Đã có giải pháp cứu doanh nghiệp khỏi phá sản?
Hiệp hội DN nhỏ và vừa (Vinasme) vừa công bố thông tin, đang có khoảng 20% số DN nhỏ và vừa đứng trước nguy cơ phá sản do tác động của khủng hoảng và lạm phát. Ngày 12.11, Chủ tịch Vinasme - ông Cao Sỹ Kiêm đã trao đổi với PV Báo Lao Động xung quanh vấn đề làm thế nào để cứu các DN nhỏ và vừa.
Phải "cứu" các DNNVV
Hiện có khoảng 20% số doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang trong tình trạng rất khó khăn và có nguy cơ phá sản. Biểu hiện rõ nhất là số DN này đình trệ hoạt động, co sản xuất lại và cũng có nhiều DN đang nằm chờ phá sản. Trong số này, có một bộ phận do chịu tác động của lạm phát, bởi vốn vay được ít đi, lãi suất tăng, chi phí cao hơn... Ngoài ra, còn có một bộ phận không nhỏ DN đã "yếu" từ trước thời điểm lạm phát và đang nằm chờ phá sản.
Thống kê của Venasme cho thấy, trong số hơn 200.000 DN đang tham gia đóng thuế, có tới 95% là DNNVV. Số DN này đang làm ra 40% GDP, sản xuất được 30 - 40% hàng xuất khẩu và hàng tiêu dùng của cả nước. Và đặc biệt, các DNNVV đang sử dụng tới 50% số lao động của cộng đồng DN cả nước, đóng góp 17,6% ngân sách nhà nước...
Điều này cho thấy, vai trò của DNNVV là rất lớn trong đời sống xã hội, nên không thể bỏ mặc cho những DNNVV ồ ạt phá sản.
Cứu bằng cách nào?
Theo ông Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Venasme - để cứu những DN đang bên bờ vực phá sản, phải có bước phân loại đối tượng. Trước hết, phải tập trung cứu những DN chịu tác động lạm phát gây ra sự đình đốn của DN. Còn những DN đã chuẩn bị, hoặc đã phá sản rồi thì nếu có thể "cứu" được và có khả năng phát triển thì nên làm. Còn không thì phải để cho quy luật "đào thải" xử lý. Điều này cũng có nghĩa rằng, không thể giải cứu tất cả số 20% mà Vinasme đã thống kê.
Để cứu số DN này, ông Cao Sỹ Kiêm cho rằng có 3 nhóm giải pháp: Giải pháp tích cực nhất là những DN này phải tự tìm ra những khiếm khuyết nhằm triệt để khắc phục. Trong đó, phải đề cao vai trò của việc tiết kiệm chi phí, giảm bớt lao động thừa, mở rộng tìm khách hàng, chuyển hướng lĩnh vực kinh doanh...
Giải pháp thứ hai là phải phát huy tính cộng đồng, bởi trong hệ thống DNNVV Việt Nam, sự phân loại của các DN rất sâu, đang dẫn đến tình trạng cái mà DN này thừa thì DN kia thiếu, cái mà DN này là thế mạnh thì DN kia yếu, đầu ra của DN này là đầu vào của DN kia...
Do đó, tất cả những yếu tố hỗ trợ được cho nhau trong cộng đồng DN phải được khai thác tối đa. Phải có sự hỗ trợ, giúp đỡ của các hiệp hội, ngành hàng, câu lạc bộ DN... để có thêm điều kiện tháo gỡ khó khăn, tiếp cận được những chính sách, cơ chế mà Nhà nước đang ban hành.
Giải pháp thứ ba và được coi là rất quan trọng là sự hỗ trợ, tiếp sức của Nhà nước. Trong đó, giải pháp cấp bách là việc Nhà nước nên dành một số vốn hợp lý, với mức lãi suất phù hợp để "giải cứu" những DN loại này. Mặt khác, Nhà nước cần có chính sách miễn, dãn, hoãn thuế cho từng loại DN cụ thể. Bên cạnh đó, hệ thống hành chính cần có các giải pháp tháo gỡ cho DN thông qua sự thông thoáng thủ tục XNK, thủ tục vay vốn, thủ tục đóng thuế...
Về lâu dài, Nhà nước cần thành lập quỹ hỗ trợ DN, chủ yếu là DNNVV. Đây là việc mà các quốc gia khác đã làm. Bên cạnh đó, Nhà nước cần thiết cho ra đời nhiều hơn các quỹ bảo lãnh tín dụng ở các địa phương, tạo thuận lợi cho DN tiếp cận được các nguồn vốn vay từ ngân hàng dễ dàng hơn.
Đồng thời, cần nâng cao chất lượng, số lượng, nội dung, phương pháp hoạt động của các hiệp hội ngành nghề, hội xã hội... giúp cho các DN về thông tin, hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp, áp dụng tiến bộ kỹ thuật... và để có pháp lý cho vấn đề này, cần sớm có luật hội. Nếu giải quyết được những vấn đề này, sẽ có một nửa trong số 20% số DNNVV đang đứng trước bờ vực phá sản sẽ phục hồi và phát triển trở lại.
Công Thắng
lao động
|