!
Thứ Hai, 27/10/2008 15:38

“Thiếu căn cứ để tăng giá điện!”

Việc đề xuất tăng giá điện trong khi EVN chưa công khai được giá thành là một điều bất hợp lý và thiếu tính thuyết phục.

Đó cũng là lý do để Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (CEPR) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội xây dựng đề án nghiên cứu ước lượng của tăng giá điện lên chi tiêu hộ gia đình và toàn bộ nền kinh tế.

Giá điện tăng, GDP sẽ giảm.

Theo nghiên cứu này, nếu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng giá điện, không chỉ đời sống của dân nghèo mà tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước cũng bị ảnh hưởng.

Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc CEPR, ảnh hưởng của việc tăng giá điện có tác động tương tự như với giá xăng dầu, bao gồm cả trực tiếp lẫn gián tiếp.

Cụ thể, khi tăng giá điện thì chắc chắn ngân sách hộ gia đình bị giảm đi tương đối. Tiếp đến, do sự tăng lên sau đó của tất cả các ngành sản xuất có điện là đầu vào, tạo nên một vòng xoáy tăng giá ở tất cả các mặt hàng, khiến sức mua của hộ gia đình bị suy yếu.

Nhóm nghiên cứu đã tính toán trên cả ba kịch bản tăng giá điện với các mức 0%, 10% và 20%. Với cả phương án tăng khu vực tiêu dùng 20%, giữ nguyên khu vực sản xuất, tăng khu vực tiêu dùng 20%, khu vực sản xuất 10%; và phương án tăng trung bình 20% cho cả khu vực tiêu dùng và sản xuất thì kết quả tổng sản phẩm quốc nội - GDP sẽ giảm và chỉ số CPI tăng.

Theo TS. Nguyễn Đức Thành,  EVN hiện đang chiếm 74% sản lượng điện sản xuất, chiếm 100% về truyền tải và 94% về phân phối điện trên cả nước, tức là EVN đang chi phối hoàn toàn ngành điện.

Cũng theo ông Thành, thực chất ngành điện không hề thiếu vốn và lợi nhuận cũng không hề thấp. Bằng chứng là EVN vẫn có khả năng đầu tư mạnh vào những ngành thâm dụng vốn (như viễn thông, tài chính, bất động sản...). Ngành điện vừa ở vào thế độc quyền, vừa chưa có những báo cáo minh bạch về tình hình tài chính nội bộ, nên việc tăng giá điện có thể bắt nguồn chủ yếu từ sức mạnh độc quyền đặt giá, thay vì những khó khăn thật sự về tài chính như vẫn được nêu ra.

Nhóm nghiên cứu cũng chỉ  ra rằng, việc sản lượng điện không tăng đủ để đáp ứng kịp nhu cầu cũng như tốc độ mở rộng sản xuất có thể bắt nguồn từ hiệu quả tổ chức, quản lý thấp do thiếu cạnh tranh trong nội bộ ngành, chứ không phải vì giá điện thấp.

Do đó, việc đẩy giá điện trong nước lên ngang bằng khu vực là chưa hợp lý vì trong cấu trúc chi phí của ngành, có nhiều loại chi phí thấp hơn các nước khác trong khu vực, như giá nhân công, nguyên liệu...

Tăng giá không có cơ sở

Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, ngay cả với bất kỳ mức tăng giá nào do EVN đề xuất thì cũng không thể nói là hợp lý được, vì giá thành của EVN không được minh bạch nên họ không chứng minh được căn cứ cho việc tăng giá. Chính vì vậy, càng không thể bắt người dân phải đóng góp để mở rộng ngành điện bằng cách tăng giá điện.

Qua đánh giá số liệu và so sánh với các nước trên thế giới, nhóm nghiên cứu CEPR khẳng định chỉ cần cải thiện mức năng suất 2%/năm thì không những không cần tăng giá mà có thể hạ giá điện xuống 2%.

Điều này có thể nhận thấy ở các ngành: càng tăng trưởng mạnh thì giá thành sản phẩm càng giảm như cước viễn thông liên tục giảm trong nhiều năm.

Vì vậy, theo TS. Nguyễn Đức Thành, vấn đề của ngành điện là phải cải thiện ở phía cung chứ không phải tăng giá ở phía cầu.

Theo nhiều chuyên gia, EVN cần phải biết được nguyên lý của sản xuất - kinh doanh là không được bắt người tiêu dùng phải tích lũy vốn cho nhà sản xuất để mở rộng, đầu tư.

Cách đặt vấn đề tăng giá để đủ bù đắp chi phí đầu tư sản xuất kinh doanh là không có tính thuyết phục. Nhà sản xuất phải tự bỏ vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh. Vì vậy, trước khi tăng giá, ngành điện không nên nói một chiều mà nên công khai đã làm gì để giảm giá trước khi nói đến tăng giá.

Theo TS. Nguyễn Quang A,  điều mà người dân quan tâm nhất là thật sự EVN có cần tăng giá không và có phải do nguyên nhân của độc quyền  hay không? “Nếu thật sự mang tinh thần phục vụ của một tập đoàn nhiều năm được ngân sách ưu ái, EVN cần công khai các số liệu, thưởng phạt những năm qua. Rồi một cơ quan kiểm tra độc lập vào cuộc”, TS Nguyễn Quang A nhấn mạnh.

Ở góc độ khác, một số ý kiến cũng cho rằng, hiện nay EVN còn độc quyền cả việc giám sát việc tính giá điện với người tiêu dùng, mà không ai kiểm soát được độ trung thực chính xác trong các công tơ điện. Đã có rất nhiều trường hợp khách hàng bị sai số nhưng đến nay vẫn không có cơ chế nào để có thể giúp người sử dụng điện chứng minh là mình đúng.

Theo nhóm nghiên cứu, nhu cầu về điện được dự báo sẽ tăng cao trong thời gian tới, trong khi năng lực sản xuất có thể sẽ tăng chậm hơn. Do vậy, khuynh hướng khá dễ thấy là sức ép thiếu điện sẽ cao hơn. Kéo theo đó, quyền lực của nhà cung cấp điện ngày càng lớn và việc thao túng giá hoàn toàn có cơ sở kinh tế.

Theo CEPR, nếu chỉ dựa vào lập luận tăng giá điện để tạo sức ép tiết kiệm nhằm đạt tới cân đối cung cầu là chưa hợp lý. Ngay cả một quan chức lãnh đạo EVN mới đây cũng thừa nhận, việc tăng giá điện không thể tạo ra sự tiết kiệm cần thiết nhằm dung hoà nguồn cung bị thiếu.

Thêm vào đó, mức tiêu thụ điện bình quân đầu người ở Việt Nam còn thấp hơn 20% ở Thái Lan nên nhu cầu tiêu thụ điện trong nước chắc chắn tăng mạnh trong những năm tới.

Việc EVN yêu cầu tăng giá điện, theo đà tăng của lạm phát, có thể là một lý do hợp lý. Tuy nhiên, lạm phát chỉ là một mặt của vấn đề. Bên cạnh đó còn có yếu tố cải thiện năng suất. Nếu năng suất liên tục được nâng cao, mức tăng giá không phải lúc nào cũng cần theo kịp lạm phát.

Vì theo nguyên lý thị trường, để tăng lợi nhuận, một doanh nghiệp có thể thực hiện bằng nhiều cách, tiêu biểu như tăng năng suất nhờ nâng cao hiệu quả sản xuất; mở rộng thị trường để thêm cơ hội tăng sản lượng; và thứ ba là điều chỉnh giá.

Thêm vào đó, việc tăng giá dễ dãi (thường bắt nguồn từ vị thế độc quyền, có khả năng áp đặt giá) có thể làm lu mờ trách nhiệm trong việc cải tổ năng lực sản xuất của ngành điện nhằm nâng cao năng suất. Sự hấp dẫn đầu tư nằm ở lợi nhuận bền vững, không chỉ đơn thuần ở khả năng liên tục tăng giá bán sản phẩm.

Không thể có giá thị trường nếu còn độc quyền

TS. Nguyễn Đình Cung (Viện Nghiện cứu quản lý kinh tế Trung ương) cho rằng, muốn tăng giá điện thì cơ quan nhà nước phải kiểm soát được giá thành bởi hiện nay, đại đa số người tiêu dùng điện đều không được biết giá thành sản xuất. Do vậy, không thể nói là giá theo thị trường khi mà nhà nước chưa nắm được giá thành.

Do vậy, một khi vẫn tồn tại doanh nghiệp độc quyền đòi hỏi phải có một cơ quan nhà nước đứng ra giám sát chặt chẽ giá thành của doanh nghiệp này. Bởi vậy, trong điều kiện hiện nay, chưa thể tính đến chuyện thị trường điện bởi mọi yếu tố vẫn do EVN chi phối và áp đặt giá.

Còn theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, rõ ràng hiện nay EVN vẫn đang là đơn vị độc quyền về phân phối điện. Do vậy, khó có thể nói là thực hiện theo giá thị trường. Thả nổi cho EVN thực hiện theo giá thị trường thì không có đủ cơ sở của thị trường, bởi bản chất của thị trường là phải có cạnh tranh và càng không thể có độc quyền.

Do vậy, nếu vẫn để cho EVN độc quyền thì vừa không minh bạch, vừa khó giám sát. Bà Lan lấy dẫn chứng: EVN do Bộ Công Thương quản lý nhưng khi đơn vị này công bố lãi năm 2007 là hơn 2.700 tỷ đồng thì các cơ quan chức năng yêu cầu bóc tách, giải trình lãi từ kinh doanh điện chiếm tỷ lệ bao nhiêu thì họ lại không chứng minh được.

Do vậy, với một mức độ minh bạch còn hạn chế như vậy thì cũng khó có thể đưa ra được cơ sở là phải tăng giá điện và càng khó có thể để cho EVN tự đề xuất mức tăng giá. “Việc EVN tự đề xuất tăng giá giống như chợ mà chỉ có một người bán, nên buộc người mua không còn lựa chọn nào khác là vẫn phải mua dù biết là giá đắt”, bà Lan nhấn mạnh.

Liên quan đến độc quyền, chúng ta có thể thấy, trước đây, khi VNPT đưa ra mức giá 4.800 đồng/phút cho cuộc gọi Hà Nội – Sài Gòn và cho rằng đó là mức giá phù hợp và họ cũng chỉ đảm bảo lãi vừa phải. Tuy nhiên, sau khi Vietel xuất hiện, đơn vị này chào giá ngay 1.800 đồng/phút và họ cũng đảm bảo có lãi. Thế mới biết, VNPt đã lãi rất lớn nhờ vào độc quyền.

Bà Lan cũng cho rằng, không hiểu tại sao, dự kiến đến 2012 mới có thị trường điện cạnh tranh, trong khi hiện nay có rất nhiều đơn vị khác sẵn sàng đầu tư vào ngành điện điện. Mặc dù khâu phát điện hiện nay tỷ trọng của EVN đang ngày càng giảm song khâu truyền tải thì vẫn thuộc độc quyền của đơn vị này.

“Khi những ngành khác có liên quan đến an ninh quốc phòng và độ nhạy cảm không kém ngành điện nhưng vẫn mở rộng được thì không có cớ gì mà vẫn giữ mãi ưu ái độc quyền cho EVN’, bà Lan thắc mắc.

tbktvn

Các tin tức khác

>   Xuất khẩu dệt may vượt qua dầu thô trong tháng 10 (27/10/2008)

>   Dung Quất: Chiếc áo cũ đã chật! (27/10/2008)

>   Quảng Ninh: Trồng hoa lãi 2 tỷ đồng/ha (27/10/2008)

>   Doanh nghiệp Việt Nam khảo sát thị trường Chile (27/10/2008)

>   Gia công phần mềm, cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (27/10/2008)

>   Hàng loạt chuyến bay chịu ảnh hưởng từ vụ cháy nhà ga (27/10/2008)

>   Nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến các KCN dọc tuyến Hà Nội - Hải Phòng (27/10/2008)

>   Sắp xếp 13 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc tỉnh Lai Châu (27/10/2008)

>   Chung cư xuống cấp dân vẫn chưa có sổ hồng (27/10/2008)

>   Đầu tư trực tiếp nước ngoài: Tiếp tục nhịp độ hàng tỷ USD mỗi tháng (27/10/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật