Chủ Nhật, 02/11/2008 17:40

ĐBSCL: Lúa, cá chờ người mua

Giá lúa tại Hậu Giang đang giảm mạnh. Giá lúa thu đông (vụ 3) từ 2.400đ – 3.000đ/kg; lúa tồn từ vụ hè thu 3.500đ/kg nhưng không ai mua.

Tuần rồi, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) các huyện, thị của Hậu Giang đã trực tiếp lấy mẫu lúa của nông dân để “chào hàng” với một công ty lương thực nhưng việc tiêu thụ gần 40.000 tấn lúa tồn đọng từ vụ hè thu vẫn có vẻ không khả quan. “Tình trạng này khiến chúng tôi thật sự thấm thía và đau về kênh tiêu thụ lúa gạo hiện nay” – ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang chua xót nói với PV Thanh Niên.

Nông dân và thương lái “ngủ đông”

Cuối tháng 10.2008, chúng tôi có mặt tại Hậu Giang và ghi nhận hầu hết nông dân ở đây đều không bán lúa được. Dọc theo quốc lộ 61, vẫn còn lúa phơi tràn ra lộ. Lúa vụ 3 rất xấu, có màu vàng xám. “Hầu hết lúa vụ 3 ở xã Vị Trung đều bị đổ ngã xuống nước. Nhưng giá thuê công cắt phải mất từ 200.000đ – 240.000đ/công, cao gấp 2-3 lần năm ngoái” – bà Tư Búp, ở xã Vị Trung, huyện Vị Thủy (Hậu Giang) nói. Giá lúa vụ 3, chỉ còn ở mức hơn 2.000đ/kg, chỉ gần bằng 1/3 thời điểm bán lúa đông – xuân (hồi tháng 3 và tháng 4.2008). Nông dân Hậu Giang còn đau hơn khi lúa hè thu chất lượng cao hơn lúa vụ 3 nhưng cũng chỉ có thể chào bán giá 3.500đ/kg.

Tuần rồi, anh Tám Đông may mắn bán lúa hè thu được 3.600đ/kg nhưng nay thì không có thương lái nào mua. Chúng tôi đi dọc theo kênh xáng Xà No (thị xã Vị Thanh), sông Trà Ban (Long Mỹ) mà chẳng thấy ghe thu mua lúa nào của thương lái. Chiếc máy sấy lúa của bà Tư Búp cũng ế ẩm, chẳng ai đem lúa đến sấy khi giá lúa “quá bèo”. Bà Tư Búp bèn cho hàng xóm mượn máy, tự đổ dầu sấy lúa, nếu có nhu cầu.

Qua giới thiệu của anh Tám Đông, chúng tôi liên hệ qua điện thoại với anh Hai Hùng – một thương lái ở Đồng Tháp, người mua lúa của Tám Đông tuần rồi. “Chúng tôi vừa mới mua hai ghe lúa của nông dân ở Trà Vinh. Mất hết 10 ngày mới mua được 34 tấn lúa ưng ý. Sau khi trừ chi phí xay xát, tiền dầu... kiếm được 7 triệu đồng. Nhưng tính ra 6 nhân công đi theo ghe, thì tụi này cũng như đi làm thuê kiếm được ngày một trăm ngàn đồng”, Hai Hùng cho biết.

Nếu tính chi li tiền khấu hao máy móc, ghe... chắc Hai Hùng thu nhập chưa đến 100.000đ/ngày. Vì vậy, Hai Hùng cho biết sẽ “treo ghe”, ngưng mua lúa trong vài tháng, bởi hiện nay nghề thu mua lúa quá khó khăn vì mua lúa nhưng chẳng biết bán gạo lại cho doanh nghiệp nào. Trường hợp “treo ghe” như Hai Hùng không phải là cá biệt của giới thương lái lúa gạo ở ĐBSCL hiện nay.

Khốn đốn vì nuôi cá tra

Giá cá tra tăng giảm thất thường trong mấy tuần qua. Giữa tháng 9.2008, giá cá tra vượt qua mức 17.000đ/kg, sau đó rớt xuống 16.000đ/kg. Trong tuần đầu tháng 10, giá quay lại mức 16.500đ/kg. Đến cuối tháng 10, giá cá tra tụt xuống mức 15.000đ - 15.500đ/kg. Tình trạng đang gây nhiều lo lắng cho người nuôi cá ở An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ là một số nhà máy chế biến cá tra lớn trong vùng ngưng thu mua cá mà không đưa ra lý do rõ ràng... Tại Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ thống kê sơ bộ có 30 – 40% hộ nuôi cá phải “treo hầm” do lỗ nặng.

Theo lời một “đại gia” trong ngành chế biến cá tra xuất khẩu, hiện các doanh nghiệp ngưng mua cá tra do nhiều nguyên nhân. Một số nhà máy đã no hàng; một số nhà máy gặp khó khăn về thị trường do ảnh hưởng của “cơn bão khủng hoảng tài chính” trên thế giới... Mặt khác, không ít doanh nghiệp chế biến cá tra gần đây bị cơ quan chức năng “sờ gáy” về vấn đề môi trường nên hạn chế hoạt động để đối phó.

“Khi giá cá giảm, doanh nghiệp đổ lỗi cho nông dân nuôi tự phát, nhưng thực tế sản lượng hiện nay còn ít, nói thừa là không đúng”, ông Phan Văn Danh, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang, bức xúc. Nhiều người am hiểu trong nghề nuôi cá tra phân tích: Chuyện giá cá vượt ngưỡng 17.000đ/kg vừa qua có thể là một chiêu tâm lý để người nuôi quay lại thả cá mà thôi vì ngay sau đó, các doanh nghiệp đã đè giá cá trở lại dưới mức 16.000đ/kg.

“Chuyện một số doanh nghiệp lớn ngưng mua cá hiện nay có thể là một cách tạo áp lực nhằm đè giá cá giảm xuống”, ông Bùi Hữu Trí, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Cần Thơ phân tích. Trên địa bàn huyện Thốt Nốt (Cần Thơ) còn xảy ra cả trường hợp doanh nghiệp “ma” mua nợ cá tra của dân rồi trốn mất khiến người nuôi cá càng thêm khốn đốn.

Theo chủ một số vựa gạo ở TP.HCM, giá bán lẻ các loại gạo gần đây đã giảm nhẹ từ 1.000-2.000đ/kg. Cụ thể, gạo Nàng thơm chợ Đào hiện ở mức 14.500đ/kg; gạo Thơm lài, gạo Tám xoan: 14.000đ/kg; các loại gạo thường nở xốp giá từ 9.000-10.000đ/kg. Gạo nhập khẩu từ Thái Lan, Mỹ giá 12.000đ/kg. Một số loại gạo có thương hiệu giá cao nhất là 17.000đ/kg. Tại chợ đầu mối nông sản Bình Điền, Ban quản lý chợ cho biết giá các loại cá giảm từ 2.000-3.000đ/kg. Cá điêu hồng: 29.000đ/kg; cá tra, cá ba sa từ 15.000-16.000đ/kg.

thanh niên

Các tin tức khác

>   Chủ động phòng ngừa suy giảm kinh tế (02/11/2008)

>   Bàn cách cứu cà phê (01/11/2008)

>   Lẫn lộn vai trò đầu tư và quản lý chung cư (01/11/2008)

>   Kim ngạch buôn bán giữa Việt Nam - Mông Cổ sẽ đạt 10 triệu USD vào năm 2010 (01/11/2008)

>   Thực hiện phương án tối ưu, đảm bảo hài hòa các lợi ích (01/11/2008)

>   Cải cách hành chính thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh (01/11/2008)

>   VNPT hứa xử lý sự cố cho các thuê bao cố định Viettel (01/11/2008)

>   Tăng giá điện và cải cách cơ cấu (01/11/2008)

>   Tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài (01/11/2008)

>   Khởi động lại thị trường bất động sản (01/11/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật