Bạc Liêu
Để sử dụng điện, dân phải tự đầu tư cơ sở hạ tầng
Điện khí hóa nông thôn là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước nhằm góp phần đẩy mạnh phát triển công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Theo TTXVN, trong khi các địa phương cả nước nỗ lực phát triển lưới điện từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội... thì ở Bạc Liêu, người dân muốn sử dụng điện phải tự bỏ tiền đầu tư cơ sở hạ tầng, trụ điện, đường dây, bình hạ thế...
Nhiều năm qua, việc đầu tư lưới điện cho sản xuất, đặc biệt là các ngành kinh tế chủ lực ở địa phương như sản xuất, chế biến, nuôi trồng thủy sản... chưa được quan tâm. Sau gần 10 năm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tỉnh quy hoạch vùng nuôi tôm theo hướng công nghiệp - bán công nghiệp từ 10.000 - 12.000 ha/năm, chiếm khoảng 10% diện tích nuôi trồng thủy sản. Nhưng phần lớn diện tích này đến nay chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng lưới điện phục vụ sản xuất. Mặc dù là vùng được quy hoạch theo hướng chuyên tôm nuôi theo mô hình công nghiệp, dùng điện khí hóa trong sản xuất là điều kiện không thể thiếu, nhưng người dân ở đây chủ yếu dùng máy phát điện, gây không ít khó khăn cho phát triển, sản xuất kinh doanh. Sở dĩ người dân không được đầu tư điện phục vụ sản xuất là ngành điện tỉnh đưa ra “điều kiện” thật khó hiểu: Nếu hộ nào muốn sử dụng điện chạy ôxy nuôi tôm công nghiệp thì tự bỏ tiền ra mua cột, dây, bình hạ thế..., ngành điện không đủ khả năng tài chính đầu tư.
NGƯỜI LAO ĐỘNG
|