Thứ Tư, 03/09/2008 16:09

Sử dụng thông tin trong báo cáo tài chính (kỳ 3)

Bài viết này chỉ là một số thảo luận trên khía cạnh kế toán thuần túy liên quan đến việc sử dụng thông tin tài chính trong báo cáo tài chính được lập theo chế độ kế toán Việt Nam. Bài viết không đặt mục tiêu nêu lên tất cả các tình huống trong thực tiễn mà nhà đầu tư cần phải xem xét điều chỉnh.

C. Một số "nghiệp vụ đặc biệt"

Giao dịch với bên liên quan thuộc "tầm ảnh hưởng" của DN hoặc giao dịch với bên liên quan cùng chịu sự kiểm soát bởi một chủ thể.

Một DN hoặc chủ sở hữu chính của DN đó có thể thiết lập một "đơn vị đặc biệt" và sử dụng đơn vị này cho nhiều mục đích khác nhau, trong đó có mục đích giúp DN "điều hòa" hoặc "làm đẹp" các chỉ tiêu của báo cáo tài chính. Chẳng hạn, khi DN không đạt được chỉ tiêu doanh thu hay lợi nhuận mong muốn thì có thể tiến hành "bán" hàng hóa, tài sản cho đơn vị đặc biệt để tạo doanh thu và lợi nhuận.

Chế độ kế toán Việt Nam quy định về việc hợp nhất báo cáo tài chính và loại trừ các khoản doanh thu cùng với lợi nhuận chưa thực hiện của giao dịch giữa công ty mẹ với công ty con, chứ không quy định loại trừ lợi nhuận chưa thực hiện của giao dịch giữa công ty mẹ với công ty liên kết. Còn đối với các giao dịch giữa DN với "đơn vị đặc biệt", trong đó công ty mẹ không nắm quyền sở hữu cổ phiếu thì chế độ kế toán Việt Nam chỉ yêu cầu công bố thông tin về các giao dịch này trong thuyết minh báo cáo tài chính, chứ không yêu cầu xem xét bản chất thực tế của mối quan hệ để hạch toán và loại trừ cho phù hợp.

Người sử dụng thông tin cần đọc kỹ thuyết minh báo cáo tài chính về nghiệp vụ với các bên liên quan để xem xét bản chất thực của các nghiệp vụ và tính thích hợp của các điều khoản giao dịch. Khi các giao dịch này không có ý nghĩa kinh tế thực sự hoặc các điều khoản giao dịch xa rời với thị trường thì người sử dụng thông tin cần thực hiện các điều chỉnh thích hợp để đưa các chỉ tiêu tài chính trở về giá trị và bản chất thực của nó.

Lợi thế thương mại phát sinh trong hợp nhất kinh doanh

Chế độ kế toán Việt Nam quy định, khoản lợi thế thương mại phát sinh trong hợp nhất kinh doanh phải được phân bổ trong khoảng thời gian không quá 10 năm và khoản phân bổ này được hạch toán vào chi phí trên báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất. Quy định này khác với quy định của chuẩn mực kế toán quốc tế hiện hành, theo đó lợi thế thương mại phát sinh từ hợp nhất kinh doanh không được phân bổ, nhưng DN phải đánh giá khả năng suy giảm giá trị và nếu có thì khoản suy giảm giá trị phải được hạch toán vào chi phí trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất.

Dưới góc độ tài chính thì khoản chi phí phát sinh từ phân bổ lợi thế thương mại hay suy giảm giá trị lợi thế thương mại cần phải được lưu ý loại trừ ra khỏi kết quả kinh doanh khi sử dụng số liệu kế toán để dự đoán triển vọng trong tương lai của DN, vì khoản này thuộc về hoạt động đầu tư, chứ không thuộc về các dòng thu nhập/chi phí từ hoạt động kinh doanh chính của DN.

Các khoản thu nhập (chi phí) phát sinh bất thường, lợi nhuận (lỗ) của lĩnh vực ngừng hoạt động kinh doanh

Khi định giá cổ phiếu dựa vào dòng lợi nhuận dài hạn của DN, nhà đầu tư cần tách các khoản bất thường và các khoản không thuộc hoạt động kinh doanh chính và bền vững ra khỏi chỉ tiêu lợi nhuận. Chẳng hạn, cần phải tách ra khỏi chỉ tiêu lợi nhuận các khoản lãi (lỗ) do bán tài sản cố định, lãi (lỗ) kinh doanh chứng khoán của các DN không chuyên, lãi (lỗ) của mảng kinh doanh bị bán hoặc tách ra khỏi DN.

Nhà đầu tư có thể tìm thấy chi tiết về các khoản lãi (lỗ) bất thường và thu nhập (chi phí) hoạt động tài chính trong thuyết minh báo cáo tài chính. Tuy nhiên, chế độ kế toán Việt Nam chưa quy định DN phải trình bày và công bố thông tin về lãi (lỗ) của mảng hoạt động kinh doanh bị bán hoặc tách ra khỏi DN. Do đó, nhà đầu tư cần thu thập thêm các thông tin này để thực hiệc các điều chỉnh thích hợp.

Các công cụ phái sinh

Công cụ phái sinh là những sản phẩm tài chính được thiết kế và tạo nên từ một loại công cụ cổ điển trên thị trường, như hợp đồng mua bán kỳ hạn, hợp đồng tương lai, hợp đồng hoán đổi lãi suất, quyền chọn mua, quyền chọn bán… Công cụ phái sinh có thể được sử dụng như một phương pháp dự phòng rủi ro hoặc có thể sử dụng như một nghiệp vụ đầu cơ. Dù được sử dụng cho mục đích nào thì công cụ phái sinh đều mang một giá trị nhất định khi các điều kiện thị trường thay đổi sau ngày công cụ này được xác lập và giao dịch lần đầu.

Chế độ kế toán Việt Nam chưa có hướng dẫn về phương pháp kế toán và công bố thông tin đối với công cụ phái sinh (riêng chế độ kế toán áp dụng cho ngân hàng thì chỉ yêu cầu trình bày công cụ phái sinh như một tài khoản ngoại bảng, chứ chưa quy định phải đánh giá theo giá trị hợp lý để hạch toán vào bảng cân đối kế toán). Vì vậy, nhà đầu tư cần thu thập thêm thông tin về các nghiệp vụ này để đánh giá ảnh hưởng của nó đến tình hình tài chính và kết quả hoạt động kinh doanh của DN.

Kết luận

Bài viết này chỉ là một số thảo luận trên khía cạnh kế toán thuần túy liên quan đến việc sử dụng thông tin tài chính trong báo cáo tài chính được lập theo chế độ kế toán Việt Nam. Bài viết không đặt mục tiêu nêu lên tất cả các tình huống trong thực tiễn mà nhà đầu tư cần phải xem xét điều chỉnh. Để có thể phân tích thông tin tài chính và thực hiện các điều chỉnh cần thiết một cách toàn diện trong mỗi tình huống cụ thể, nhà đầu tư cần phải hiểu rõ đặc điểm của ngành nghề kinh doanh và nắm vững các nguyên tắc kế toán cũng như các khía cạnh tài chính của mỗi nghiệp vụ. Các thông tin tài chính sau khi "xử lý" lại nên được xem xét trong mối tương quan với các thông tin khác về đơn vị có cổ phiếu được quan tâm, bao gồm cả các thông tin tài chính tương lai, mang tích chất dự báo và các thông tin phi tài chính khác.

đtck

Các tin tức khác

>   Doanh thu của Bia Sài Gòn đạt trên 10 nghìn tỷ đồng (03/09/2008)

>   Ngân hàng Dầu khí: Chưa có hồi kết (03/09/2008)

>   OTC cũng chốt lời (03/09/2008)

>   Đánh thức OTC, cách nào? (03/09/2008)

>   CTCP thực phẩm Cholimex: Phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ (03/09/2008)

>   Cách bồi thường thiếu tôn trọng khách hàng (03/09/2008)

>   Southern Bank: Tăng vốn điều lệ (03/09/2008)

>   Người tiêu dùng kiện siêu thị điện máy Nguyễn Kim ra tòa (03/09/2008)

>   Giấy Tân Mai: Gần 200 triệu USD xây nhà máy giấy tại Quảng Ngãi (01/09/2008)

>   Sáp nhập hai doanh nghiệp ngành xi măng (01/09/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật