Thứ Hai, 15/09/2008 14:15

“Chất” hay “lượng” ?

Theo Báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về tình hình CPH và thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai, mua bán cổ phần trong quá trình CPH DNNN, so với yêu cầu, mục tiêu, thì tiến trình CPH DNNN đang chậm.

Kể từ năm 1992 đến nay, các cơ chế, chính sách áp dụng đối với công tác sắp xếp, đổi mới DNNN đã nhiều lần được thay đổi với mục đích đưa giá trị DN sát với thực tế hơn, đảm bảo hạn chế thất thoát tài sản nhà nước và đem lại quyền lợi tối đa cho người lao động. UBTVQH đánh giá: Đa số DN sau CPH đều có lãi, tăng doanh thu, vốn điều lệ, cải thiện đời sống người lao động.

Chậm vì... sát thực tế !

Nghịch lý là ở điểm này, chính sách càng sát thực tế, DN hoạt động (sau CPH) càng hiệu quả, thì số lượng DNNN được chuyển thành Cty CP ngày càng... giảm mạnh. Sau 16 năm (bao gồm cả năm 2008), đã có 3.786 DNNN được CPH, tức là bình quân 240 DN mỗi năm. Nhưng thực tế là, cả năm 2007, số lượng DNNN được CPH thành công đã giảm xuống chỉ còn 150 DN. Và, kết thúc 6 tháng đầu năm 2008, chỉ có... 30 DN hoàn thành CPH. Tốc độ CPH DNNN chậm đến mức UBTVQH đã đưa ra dự kiến: sẽ có khoảng 700 DN chưa thể CPH hay chuyển đổi xong trước 1/7/2010 - thời điểm tất cả DNNN đều phải chuyển sang hình thức Cty TNHH hoặc Cty cổ phần hoạt động theo Luật DN.

Một trong những nguyên nhân gây chậm tiến trình CPH DNNN là việc đưa giá trị quyền sử dụng đất, giá trị lợi thế vị trí địa lý vào giá trị DN khi CPH. UBTVQH cho rằng thủ tục này vướng vì quy định tại pháp luật về đất đai chưa bảo đảm tính công bằng... Còn phản ánh từ các DN cho thấy, việc đưa giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị DN sẽ không thu hút các nhà đầu tư - bao gồm cả người lao động tại DN - tham gia mua CP tại DN CPH. Lý do không chỉ vì các "chuẩn" định giá quyền sử dụng đất là chưa "bảo đảm tính công bằng". Mà thực ra, là giá trị quyền sử dụng đất sẽ đẩy giá trị DN lên cao. Đồng nghĩa với việc giảm tính "hấp dẫn" của cổ phần DN được CPH. Đây cũng là đánh giá được các nhà đầu tư "áp dụng" với việc đưa giá trị lợi thế vị trí địa lý vào giá trị DN để CPH. Một nhà đầu tư nói rằng, lợi thế vị trí địa lý là khái niệm chỉ rõ ràng về... tên gọi, nhưng đặc biệt "mù mờ" nếu để... định giá. Vì giá trị lợi thế vị trí địa lý không phải là yếu tố chủ chốt trong lựa chọn, định hướng hoạt động, kinh doanh cho DN. Nhưng nhìn từ góc độ quản lý, đây lại là những yêu cầu bắt buộc (và rất hợp lý) để bảo toàn vốn nhà nước khi CPH DNNN.

Quá nhiều mục tiêu

Tiếp tục triển khai chương trình CPH DNNN, UBTVQH nhấn mạnh các nguyên tắc: Thứ nhất, Nhà nước phải giữ cổ phần chi phối tại các DNNN có vị trí quan trọng trong việc bảo đảm sự điều tiết nền kinh tế. Thứ hai, là phải tạo điều kiện để người lao động được mua một phần cổ phần ưu đãi, và trở thành người chủ thực sự của Cty sau khi CPH. Thứ ba, CPH DNNN không được làm thất thoát giá trị tài sản của nhà nước, các tài sản đó phải được định giá theo đúng... giá thị trường. Thứ tư, CPH DNNN phải thể hiện rõ vai trò quản lý của Nhà nước, của người lao động, tránh tình trạng cổ phần của Cty rơi vào tay một số người. Những nguyên tắc này, thực ra, đều đã áp dụng trong thực tiễn CPH DNNN từ trước tới nay, dù luôn là đề tài tranh luận.

Vậy thế nào là đúng giá thị trường của DN ? DN là tổ chức kinh tế hoạt động với mục đích sản sinh ra lợi nhuận, giá trị của nó không phụ thuộc nhiều vào những tài sản có thể quy được thành tiền như đất đai, nhà xưởng, tài sản khác... Mà phụ thuộc chủ yếu vào đánh giá và nhu cầu của nhà đầu tư đối với DN ấy. Thế nên, chuyện DN trên thế giới được bán với giá chỉ... một USD, hoặc vài chục tỷ USD không là chuyện hiếm. Do đó, yêu cầu về việc "định giá theo đúng giá thị trường" khi CPH DNNN là không cần thiết, cũng đúng trọng tâm. Mà quan trọng, là thông tin về tài sản, tài chính của DN ấy phải minh bạch, chính xác. Việc tổ chức bán tài sản ấy cũng phải thực sự công khai, minh bạch, thì mới đảm bảo được việc bán đúng giá. Và, giá DN ấy được bán mới đúng là giá thị trường. Trọng tâm CPH DNNN không được đảm bảo bằng định giá, mà đảm bảo bằng tính công khai, minh bạch của quá trình thực hiện.

Mặt khác, các DNNN hiện đang tiến hành CPH tại Việt Nam đều có nguồn gốc từ nền kinh tế tập trung giai đoạn trước đây với đặc trưng công hữu hóa, tập thể hóa các tư liệu sản xuất. Đó là khác biệt cơ bản về nguồn gốc hình thành so với mô hình Cty cổ phần "truyền thống" - vốn chỉ xuất hiện khi loại hình sở hữu tư nhân đã không còn đáp ứng được thực tế và nhu cầu phát triển lực lượng sản xuất của xã hội. Nhìn từ góc độ này sẽ thấy, thái độ "cảnh giác" trước hiện tượng tư nhân hóa DN khi CPH là... thừa. Vì về bản chất, Cty CP đã là tập hợp tài sản của những cá nhân, tổ chức (trong đó có Nhà nước). Cá nhân, nhóm cổ đông nào nắm giữ nhiều tài sản DN hơn sẽ nắm quyền quyết định tại DN. Và còn vì tư nhân hoá không có nghĩa là tài sản nhà nước "bị" bán cho một, hay một vài cá nhân, mà còn là cho rất nhiều người. Điều cần cảnh giác, là phải tìm được cách hiệu quả để ngăn chặn những hành vi thao túng, làm sai lệch thông tin, "dìm giá" để thôn tính DN của chính những người đang tham dự vào quá trình CPH DNNN. Câu hỏi chọn "chất", hay lấy... "lượng", vì thế, sẽ là vô bổ, nếu những nguyên tắc công khai, minh bạch không được coi là quan trọng hơn những lo ngại về định giá hay tư nhân hóa khi CPH DNNN.

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DNNN, cả nước vẫn còn trên 1.700 DN 100% vốn nhà nước. Như vậy kế hoạch đề ra cho năm 2010 là sẽ hoàn tất việc chuyển đổi hình thức sở hữu các DNNN khó thành hiện thực.

dddn

Các tin tức khác

>   CTCP Bảo vệ Thực vật An Giang: Tạm chi cổ tức đợt 1 năm 2008 (15/09/2008)

>   Ai đang làm rối doanh nghiệp? (15/09/2008)

>   Cổ phần hóa: Cần mạnh tay! (15/09/2008)

>   CTCP Pymepharco: Bản cáo bạch phát hành cổ phiếu ra công chúng (15/09/2008)

>   Thanh khoản vẫn tốt (13/09/2008)

>   Công ty nhựa Việt Nam: Nhập máy cũ nát bằng vốn ODA (13/09/2008)

>   CTCP Đầu tư và PT Điện Miền Trung nộp hồ sơ đăng ký niêm yết CP (13/09/2008)

>   TP HCM: Tháo dỡ công trình cũ để xây dựng tháp SJC (13/09/2008)

>   Ưu đãi thành ngược đãi (13/09/2008)

>   Thông tin bổ sung về giá trị quyền sử dụng đất của TCT Xây dựng Thủy Lợi 4 (12/09/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật