Ðể giúp các doanh nghiệp khai thác quặng ti-tan đi vào chế biến sâu
Từ khi Hiệp hội ti-tan Việt Nam ra đời, cùng với việc tăng cường quản lý Nhà nước việc khai thác, chế biến quặng, ngành ti-tan đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về mặt kỹ thuật và quy mô.
Ti-tan Việt Nam đã có vị thế nhất định trong ngành ti-tan thế giới với tư cách là nhà cung cấp nguyên liệu cho các tập đoàn, công ty lớn như Dupont (Mỹ); Sumitomo, Sakai, Tayca (Nhật Bản); Cosmo (Hàn Quốc)... Nhưng để các doanh nghiệp ti-tan Việt Nam có thể đi vào chế biến sâu rất cần sự quan tâm của Nhà nước.
Ti-tan là kim loại quý, hiếm ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp công nghệ cao, trong sản xuất máy bay, tàu vũ trụ, sơn, mỹ phẩm, giấy, nhựa cao cấp, chất chống mài mòn... Theo khảo sát hiện thị trường tiêu thụ đi-ô-xit ti-tan (pigment) của Việt Nam đã lên tới gần 15.000 tấn/năm...
Trong khi đó, nguồn tài nguyên ti-tan Việt Nam dự báo khoảng 34,5 triệu tấn. Từ 1990 đến nay, các thành viên trong và ngoài Hiệp hội ti-tan đã khai thác ước đạt 5,3 triệu tấn. Gần đây, Cục Ðịa chất đã phát hiện vùng Ninh Thuận và Bình Thuận có tiềm năng lớn quặng ti-tan - di-con. Trong Công văn số 2009 BTNMT-ÐCKS ngày 4-6-2008 của Cục Ðịa chất khoáng sản trình Thủ tướng Chính phủ cho thấy: Qua lấy mẫu trên mặt và khoan thăm dò 18 lỗ khoan có độ sâu từ
25,5 m đến 103 m, trên diện tích 1.500 km2 thuộc tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận đã phát hiện mỏ có trữ lượng khoảng 200 triệu tấn tinh quặng ti-tan - di-con. Nếu toàn bộ nguồn tài nguyên này được đầu tư khai thác và chế biến sâu thì có giá trị hàng trăm tỷ USD. Ðây chính là thời cơ để ngành chế biến ti-tan Việt Nam có thể biến mình từ con vịt xấu xí thành Thiên Nga lộng lẫy thông qua việc đầu tư chế biến sâu để tăng giá trị thu nhập ngoại tệ của ti-tan vừa tăng tuổi thọ của các mỏ khoáng sản.
Tuy nhiên, lâu nay, ngành khai thác, chế biến ti-tan phát triển nóng, thiếu quy hoạch lại đầu tư dàn trải trong nhiều năm, nhiều đơn vị trái ngành nghề cũng tham gia vào lĩnh vực này, làm lãng phí và thất thoát tài nguyên khoáng sản. Một số địa phương các tỉnh ven biển miền trung như Quảng Nam, Bình Ðịnh, Ninh Thuận có trữ lượng ti-tan không nhỏ nhưng do không thống nhất của các ngành nên đã quy hoạch thành các khu du lịch sinh thái nằm lên trên các mỏ ti-tan. Việc vừa xây khu sinh thái, kết hợp với việc khai thác tận thu quặng ở đây đã gây rắc rối, trở ngại cho chủ đầu tư; ngược lại nguồn quặng quý hiếm này được một số đầu nậu tổ chức tận thu không triệt để, gây lãng phí tài nguyên và xuất bán theo hình thức tiểu ngạch là không phù hợp.
Gần đây, Nhà nước xác định phát triển ngành chế biến ti-tan quy mô lớn, hiệu quả kinh tế cao phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Chủ tịch Hiệp Hội ti-tan Việt Nam Nguyễn Văn Lịch, cho biết: "Các doanh nghiệp trong Hiệp hội đã liên kết, xúc tiến đầu tư, gọi vốn trong nước và nước ngoài để thực hiện chuyển đổi xây dựng các cơ sở nhà máy chế biến sâu".
Ðến nay, một số doanh nghiệp đã tập trung chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ khai thác, xuất khẩu quặng tinh sang chế biến sâu để tăng giá trị sản phẩm và phát triển bền vững. Ðã có 13 dự án đã, đang triển khai xây dựng các nhà máy chế biến sâu. Tiêu biểu là Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh ngoài việc nâng công suất dây chuyền nghiền di-con siêu mịn, công suất 6.000 tấn/năm lên gấp hai lần, còn đang là doanh nghiệp chủ công trong xúc tiến liên doanh đầu tư Nhà máy Pigment đầu tiên ở Việt Nam có công suất 30 nghìn tấn/năm với giá trị đầu tư hơn 140 triệu USD. Xin được nói thêm, để sản xuất được một tấn Pigment theo công nghệ Sun-phua chỉ cần 2,5 tấn ti-tan nguyên liệu. Lợi nhuận từ sản phẩm Pigment thu được là rất cao (giá bán khoảng 1.800 USD/tấn)...
Một số nhà máy luyện xỉ ti-tan đang triển khai tại tỉnh Thái Nguyên, Phú Yên, Thừa Thiên - Huế, Bình Ðịnh và sản xuất rutile nhân tạo, Ilmenite hoàn nguyên, que hàn... ở Bình Thuận, Quảng Trị, Phú Thọ... trị giá nhiều tỷ đồng đang gấp rút triển khai trong năm 2008-2009.
Tuy nhiên, theo Tổng giám đốc Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh Nguyễn Nhật: Trong quá trình thực hiện đầu tư cơ sở chế biến sâu ti-tan, các doanh nghiệp gặp một số trở ngại và khó khăn rất cần sự quan tâm của Nhà nước, đặc biệt là thực tế lộ trình đầu tư chế biến sâu, kèm theo các cơ chế chính sách hỗ trợ. Việc cấm xuất khẩu theo Thông tư 08/2008 TT/BCT ngày 18-8-2008 của Bộ Công thương là đúng và hết sức cần thiết nhưng trên thực tế hiện nay, các nhà máy và các dự án chế biến sâu có quy mô đang được doanh nghiệp lớn triển khai, dự kiến sau năm 2010 mới có thể đưa vào hoạt động. Nếu việc các doanh nghiệp nêu trên phải ngừng xuất khẩu sẽ là khó khăn rất lớn đè nặng lên doanh nghiệp, khi có đến hàng nghìn CBCNV của các doanh nghiệp này sẽ phải nghỉ việc chờ nhà máy xây dựng xong, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống dân sinh của hàng chục nghìn người dân hưởng lợi từ ngành khai thác, chế biến ti-tan. Xin được nói thêm là, theo Quyết định số 104/2007- QÐ/TTg về việc phê duyệt quy hoạch ghi: "... có một phần quặng tinh xuất khẩu hợp lý để góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn trong giai đoạn trước mắt (đến năm 2010) khi chưa kịp đầu tư các cơ sở chế biến sâu". Ðây là một chủ trương tạo được sự đồng thuận giữa Nhà nước và doanh nghiệp, khuyến khích và ưu tiên doanh nghiệp lớn có truyền thống đã và đang đầu tư cơ sở chế biến sâu.
Thiết nghĩ, Nhà nước có thể cho phép những doanh nghiệp đang trong giai đoạn đầu tư nhà máy chế biến sâu: Pigment, xỉ ti-tan... được phép xuất khẩu một phần quặng tinh để góp phần chia xẻ khó khăn với doanh nghiệp. Cùng với đó, Nhà nước cần quan tâm, có chính sách hỗ trợ, về đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực đủ sức tiếp nhận công nghệ cao cùng với công tác xúc tiến đầu tư tìm kiếm thị trường mới; tạo nguồn vốn cho doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu ti-tan với quy mô lớn. Ðồng thời, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và các tỉnh có khoáng sản phải tập trung rà soát và thu hồi giấy phép đối với các dự án chế biến sâu đã được lập nhưng không có tính khả thi vì mục đích chủ yếu là xin giấy phép khai thác tận thu, sai với quy hoạch chế biến sâu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; không cho các doanh nghiệp khai thác, chế biến ti-tan theo hình thức tay trái được xuất khẩu quặng tinh dưới bất kỳ hình thức nào. Bên cạnh đó, cần có cơ chế thuế cho phù hợp. Ưu tiên giảm thuế đối với các sản phẩm chế biến sâu. Có như vậy các doanh nghiệp chế biến ti-tan Việt Nam mới nhanh chóng vượt qua ngưỡng cửa chế biến sâu một cách thuận lợi nhất.
nhân dân
|