Phân bón giả: Nông dân nên tập trung khởi kiện
- TS. Trương Hợp Tác (Bộ NN-PTNT) cho rằng, nếu bà con tập trung khởi kiện sẽ thắng các cơ sở sản xuất theo công nghệ “cuốc xẻng”, cho ra các loại phân bón kém chất lượng, phân bón giả, bán cho nông dân nghèo, vùng sâu, xa.
VietNamNet đã có cuộc trao đổi với TS. Trương Hợp Tác, Trưởng phòng Sử dụng đất và Phân bón (Cục Trồng trọt - Bộ NN-PTNT) về việc quản lý chất lượng phân bón.
Phân bón "cuốc xẻng" hành hạ dân nghèo
- Thưa ông, được biết Bộ NN-PTNT đã thành lập đoàn kiểm tra về chất lượng phân bón trên toàn quốc, ông có thể nhận xét kết quả ban đầu của đợt kiểm tra này?
- Bộ NN-PTNT đã thực hiện việc phân cấp triệt để công tác này cho các Sở NN-PTNT, để các địa phương chủ động tổ chức kiểm soát chất lượng phân bón trên địa bàn. Do vậy, thời gian qua, các địa phương đã đồng loạt ra quân tổ chức kiểm tra và phát hiện, kịp thời xử lý các vi phạm chất lượng phân bón.
Do giá phân bón tăng cao, một số tổ chức, cá nhân nhỏ lẻ, sản xuất thủ công thô sơ theo công nghệ “cuốc xẻng” đã lợi dụng tình trạng này để sản xuất, kinh doanh các loại phân bón kém chất lượng, phân bón giả với giá bán thấp hơn rất nhiều so với phân bón cùng loại.
Một số khác lại lợi dụng nhãn mác của các hãng phân bón nhập khẩu hoặc của các công ty có uy tín trong nước để bán phân bón giá cao, song, chất lượng thực tế thấp hơn rất nhiều so với công bố trên nhãn.
Kết quả kiểm tra cho thấy, phần lớn các loại phân bón kém chất lượng được bán ở vùng sâu, vùng xa hay tại ĐBSCL, Tây Nguyên và các tỉnh Tây Bắc, cho các hộ nông dân nghèo sử dụng .
Theo dự tính, khối lượng phân bón kém chất lượng không vượt quá 5% tổng lượng phân bón đang sử dụng trên phạm vi toàn quốc, nhưng đã gây tác động xấu rất lớn đến thị trường phân bón, làm lệch lạc về cách nhìn và gây mất lòng tin đối với xã hội, gây thiệt hại trực tiếp đến các hộ dân nghèo.
- Việc sản xuất phân bón có phải là dễ dàng, siêu lợi nhuận và các quy định để sản xuất mặt hàng này còn lỏng nên chỉ trong vòng vài năm có hàng trăm DN mới ra đời? Trong khi đó, giữa các cơ quan quản lý chưa có sự phối hợp nhịp nhàng nên chất lượng phân bón đang bị thả nổi?
- Cũng như các sản phẩm, hàng hoá khác, sản xuất, kinh doanh phân bón phải tuân theo những quy luật điều tiết của thị trường. Nếu nói là sản xuất phân bón dễ và siêu lợi nhuận thì không chính xác. Nghị định 113, Nghị định 191; Quyết định 36 của Bộ NN-PTNT... đã quy định rõ điều kiện sản xuất phân bón.
Tuy nhiên, theo luật định, khi cấp giấy chứng nhận đăng ký sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hoá phân bón lại do Sở KH-ĐT các tỉnh, thành đảm nhiệm. Vì thế, nhiều cơ sở nhỏ lẻ, không có đủ điều kiện để sản xuất, kinh doanh phân bón vẫn "lọt" qua cửa này nên cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành một cách đồng bộ thì việc quản lý mới có hiệu lực.
- Trước hàng trăm loại phân bón, việc xét nghiệm các mẫu để phân biệt chất lượng tốt, không tốt hay bị làm giả để cho phép DN sản xuất và công bố với nông dân dường như đang quá tải, dẫn tới chậm trễ, thưa ông?
- Thực tế hiện nay đúng là có tình trạng như vậy. Toàn quốc mới có 9 địa điểm xét nghiệm chất lượng phân bón và ít nhất là sau 15 ngày mới có kết quả. Song, tôi nghĩ chúng ta cần hết sức thận trọng khi mở rộng hệ thống phân tích chứng nhận chất lượng, bởi việc phân tích chất lượng đòi hỏi phải có các phòng thí nghiệm đảm bảo, đặc biệt là phải có đội ngũ cán bộ đầy đủ kinh nghiệm, được đào tạo thì kết quả mới nhanh chóng, chính xác và công bằng.
Một người khởi kiện khó thắng
- Theo ông, sử dụng phân bón kém chất lượng, phân bón giả gây hại như thế nào đối với đất, nông sản? Cục Trồng trọt nên khuyến cáo bà con ra sao khi lựa chọn và sử dụng phân bón trong lúc thị trường còn hỗn loạn này?
- Phân bón kém chất lượng, phân bón giả không chỉ gây thiệt hại cho người nông dân về tiền mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng nông sản và gây ô nhiễm môi trường. Cục Trồng trọt khuyến cáo bà con khi mua và sử dụng phân bón cần:
+ Biết rõ nguồn gốc, không nên mua phân bón của các DN sản xuất không có địa chỉ rõ ràng, không có các thông tin cần thiết theo quy định, cần tới các địa chỉ tin cậy để mua phân bón hoặc có sự tư vấn của các cơ quan nhà nước như Phòng nông nghiệp huyện, Phòng trồng trọt hay Nông nghiệp của các Sở NN-PTNT.
+ Khi thấy có dấu hiệu nghi ngờ về chất lượng, cần phải báo ngay cho chính quyền và các cơ quan chức năng biết để sớm phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời.
+ Khi mua và sử dụng phân bón cần phải có hoá đơn và giữ lại bao bì, hoá đơn của tổ chức, cá nhân bán phân để sau này có bằng chứng. Nếu có sự sai sót hoặc vi phạm để có cơ sở nhận biết và khiếu nại đền bù.
- Ở một số địa phương bà con nông dân sẵn sàng khởi kiện các DN sản xuất phân bón kém chất lượng và phân bón giả, theo ông, khả năng thắng kiện của người dân đến đâu?
- Tôi nghĩ là việc bà con nông dân thắng kiện là khả thi với điều kiện bà con phải lưu giữ được chứng cứ, đó là bao bì, hóa đơn... để chắc chắn rằng có hành vi mua bán cụ thể, địa điểm ở đâu và cây trồng bị ảnh hưởng như thế nào.
Tuy nhiên, nông dân vùng sâu, vùng xa thường ít hiểu biết nên ham rẻ, thường mua trước trả tiền sau và không có hoá đơ. Hơn nữa, bà con chỉ mua một vài bao, khoảng trên dưới 1 tạ, nên nếu một người khởi kiện thì khi toà xử sẽ không có ý nghĩa nhiều. Theo tôi, nếu khoảng 100 người dân cùng khởi kiện một lúc với đầy đủ chứng cứ thì khả năng thắng kiện là rất lớn.
- Phải chăng mức xử phạt với các tổ chức, cá nhân sản xuất phân bón kém chất lượng, phân bón giả thời gian qua là quá nhẹ - đã tiếp tay cho việc vi phạm trong lĩnh vực này gia tăng?
- Tôi nghĩ là không phải. Mức xử phạt vi phạm hành chính là có lý của nó. Nhiều ý kiến cho rằng phạt 20 triệu là quá nhẹ, nhưng đó chỉ là phạt về một hành vi cụ thể, như vi phạm về nhãn hàng hoá (ghi không đúng thành phần)...
Theo Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá, nếu phân bón đã bán vi phạm về chất lượng và người dân đã tiêu thụ rồi thì mức phạt thấp nhất là bằng giá trị lô hàng và cao nhất gấp 5 lần giá trị lô hàng đó. Như vậy rõ ràng sự răn đe là có. Một vài DN cũng đã bị xử lý hình sự do sản xuất phân bón giả, bị bắt quả tang hoặc phân bón hầu như không có thành phần gì.
- Xin cảm ơn ông.
Kết quả cuối cùng về đợt kiểm tra tình hình chất lượng phân bón trên địa bàn cả nước, do Bộ NN-PTNT tiến hành, cho thấy, có đến 25 cơ sở và DN vi phạm, chủ yếu tại tại Lào Cai (14 cơ sở). Điển hình như các công ty: Vật tư phân bón hoá sinh TP.HCM với các sản phẩm phân hỗn hợp NPK 15-15-20, NPK 20-20-0, NPK 20-15-15-7; CP Đông Hải (Đà Nẵng) với sản phẩm NPK 16-16-8-13S; Phân bón và hoá chất Cần Thơ với sản phẩm NPK 20-20-15.
Chất lượng phân bón tại nhiều đơn vị khác cũng chỉ đạt 50-60% so với công bố như: Công ty TNHH sản xuất phân bón Duy Thu (Đà Nẵng), Xí nghiệp Phân bón Phúc Điền (Bình Dương) hay Công ty TNHH Miwon Thái Nguyên.
VIETNAMNET
|