Bỏ giấy phép quảng cáo: ý kiến ngược nhau
Đề xuất bỏ hẳn thủ tục cấp phép thực hiện quảng cáo đối với phần lớn loại hình quảng cáo, một trong những điểm mới được xem là khá táo bạo của dự án Luật Quảng cáo (lần 4) do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch soạn thảo, đang thu hút nhiều ý kiến khác nhau.
Đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch trong dự án Luật Quảng cáo sẽ được thực hiện theo hướng: doanh nghiệp có quyền tự do quảng cáo và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc quảng cáo của mình; còn Nhà nước chuyển cách quản lý từ giấy phép sang hậu kiểm. Cụ thể là bỏ hẳn thủ tục cấp phép thực hiện quảng cáo đối với quảng cáo ngoài trời bằng bảng pa nô, băng rôn.
Người quảng cáo bằng phương tiện này cũng như phần lớn các loại hình quảng cáo khác, kể cả những hình thức mới được đưa vào dự luật như quảng cáo trên màn hình điện tử; quảng cáo trên các ấn phẩm; quảng cáo trên các phương tiện truyền dẫn, phát sóng, Internet; quảng cáo trên báo nói, báo hình, báo điện tử, báo viết; quảng cáo trên phương tiện giao thông; tổ chức đoàn người để quảng cáo... đều không cần xin phép mà phải tự chịu trách nhiệm về việc quảng cáo của mình. Riêng một số trường hợp vẫn phải xin phép gồm: phụ trương chuyên quảng cáo trên báo in, báo điện tử; chương trình chuyên quảng cáo trên báo nói, báo hình.
Dự án Luật Quảng cáo với đề xuất trên của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã gây “sốc” đối với các cơ quan quản lý ngành văn hóa địa phương. Tại cuộc hội thảo lấy ý kiến đóng góp tổ chức vào ngày 11-11 vừa qua, phần lớn các cơ quan này đều phản đối việc bỏ giấy phép quảng cáo đối với bảng, băng rôn.
Đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre lo ngại là với nhân sự bộ máy mỏng, ít ỏi như hiện nay mà thay đổi cách quản lý bằng hậu kiểm thì sẽ rất “khó”, rất “vất vả”. “Lúc nào treo, lúc nào gỡ, trình bày ra sao, tìm người treo bảng ở đâu, làm sao kiểm tra được?”, vị này đặt vấn đề.
Đại diện ngành văn hóa tỉnh Hậu Giang thì than: Lúc trước lệ phí cấp phép 500.000 đồng/giấy các doanh nghiệp đã tranh nhau treo bảng, biển loạn xạ. Nay nếu bỏ phép, chắc chắn sẽ tạo ra cảnh lộn xộn người treo lên, kẻ giựt xuống, thì ai quản lý?
Tương tự, đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang cũng khẳng định: quảng cáo ngoài trời vốn đã lộn xộn rồi, sẽ càng lộn xộn...
Phần lớn các cơ quan đều tha thiết được giữ lại giấy phép, chỉ duy nhất đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TPHCM đề xuất giải pháp mới: để hạn chế những bảng, biển quảng cáo quá lớn, thiếu thẩm mỹ thì thay vì bỏ giấy phép nên áp dụng biện pháp đánh thuế chiếm dụng không gian: “Cứ diện tích quảng cáo càng lớn, mức thuế cứ lũy tiến càng cao. Như thế thì làm gì còn những bảng, biển to đùng 500-700 mét vuông, nhìn cứ muốn ngộp thở?!”.
Trong khi các cơ quan quản lý địa phương nhất loạt phản đối thì đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lại nhận được sự đồng tình rộng rãi của giới doanh nghiệp. Hầu hết các ý kiến của giới này đều coi đây là một đề xuất tiến bộ, phù hợp.
Ông Đặng Văn Sơn, Giám đốc Công ty quảng cáo Phước Sơn, cho biết thủ tục xin phép quảng cáo ngoài trời hiện rất nhiêu khê, tốn kém. Ví dụ như tại TPHCM, để thực hiện một hợp đồng quảng cáo treo biển hiệu phủ kín địa bàn thì phải đi qua 25 “cửa”, trong đó có 24 quận, huyện và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Nếu suôn sẻ thì cũng phải mất ít nhất 30 ngày mới xin được giấy phép nhưng không phải bao giờ cũng được như vậy. Để thực hiện việc này, công ty phải tổ chức riêng một bộ phận nhân sự chuyên lo xin phép. Do đó, bỏ giấy phép sẽ giúp cho doanh nghiệp tiết kiệm được nhiều thứ như: lệ phí cấp phép, thời gian đi lại, công sức, nhân lực...
Ngoài ra, theo nhiều doanh nghiệp, việc xóa bỏ cơ chế xin-cho còn tạo điều kiện hạn chế bớt tiêu cực, nhũng nhiễu vốn là vấn nạn khá phổ biến lâu nay trong ngành quảng cáo. Mặc dù ủng hộ đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ở một góc độ khác ông Nguyễn Quý Cáp, Chủ tịch Hội Quảng cáo TPHCM cũng cảnh báo: dự án Luật Quảng cáo bỏ giấy phép là tốt nhưng lại “ràng” thêm rằng quảng cáo trên bảng, băng rôn phải tuân theo quy hoạch địa phương và pháp luật về xây dựng có thể sẽ đẻ ra một loại “giấy phép” mới, tiếp tục gây phiền hà cho doanh nghiệp. “Quy hoạch quảng cáo hiện nay không theo một tiêu chí nào mà chủ yếu được thực hiện theo ý chí chủ quan của cơ quan quản lý. Nếu các tiêu chí, điều kiện không được quy định rõ ràng, cụ thể thì tôi e là khi hậu kiểm doanh nghiệp bị bắt bẻ, bị hành còn nhiều hơn. Và như thế, việc xóa bỏ cơ chế xin-cho sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nữa”, ông Cáp phát biểu.
Riêng về quy định không được quảng cáo quá 10% diện tích trên báo viết, báo điện tử và trang tin điện tử, nhiều ý kiến cho rằng dự luật hạn chế như vậy là quá khắt khe và bất cập. 10% diện tích là dựa trên cơ sở nào? Vì sao Nhà nước phải hạn chế trong khi tờ báo do người đọc tự bỏ tiền túi của mình ra mua?
Hơn nữa, theo bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM, một tờ báo có nguồn thu quảng cáo dồi dào, tự chủ được về kinh tế thì mới có thể tồn tại và phát triển, đồng thời giúp cho Nhà nước đỡ gánh nặng bao cấp. “Tôi vừa đi thăm một số tờ báo Đảng ở Trung Quốc. Quảng cáo trên báo của họ khá thoải mái, họ cho phép quảng cáo cả một phần hai trang bìa hoặc góc trên tay phải của trang bìa. Họ quảng cáo kể cả rượu, chỉ trừ thuốc lá. Báo nào cũng làm kinh tế nên tiềm lực rất mạnh”, bà Nga kể.
Nhiều doanh nghiệp có trang tin điện tử cũng tỏ ra bất ngờ và không đồng tình. Giám đốc dự án Công ty quảng cáo trực tuyến 24h, ông Ông Xuân Minh, cho biết các trang tin điện tử chỉ có nguồn thu duy nhất là quảng cáo. Vì vậy, nếu giới hạn diện tích như trên thì kinh phí duy trì website sẽ rất eo hẹp, từ đó không thể cung cấp nội dung hay, thậm chí có thể phải đóng cửa. “Các nhà làm luật cần xem xét kỹ lưỡng vì quy định trên sẽ ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp kinh doanh qua nền Internet, kể cả các doanh nghiệp đang sử dụng quảng cáo trên Internet như là một giải pháp quảng cáo giá rẻ, hiệu quả”, ông Minh đề nghị.
Ông Nguyễn Đình Cung, Thư ký Tổ Công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư: Bỏ giấy phép là xu thế tất yếu
Để biết có nên giữ lại giấy phép hay không thì trước hết phải xác định mục đích của việc cấp phép là gì, tốn bao nhiêu chi phí cho việc đó. Nếu không xác định được thì cần phải bỏ vì việc tồn tại giấy phép quảng cáo không nhằm để làm gì cả. Và như vậy là nó chỉ có hại cho quản lý nhà nước và xã hội.
Bản thân các cơ quan quản lý cũng thừa nhận tình hình quảng cáo lâu nay lộn xộn chứng tỏ cơ chế quản lý bằng giấy phép không còn phù hợp. Bỏ giấy phép quảng cáo và thay vào đó bằng phương pháp hậu kiểm chính là xu thế nhằm nâng cao hiệu quả của bộ máy nhà nước.
Tương tự, việc quy hoạch quảng cáo cũng vậy. Dự luật cần làm rõ quy hoạch nhằm mục đích gì; chi phí để đạt mục đích bao nhiêu; điều kiện, tiêu chí, nội dung quy hoạch gồm những gì; ai có thẩm quyền ban hành quy hoạch... Nếu không trả lời được những vấn đề trên thì quy hoạch cũng nên mạnh dạn bỏ.
Nguyên Tấn
TBKTSG Online
|