Tăng giá điện và cải cách cơ cấu
Giá điện chắc chắn sẽ tăng trong năm 2009. Điều đó đã được chính Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định trong một cuộc họp báo mới đây. Nhưng giá điện tăng có đồng nghĩ với việc cải thiện chất lượng cung cấp điện.
Lẽ dĩ nhiên, tăng giá bao nhiêu và thời điểm áp dụng sẽ còn được Chính phủ cân nhắc, thẩm định, bởi điện là một mặt hàng có tính xã hội cao. Khi hệ thống điện bao gồm các nhà máy sản xuất điện, đường truyền tải, công ty phân phối điện và trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia vẫn chủ yếu nằm trong hệ thống tổ chức của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thì những lý do được đưa ra để lý giải cho việc thiếu điện thường không khiến dư luận “tâm phục, khẩu phục”.
Ở góc độ người tiêu dùng thì việc phải bỏ tiền ra mua mà “hàng” chả có hay điện luôn trong tình trạng phập phù, nhất là những ngày nóng bức thì chẳng thể nào chấp nhận được. Đó là chưa kể hoạt động của các doanh nghiệp khác vì thiếu điện mà phải dừng lại và lại tiếp tục cái vòng luẩn quẩn về thiếu hiệu quả trong đầu tư của toàn xã hội. Trong khi đó, với các doanh nghiệp ngoài EVN có đầu tư xây dựng nhà máy điện thì câu chuyện có điện mà không bán được luôn là nỗi trăn trở. Đó là chưa kể lãng phí vốn đầu tư của xã hội vì nhà máy không phát huy hiệu quả như mong đợi. Nhưng với thực tế giá điện được quy định như hiện nay khiến EVN chỉ đạt tỷ suất lợi nhuận trên tài sản chưa đến 3%; còn tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước thì chỉ từ 5-7% thì việc bớt mua điện của các doanh nghiệp bên ngoài có giá cao rồi bán lại với giá thấp là khó tránh. Bởi chỉ có vậy, EVN mới còn lợi nhuận hoặc ít nhất cũng tránh được cảnh “thua lỗ hai năm liên tiếp”.
Câu chuyện EVN mới đây đã trả lại Chính phủ 13 dự án điện có tổng công suất lên tới 13.800 MW bởi lý do không huy động được vốn cũng là một sự cảnh báo khác về thiếu nguồn trong tương lai không xa, nếu như không có những biện pháp kịp thời. Trước đó, tình trạng các nhà thầu dừng thi công những công trình điện của EVN bởi các ngân hàng quay lưng với EVN khi tình hình kinh tế nói chung khó khăn cũng cho thấy bài toán vốn cho ngành điện còn nhiều nan giải.
Dĩ nhiên EVN không làm thì sẽ có doanh nghiệp khác đứng ra làm. Nhưng đầu tư không phải với bất cứ giá nào để rồi tất cả lại đổ vào đầu người tiêu dùng. EVN được lập ra để lo điện cho nền kinh tế, nhưng xem ra giờ đây trách nhiệm đó đã vượt quá khả năng của EVN. Tại EVN hoạt động không có hiệu quả hay tại mô hình độc quyền khép kín trong ngành điện như hiện nay đã triệt tiêu động lực sáng tạo của chính EVN và các doanh nghiệp khác? Câu trả lời có lẽ là cả hai.
Bởi vậy, vấn đề không chỉ là tăng giá điện để cởi các nút thắt hiện nay trong đầu tư cho nguồn điện mà còn ở chỗ cơ cấu lại ngành điện theo hướng tách riêng biệt từng khâu hoạt động sản xuất-truyền tải-phân phối. Sự độc lập này trong các khâu của dây chuyền hệ thống điện cũng sẽ kích thích các nhà đầu tư khác tham gia thị trường điện cạnh tranh cũng như đầu tư vào ngành điện, bởi họ nhìn thấy sự minh bạch. Khi đó, Chính phủ và các bộ cũng sẽ đỡ phải giữ vai trò “trọng tài” trong các hợp đồng mua bán điện giữa EVN và các nhà đầu tư ngoài EVN như hiện nay.
Cơ cấu lại tổ chức của dây chuyền sản xuất-kinh doanh điện cũng sẽ giúp các nhà đầu tư khác nhận ra rằng, muốn bán được điện thì phải đầu tư thật hiệu quả để có được giá bán hợp lý thì mới được huy động.
Với người tiêu dùng, việc có một cơ quan độc lập giám sát chuyện cấp điện, cắt điện thay vì để cho ông nhà đèn “tự tung, tự tác” cũng sẽ bớt đi cảnh đến hẹn lại bị cắt điện như nhiều năm qua.
doanh nhân
|