Doanh nghiệp vừa và nhỏ VN:
Cẩn thận hợp đồng kinh tế… ngoại!
Mới đây, nhiều doanh nghiệp (DN) may mặc xấc bấc xang bang vì “ôm hàng” từ các hợp đồng đặt hàng của một công ty ngoại. Các DN này đã gởi hàng loạt đơn đến các cơ quan chức năng đề nghị can thiệp, xử lý.
Ông Đặng Linh Thảo, Giám đốc Công ty TNHH May Thiên Kim kể, từ đầu năm, ông được Công ty Emanueline Trading SLR do ông Ugo Paolucci (người Ý) đặt hàng với đơn hàng gần 50.000 USD. Mừng trong bụng vì nhận được đơn hàng lớn, béo bở. Khách hàng lại “sộp”, ngay khi ký hợp đồng đã đặt ngay 1/3 số tiền và khi nhận hàng đợt 1 (số hàng tương đương với số tiền đặt cọc), ông Ugo Paolucci “nhồi” tiếp một đơn hàng khác. Lần này vì tin tưởng nhau nên hai bên không cần đặt cọc.
Đến khi bên Công ty Thiên Kim may hoàn thành toàn bộ số hàng theo hợp đồng cũ cùng hợp đồng mới và yêu cầu bên Emanueline Trading SLR nhận hàng thì “bộ mặt” đã lộ ra. Hết lấy lý do hàng bán chậm đến lý do vướng thủ tục giao nhận, bên Emanueline Trading SLR không những không nhận số hàng đã may xong mà còn đề nghị bên Thiên Kim thanh toán tiền lưu kho cho số hàng đã nhận trước đó…
Nhiều công văn qua lại với nhau, cuối cùng bên Emanueline Trading SLR đề nghị… giảm giá thì mới nhận hàng. Giờ thì “chiêu bài” đã ngửa, hàng do ông Ugo Paolucci đặt là hàng đặc chủng, có logo, giờ nếu không bán cho ông thì biết bán cho ai, và không bán sẽ tốn tiền lưu kho, thời điểm “khát” vốn, tiền vay, lãi mẹ đẻ lãi con…
Tương tự như vậy, Công ty Thuận Thành cũng “dính” một hợp đồng với ông Ugo Paolucci. Hợp đồng trị giá chỉ 3.000 USD (đặt cọc 1.000 USD), chỉ còn 2.000 USD và 200 USD phí hỗ trợ vận chuyển. Thế nhưng, khi Thuận Thành hoàn thành đơn hàng, gởi đi thì phía ông Ugo Paolucci không nhận, vì cho rằng hàng có lỗi.
Bên Thuận Thành đề nghị sửa lại hàng nhưng vẫn không được đồng ý. Cuối cùng, đơn hàng trị giá chỉ có 2.200 USD (chỉ hơn 30 triệu đồng), vậy mà ông Ugo Paolucci buộc Thuận Thành phải trừ đến… 10 triệu đồng phí kho bãi thì mới nhận! Nhưng đến giờ vẫn chưa nhận được tiền. Ông Huỳnh Thanh Tùng, Giám đốc Công ty Thuận Thành than: “Trừ 10 triệu đồng, tôi cũng chấp nhận, nhưng giờ tiền tôi cũng chưa nhận được”.
Chịu không nổi, ông đành làm đơn gởi các cơ quan chức năng kêu cứu. Thế nhưng, vấn đề ông muốn nói, chính là bài học kinh nghiệm đắt giá cho những DN vừa và nhỏ Việt Nam cần cảnh giác trước khi ra biển lớn. Nếu các DN đoàn kết lại với nhau thì sẽ có thông tin và tạo thành sức mạnh chống lại kiểu làm ăn mang tính lừa đảo như trên. Được biết, còn rất nhiều DN “dính” đơn đặt hàng của ông Ugo Paolucci đang kêu cứu. Điều đáng lưu ý là ông Ugo Paolucci đang “tấn công” vào các ngành dịch vụ tại TPHCM như rượu ngoại, rượu vang…
sggp
|