Thứ Sáu, 14/11/2008 14:52

“Chóng mặt” vì Luật

Đến bây giờ, bà Kim Liên - Giám đốc Cty TNHH Khánh Minh chưa thôi bực bội về thủ tục hành chính đối với dự án của Cty bà tại phường Đông Khê, quận Ngô Quyền, Hải Phòng. Nói bực bội, vì bà Kim Liên biết các cán bộ chính quyền đã "tạo điều kiện" hay "linh động" trong thủ tục cho dự án chứ không phải là theo cách hiểu thế nào là đúng luật của DN.

Về phạm vi, Luật Đầu tư điều chỉnh những vấn đề liên quan tới dự án của mỗi DN. Còn Luật Đất đai 2003 khuyến khích các chủ đầu tư tự thỏa thuận với người dân để có mặt bằng cho dự án.

Đúng luật là …tắc” !

Vận dụng hai luật này, Cty TNHH Khánh Minh đã thực hiện mua tổng số 6.000 m2 đất canh tác của những xã viên HTX nông nghiệp Đông Khê. Nhưng về pháp lý, việc mua này thể hiện bằng thỏa thuận góp quyền sử dụng đất (của người dân) để liên doanh với Cty thực hiện dự án khách sạn 3 sao và khu ẩm thực. Có mặt bằng, Cty TNHH Khánh Minh lập dự án theo đúng quy định của Luật Đầu tư để nộp tại bộ phận "một cửa" của Sở KH-ĐT.

Sau đó, sở này lại tổ chức một cuộc họp các ngành, và kết luận ủng hộ đối với dự án của Cty TNHH Khánh Minh. Cách làm này, theo quan điểm của UBND thành phố lại là... sai ! Thành phố yêu cầu DN phải... làm lại thủ tục, tức là đầu tiên phải làm việc với Sở Xây dựng để thống nhất về quy hoạch, cùng lúc DN phải có đánh giá tác động môi trường dự án... trước thì mới (được) thành phố ra thông báo khảo sát cho dự án. Thế nhưng, khi DN đề nghị Sở TN-MT thực hiện đánh giá tác động môi trường dự án thì lại... không được. Vì nếu không có thông báo khảo sát dự án của UBND thành phố, thì lại không đủ điều kiện để đánh giá tác động môi trường.

Sự "tít mù vòng quanh" này chỉ kết thúc sau khi thành phố chấp nhận ra thông báo khảo sát trước khi có đánh giá tác động môi trường. Thực tế là đến nay, sau 3 năm "xin" thủ tục, dự án của Cty TNHH Khánh Minh vẫn chưa thể có đánh giá tác động môi trường, nghĩa là chưa thể biết sẽ kết thúc khâu thủ tục hành chính vào lúc nào ? Đó là một bước lùi về hiệu quả quản lý của thành phố Hải Phòng. Bước lùi ấy có nguyên nhân từ sự không ăn khớp giữa các văn bản luật, dẫn đến mỗi cơ quan hiểu một cách, và vận dụng theo kiểu "còi to cho vượt trước". Kết quả là DN lỡ cơ hội đầu tư.

Lách thế nào ?

Chủ một Cty liên doanh tại Hải Phòng nói rằng, DN của ông mỗi tháng mất ít nhất... 4.000 USD vì sự không rõ ràng của Luật Đầu tư. Qua phiên dịch, ông này giải thích: Theo Luật Đầu tư của Việt Nam, ông hoặc TGĐ Cty phải là người đại diện pháp lý cho liên doanh và phải lưu trú tại Việt Nam. Tuy nhiên, cùng với DN tại Việt Nam, ông còn đồng thời còn là chủ hai DN tại quốc gia khác. Do vậy điều kiện lưu trú tại Việt Nam ông không thể đáp ứng được. Lẽ thường, ông phải ủy quyền cho TGĐ làm người đại diện pháp lý cho DN. Thế nhưng, vấn đề đặt ra là Luật Đầu tư lại không giải thích về trách nhiệm, nghĩa vụ của người đại diện hoặc được ủy quyền đại diện trước pháp luật. Sự không rõ ràng này dẫn tới kết quả là ông chủ Cty liên doanh nọ phải thuê họ hàng của mình sang lưu trú tại Việt Nam để làm người đại diện pháp lý. Anh chàng này nhận (lương) 4.000 USD mỗi tháng và một căn nhà đẹp chỉ để rong chơi và thỉnh thoảng ký giấy tờ theo lệnh của người chú - chính là ông chủ Cty liên doanh. Cần nói thêm, thực tế này là rất phổ biến trong các Cty liên doanh tại Việt Nam. Và về thực tế đó là thiệt thòi của chúng ta khi người lao động khó có cơ hội tiếp cận các nguyên tắc, kinh nghiệm quản lý cao cấp của các ông chủ DN nước ngoài.

Theo một cán bộ của Sở KH-ĐT Hải Phòng, có quá nhiều bất cập đặt ra từ khi Luật Đầu tư có hiệu lực. "Thiếu rõ ràng và thiếu văn bản hướng dẫn là hạn chế lớn nhất khi vận dụng Luật Đầu tư" - cán bộ này nói. Dĩ nhiên, vì luật đã có hiệu lực và vì áp lực thông thoáng với nhu cầu đầu tư, thế nào thì các ngành chức năng cũng tìm ra cách để phục vụ DN. Một trong những cách đó, cán bộ này cho biết, là cơ quan chức năng địa phương sẽ gửi công văn "hỏi" cơ quan chức năng cao hơn hoặc cơ quan khác. Rằng với "nội dung" a, b, c... thì phải xử lý thế nào. Khoảng thời gian chờ trả lời (thường) là lúc DN có nhu cầu phải tìm cách tiếp cận với cơ quan trả lời. Và công văn trả lời cũng thường được xem như "bùa" để cơ quan chức năng đem ra giải thích và đẩy trách nhiệm nếu vụ việc của DN "có vấn đề". "Ngay các cơ quan vận dụng còn phải tìm cách lách để vận dụng luật thì không thể tránh việc các DN phàn nàn về hiệu quả quản lý của Luật và của chính cơ quan chức năng" - cán bộ này kết luận.

Ông Nguyễn Đình Cung - Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TƯ

Chúng ta đang tiến hành cải cách thủ tục hành chính, nhưng với thực tế cấp phép vẫn đang được áp dụng như hiện nay thì không thể rút ngắn thời gian, thủ tục cấp phép cho DN. Thủ tục rườm rà, không cụ thể nên khó tránh khỏi tình trạng giấy phép “nhánh”, giấy phép “lá” chứ đừng nói đến việc giảm thiểu 2 loại giấy phép “mẹ” – “con”!.

Quốc Dũng

diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Cung - cầu ngành thép vẫn tương đối ổn định (14/11/2008)

>   Quan hệ Mỹ - Việt trong nhiệm kỳ của ông Obama? (14/11/2008)

>   Chống bán phá giá: “Chúng tôi buộc phải làm” (14/11/2008)

>   Thiếu sòng phẳng với người tiêu dùng (14/11/2008)

>   Sức sống nội tại của doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn (14/11/2008)

>   Thúc đẩy ngành công nghiệp Khí Việt Nam lên hàng thứ tư khu vực ASEAN (14/11/2008)

>   Giá xăng dầu có thể giảm tiếp (14/11/2008)

>   Giá phân bón đã giảm (14/11/2008)

>   Hơn 200 người được cấp thẻ chuyên viên thẩm định giá (14/11/2008)

>   Ký hợp đồng dịch vụ tư vấn kỹ thuật cho dự án Nhiệt điện Hải Dương (14/11/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật