Thứ Bảy, 15/11/2008 09:32

Ngành chế biến Nông-Lâm-Thuỷ sản thiếu hụt nhân lực có tay nghề cao

Lao động yếu về kỹ năng thực hành; sinh viên tốt nghiệp, cán bộ giỏi không trở về nông thôn làm việc. Đây là cái vòng luẩn quẩn khi nói đến thực trạng nguồn nhân lực ở các miền quê đang vừa thiếu, vừa yếu.

Trong những năm qua, Nông nghiệp tăng trưởng ổn định theo hướng phát triển sản xuất hàng hoá. Giá trị sản xuất công nghiệp chế biến Nông-Lâm-Thuỷ sản liên tục tăng, tốc độ tăng trung bình từ 12-14%/năm và là ngành chiếm tỷ lệ khá lớn (trên 17,5%) trong cơ cấu tổng sản phẩm trong nước.

Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận song nhìn chung, ngành chế biến Nông-Lâm-Thuỷ sản Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của đất nước trong giai đoạn Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn và nhất là trong quá trình hội nhập với kinh tế thế giới. Một trong những nguyên nhân khiến cho ngành này chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và yêu cầu của đất nước trong giai đoạn mới chính là việc đầu tư phát triển nguồn nhân lực chưa được quan tâm đúng mức. Đặc biệt là công tác đào tạo cán bộ quản lý, khoa học công nghệ, công nhân kỹ thuật cho những ngành nghề này còn yếu kém.

Theo Tổng cục Thống kê, mỗi năm, nước ta có hơn 1 triệu người tham gia vào lực lượng lao động, đa số lực lượng này là cư dân nông thôn, không được đào tạo nghề cơ bản. Nguồn nhân lực làm việc trong các lĩnh vực Nông-Lâm-Thuỷ sản ở các vùng nông thôn có trình độ và được đào tạo nghề có tỷ lệ rất thấp. Cả nước có 81.300 công chức xã nhưng tỷ lệ được đào tạo chuyên môn đại học chỉ chiếm 9%; 39,4% có trình độ trung cấp; 9,8% sơ cấp và 48,7% chưa qua đào tạo.

Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát: Để đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực cho những ngành nghề này, mỗi năm, cả nước cần tối thiểu từ 1.300-1.500 người có trình độ đại học trở lên, 4.000-5.000 cán bộ có trình độ cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp và 6.500-7.500 công nhân kỹ thuật các chuyên ngành chế biến Nông-Lâm-Thuỷ sản.

Thực trạng nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển của nông thôn Việt Nam nói chung và ngành nghề Nông-Lâm-Thuỷ sản vừa thiếu vừa yếu đang là vấn đề nổi cộm, đòi hỏi phải có biện pháp cải thiện.

Người có học vấn, kỹ năng giỏi không trở về Nông thôn

Theo Tiến sĩ Vũ Văn Xứng, Hiệu trưởng trường Đại học Nha Trang: Hiện nay, cả nước có 24 trường đại học, 11 trường cao đẳng có đào tạo các ngành nghề liên quan đến Nông nghiệp, nông thôn; Nông-Lâm-Thuỷ sản. Tuy nhiên, các ngành đào tạo về nông nghiệp, nông thôn kém hứng thú đối với người học vì cơ sở vật chất yếu kém, giáo viên giảng còn nặng về lý thuyết, ít tạo điều kiện cho sinh viên tham gia thực hành. Trường học ít mở rộng liên hệ với các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp chế biến để cho sinh viên trực tiếp tìm hiểu mô hình làm việc thực tế.

Các ngành đào tạo về kỹ thuật và công nghiệp chế biến Nông-Lâm-Thuỷ sản đòi hỏi đầu tư kinh phí cao khi xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy nên chỉ có một số ít trường mở ngành đào tạo, trong khi sinh viên tốt nghiệp khó tìm được việc làm.

Ông Lê Minh Tùng, Hiệu trưởng trường Đại học An Giang cho rằng: Chính sách sử dụng và thu hút cán bộ làm việc tại khu vực nông nghiệp nông thôn còn nhiều bất cập, chậm đổi mới. Vì vậy, không thu hút được lực lượng lao động có trình độ, tay nghề cao về làm việc ở địa phương, thậm chí còn khó “giữ chân” được những cán bộ khoa học-kỹ thuật giỏi chuyên môn công tác tại các cơ sở nông thôn.

Ngoài ra, do hiệu quả sản xuất nông nghiệp thấp nên phần lớn thanh niên nông thôn không thiết tha với nghề nông. Lao động trẻ có học vấn rời khỏi nông thôn, khao khát tìm kiếm một nghề có thu nhập cao làm cho nhân lực khu vực nông nghiệp, nông thôn ngày càng thiếu hụt.

Trường học-doanh nghiệp và địa phương phải cùng “vào cuộc”

Trước thực trạng nguồn nhân lực cho ngành Nông-Lâm-Thuỷ sản vừa thiếu, vừa yếu, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phải cùng với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thống kê rõ được nguồn nhân lực cho ngành nghề Nông-Lâm-Thuỷ sản ở các địa phương thiếu là bao nhiêu. Qua việc thống kê này sẽ đưa ra giải pháp tìm kiếm nguồn nhân lực thiếu hụt đó từ các Viện nghiên cứu, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp dạy nghề. Tuy nhiên, hiện nay, chỉ có khoảng 1/3 số sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng các ngành nghề Nông-Lâm-Thuỷ sản tốt nghiệp làm đúng ngành nghề, bởi nếu về địa phương làm việc, mức lương rất thấp. Chính vì vậy, muốn thu hút người có trình độ, tay nghề cao về làm việc, các địa phương cần xem xét để có chế độ đãi ngộ phù hợp.

Ngoài ra, các địa phương cũng nên có giải pháp đào tạo nghề tại chỗ, đào tạo ngắn hạn nhằm nâng cao trình độ cũng như tay nghề cho những cán bộ, công nhân tại địa phương.

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, các trường đại học, cao đẳng nên phối hợp với các doanh nghiệp chế biến, khai thác Nông-Lâm-Thuỷ sản, Trung tâm giới thiệu việc làm của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội để tìm kiếm việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Các địa phương cũng cần tăng cường thu hút sinh viên theo học khối ngành Nông-Lâm-Thuỷ sản và yêu cầu sau khi tốt nghiệp phải trở về quê hương làm việc bằng các hình thức: Hỗ trợ học phí cho sinh viên và chính sách phụ cấp lương cho đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật làm việc trực tiếp tại nông thôn.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Bành Tiến Long cho rằng: Về phía các trường đại học, cao đẳng nên chủ động trong việc đào tạo theo nhu cầu xã hội, tăng cường gắn kết giữa đào tạo và sử dụng lao động, gắn đào tạo với thực tế sản xuất. Về phía các doanh nghiệp nên tích cực hỗ trợ, đầu tư cho cơ sở đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.

Các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên ngành Nông-Lâm-Ngư nghiệp cũng nên khuyến khích, tạo điều kiện để cho giáo viên đổi mới nâng cao chất lượng giảng dạy. Nhà trường có thể để cho sinh viên đánh giá, được lựa chọn giáo viên giảng dạy. Có như vậy, các giáo viên mới tự cạnh tranh và phấn đấu để có những bài giảng hấp dẫn khi lên lớp.

Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát: Từ nay đến năm 2015, Việt Nam cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho một số ngành có lợi thế cạnh tranh cao, cả ở thị trường trong nước và thị trường thế giới như: Trồng trọt lúa gạo, rau, quả, chè, cà phê, cao su, gỗ; Chế biến các mặt hàng: Thịt, thuỷ sản.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, nguồn nhân lực cho những ngành nghề này cần phải được đào tạo có chuyên môn, kỹ năng thực hành cao để có thể quản lý và sản xuất ra những mặt hàng cạnh tranh ngay chính tại thị trường nội địa và tiến tới xuất khẩu./.

Lê Hiếu

VOV

Các tin tức khác

>   Đã chi 600 tỉ, lại phải thêm... 1.200 tỉ đồng! (15/11/2008)

>   Sẽ bùng nổ thời trang Việt Nam (15/11/2008)

>   Việt Nam: Nhập khẩu sợi trong tháng 8/2008 tăng (15/11/2008)

>   Tập đoàn không được đầu tư mạo hiểm (15/11/2008)

>   Hoãn dịch vụ đặt vé tàu Tết qua mạng (15/11/2008)

>   Thừa Thiên-Huế: Trên 290 tỷ đồng xây dựng thủy điện Rào Trăng 3 (15/11/2008)

>   Xuất khẩu của doanh nghiệp FDI tăng mạnh (15/11/2008)

>   Cược 100 tỉ đồng cho tiến độ xây dựng tòa tháp cao nhất VN (15/11/2008)

>   Tạm giữ khối lượng lớn sữa bột và bánh nhập khẩu chứa melamine (15/11/2008)

>   TPHCM: Người dân đổ xô đi mua gạo giảm giá (15/11/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật