Bàn cách cứu cà phê
Hội nghị tổng kết niên vụ cà phê 2007-2008 do Hiệp hội cà phê Việt Nam (Vicofa) tổ chức ngày 31-10 đã trở thành cuộc họp tìm cách cứu ngành cà phê trong tình cảnh cà phê trong nước và xuất khẩu đang rớt giá quá nhanh, ngoài sức tưởng tượng của chính những người kinh doanh.
Nếu tính theo niên vụ cà phê bắt đầu từ tháng 10 năm trước tới hết tháng 9 năm sau thì niên vụ cà phê 2007-2008 vừa kết thúc cách nay một tháng là niên vụ xuất khẩu thành công nhất từ trước tới nay của Việt Nam.
Theo Vicofa, cả niên vụ Việt Nam đã xuất khẩu được 1,07 triệu tấn với kim ngạch 2,08 tỉ đô la Mỹ theo đơn giá bình quân 1.937 đô la Mỹ/tấn, trong khi niên vụ trước với khối lượng nhỉnh hơn chút đỉnh là 1,08 triệu tấn nhưng kim ngạch thì thấp hơn nhiều, chỉ 1,58 tỉ đô la Mỹ.
Nhiều nỗi lo lắng
Nếu so sánh giá trong nước vào tháng 4 lên tới đỉnh điểm 42.000 đồng/kg nhân cà phê thì đồ thị giá cà phê chỉ trong vòng 6 tháng đã đi xuống khá sâu, khi hiện nay chỉ còn 22.000 - 23.000 đồng/kg. Cựu thứ trưởng Bộ Thương mại cũ (nay sát nhập thành Bộ Công Thương), ông Lương Văn Tự mà nay là Chủ tịch Vicofa, thay vì đọc báo cáo tổng kết niên vụ với nhiều thành tích thì lại nói rằng tình hình cà phê bây giờ đang rơi vào khó khăn mới rất khó lường.
Ông Tự lấy thí dụ vào tháng 3 năm nay, giá cà phê nhân robusta giao dịch trên sàn London ở mức cao kỷ lục trong 15 năm qua với 2.900 đô la Mỹ/tấn thì nay chỉ còn 1.500 đô la Mỹ/tấn, tức giảm gần phân nửa. Nguyên nhân chính, theo lời ông, thì gần như ai cũng biết, đó là do khủng hoảng tài chính toàn cầu đã tác động tới tất cả các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có cà phê.
Ông Nguyễn Xuân Thái, Tổng giám đốc Công ty cà phê Thắng Lợi, một doanh nghiệp nhà nước ở Đắk Lắk vừa trồng vừa xuất khẩu cà phê, cho biết ngoài tình hình khó khăn trên thế giới đã đè nặng trên vai nhà kinh doanh cà phê thì hiện có thêm khó khăn từ tình hình thu hoạch cà phê.
Tại huyện E H’leo của Đắk Lắk, nơi mà công ty ông Thái khảo sát cho thấy thu hoạch cà phê đầu niên vụ này tới 1.400-1.500 quả tươi/kg, còn tại vườn cà phê của công ty ông thì bình quân 1.070 quả tươi/kg. Điều này có nghĩa nhân cà phê mùa này sẽ có kích thước nhỏ, đồng nghĩa với sản lượng cà phê đạt tiêu chuẩn R2 nhiều, loại R1 ít đi, trong khi R2 có giá bán thấp hơn R1.
Đó là chưa kể thời tiết năm nay mưa nhiều cả trong thời kỳ cà phê trổ bông lẫn thu hoạch, ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng cà phê. Càng mưa nhiều thì nông dân càng có tâm lý “xanh nhà hơn già đồng”, tức thu hoạch cả quả xanh lẫn quả chín. Nhưng cà phê lẫn lộn trái xanh và trái chín thì chất lượng càng xuống thấp.
Mặc dù thời gian gần đây một số nguồn tin không chính thức cho rằng sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ 2008-2009 có khả năng vượt niên vụ 2007-2008, nhưng theo ông Thái, cao lắm chỉ đạt 17,5 - 18 triệu bao (bao 60 kg), tức 1,05 - 1,08 triệu tấn, xấp xỉ niên vụ vừa qua.
Cả ông Lương Văn Tự và nhiều doanh nghiệp hội viên của Vicofa đều đồng tình với dự báo của ông Thái và khẳng định, các nhà nhập khẩu thường có xu hướng dự báo sản lượng cà phê Việt Nam cao lên để làm cơ sở chèn ép giá khi mua.
Trước tình hình giá cà phê thế giới và trong nước rớt mạnh như hiện nay, nhiều doanh nghiệp cho rằng cách hay nhất là làm sao giúp nông dân trồng cà phê trữ lại cà phê hay rải bán đều vì họ hy vọng tháng 6 năm tới giá cà phê sẽ hồi phục một phần.
Tuy nhiên, ông Thái đặt câu hỏi: “Vấn đề là nông dân tìm vốn ở đâu ra để cầm cự hơn nửa năm trong tình hình mà doanh nghiệp vay vốn còn khó huống hồ nông dân”. Việc trông chờ vào bàn tay hỗ trợ của Nhà nước càng xa vời hơn vì hiện không chỉ nông dân trồng cà phê mà nông dân trồng lúa, trồng tiêu, điều hay nuôi tôm, cá đều đang khó khăn tương tự.
Tìm cách vượt qua thử thách
Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp đều có chung ý kiến, tuy không mới, là quyết định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không cho nhà xuất khẩu vay ngoại tệ kéo dài từ tháng 4 tới nay đã gây ra nhiều khó khăn cho nhà xuất khẩu cà phê.
Bà Nguyễn Thị Tâm, Phó tổng giám đốc Techcombank, ngân hàng gắn bó nhiều với các nhà xuất khẩu cà phê nhiều năm qua, cho biết Techcombank đã nhiều lần phản ánh lên Ngân hàng Nhà nước trước quyết định không cho nhà xuất khẩu vay ngoại tệ dù chính họ là người mang ngoại tệ về cho nền kinh tế.
“Trong khi chờ thay đổi của Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi linh động cho doanh nghiệp cà phê vay tiền đồng với lãi suất ưu đãi dựa theo lãi suất cho vay ngoại tệ, sau đó thu lại bằng ngoại tệ”, bà Tâm nói. Tuy nhiên, ông Đổ Hà Nam, Phó chủ tịch Vicofa và là Giám đốc Intimex, doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu của Việt Nam không đồng tình.
Ông Nam nói: “Cái mà chúng tôi cần là một chính sách chính thống chứ không phải xé rào hay linh động như một ân huệ của các ngân hàng thương mại trong cho vay từng doanh nghiệp”. Ông cũng cho biết hiện có khá nhiều ngân hàng đã “linh động” cho vay kiểu như Techcombank.
Bà Tâm cũng chia sẻ quan điểm của các doanh nghiệp cà phê: “Nếu doanh nghiệp tính toán đầy đủ lãi suất ngân hàng cùng các chi phí khác thì doanh nghiệp kinh doanh cà phê không có lãi”. Nếu đã không lãi thì doanh nghiệp sẽ chuyển phần không lãi hay phần lỗ của mình cho nông dân thông qua việc hạ giá mua cà phê.
Dù sao thì thông tin bà Tâm đưa ra là niên vụ cà phê này, Techcombank sẽ dành hạn mức tín dụng 2.000 - 3.000 tỉ đồng cho các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê với lãi suất ưu đãi và sau đó ngân hàng mua lại ngoại tệ. Theo tính toán của Vicofa, nhu cầu tín dụng dành cho cây cà phê trong cả hệ thống từ nông dân tới nhà xuất khẩu khoảng 12.000-15.000 tỉ đồng/niên vụ.
Ông Lương Văn Tự cảnh báo, nếu các doanh nghiệp vì giá xuất khẩu cà phê thấp mà ép giá quá đáng thì nông dân sẽ chặt bỏ hay không chăm sóc vườn cà phê thì suy cho cùng, người chịu thiệt không chỉ đơn thuần là nông dân mà còn chính doanh nghiệp lẫn nền kinh tế.
Do vậy, ông Tự khuyên các doanh nghiệp nên thuyết phục nhà nhập khẩu rằng nếu giá quá thấp, nông dân “chết” thì sau đó đến lượt cả người bán và người mua cũng “chết” vì không còn cà phê để mua bán kiếm lời”. Quan trọng nhất là tìm ra một giá mua bán cà phê hợp lý để chia sẻ khó khăn cho cả nhà nông, nhà xuất khẩu và nhà nhâp khẩu.
Trong tình hình hiện nay, cả Vicofa lẫn Techcombank đều khuyên các doanh nghiệp cà phê là nên “khám sức khỏe khách hàng của mình”. Theo ông Tự thì các nhà nhập khẩu cũng bắt đầu khó khăn về tài chính, do vậy nhà xuất khẩu phải xem xét lại khả năng thanh toán tiền, tránh trường hợp giao hàng theo phương thức gửi hàng trước thu tiền sau, dù là khách hàng truyền thống.
Còn bà Tâm thì dự báo có nhiều khả năng, một số nhà nhập khẩu sẽ thiếu tiền để thanh toán, dẫn tới chậm thanh toán, không thanh toán hợp đồng hay trả hàng về. Một vài doanh nghiệp hội viên Vicofa thừa nhận đã bắt đầu xảy ra hiện tượng nói trên.
thời báo kinh tế sài gòn
|