2008)

>   Sẽ tăng giá than ngay trong tháng 11 (14/11/2008)

>   Bỏ giấy phép quảng cáo: ý kiến ngược nhau (14/11/2008)

>   Rau quả bắt đầu giảm giá (14/11/2008)

>   Kiến nghị trừ tiền tái lập mặt đường (14/11/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật