Xây dựng tiêu chí mô hình nông thôn mới là ưu tiên hàng đầu
Tại hội nghị “Sơ kết 2 năm thực hiện mô hình nông thôn mới” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức tại Hà Nội, ngày 23/10, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hồ Xuân Hùng đã bày tỏ sự lo ngại khi vẫn chưa thể đưa ra những tiêu chí cơ bản của mô hình nông thôn mới cùng nhiều bất cập trong việc triển khai các mô hình điểm. “Sau gần 2 năm triển khai, đến nay chúng ta vẫn chưa có một hình ảnh cụ thể về mô hình nông thôn mới”, ông Hùng thừa nhận.
Vì vậy, dù khẳng định không thể xây dựng ngay mô hình nông thôn mới chỉ trong một vài năm nhưng Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng cũng cho rằng, việc xác định các tiêu chí cụ thể, phù hợp với từng vùng miền là hết sức quan trọng và Bộ NN&PTNT cùng các địa phương sẽ tập trung cao độ để xây dựng và sớm ban hành trước khi triển khai chương trình đề án của Chính phủ cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Các chuyên gia cũng như đại diện nhiều địa phương tại hội nghị đều thống nhất, xây dựng những tiêu chí mô hình nông thôn mới chính là ưu tiên hàng đầu của ngành nông nghiệp khi kết thúc thực hiện đề án thí điểm vào năm 2010. Phó Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nông thôn Nguyễn Văn Chi đề nghị, cần siết lại việc thực hiện các mô hình điểm từ tuyển chọn đơn vị tư vấn đủ năng lực, hiểu biết về nông thôn đến ban hành các văn bản riêng liên quan đến tài chính, tiêu chí đặc thù cho từng vùng miền…Ông Vũ Đăng Dũng, Viện trưởng Viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp đề xuất: Nên xem xét bổ sung định hướng hỗ trợ phát triển các công trình phục vụ sản xuất (chỉ chiếm 17% vốn thực hiện trong thời gian qua) cũng như hỗ trợ người dân tiếp cận vốn tín dụng phát triển kinh tế hộ và các hình thức hợp tác khác...
Theo báo cáo sơ kết, đề án xây dựng mô hình nông thôn mới cấp thôn, bản lần này được triển khai tại 10 tỉnh trên cả nước với từ 1 đến 2 thôn, bản điểm. Tính đến tháng 9/2008, tổng vốn thực hiện đề án đạt hơn 10 tỷ đồng cho việc xây dựng, nâng cấp hệ thống đường giao thông nông thôn, thủy lợi, đường điện, xây nhà văn hóa thôn, phát triển các mô hình sản xuất mới… Tuy nhiên, những thay đổi đó vẫn chưa đáp ứng được mong muốn của người dân cũng như những người thực hiện đề án. Thực tế, chỉ có 2 mô hình điểm ở Nam Định xây dựng được kế hoạch phát triển tổng thể đến năm 2020, còn lại các tỉnh chỉ liệt kê đầu mục công việc nên khi triển khai khó định lượng, tính toán kinh phí cũng như thời gian hoàn thành. Nhiều địa phương cho rằng, kinh phí hỗ trợ đối với mô hình hàng năm quá nhỏ và thời gian hỗ trợ không theo lộ trình kế hoạch phát triển của mô hình (chỉ có 2 năm) trong khi khối lượng các công trình còn rất lớn, cần nhiều thời gian và kinh phí thực hiện. Bên cạnh đó, các tỉnh còn phàn nàn về tình trạng thủ tục thanh toán kinh phí rất rườm rà, không thống nhất và áp dụng tuỳ tiện.
ttxvn
|