Ông Lê Quốc Dung - Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế Quốc hội
Cổ phần hóa: Cần mạnh tay!
- Theo ông, vướng mắc chính đối với quá trình cổ phần hóa (CPH) hiện nay là gì?
Vướng mắc trong CPH của DN có nhiều yếu tố nhưng quan trọng nhất vấn là nhận thức và tư tưởng. Có thể nhận thức đã thông suốt nhưng tư tưởng còn nấn ná, không muốn tự chủ, muốn dựa dẫm vào Nhà nước, dựa vào vốn nhà nước, dựa vào quyền lực nhà nước để kinh doanh. Thói quen này khó từ bỏ từ lãnh đạo đến cán bộ.
Nhà nước chưa có sự chỉ đạo kiên quyết, dứt điểm và mạnh tay trong vấn đề này. Nhất là đối với những TCty, tập đoàn ... Trong quá trình CPH còn nhiều phức tạp về thủ tục, đánh giá tài sản, chính sách đối với người lao động,... Ngoài ra, còn một số tác động cụ thể khác như một số địa phương, bộ ngành vẫn muốn nắm giữ trong các DN, tập đoàn. DN cũng muốn dựa vào nhà nước, Bộ cũng muốn quản lý, chi phối. Chính những điều này quá trình CPH DN bị chậm lại, không đảm bảo được lộ trình đã đề ra.
- Nhiều ý kiến cho rằng, định giá DN vẫn là một vướng mắc không nhỏ ?
Định giá tài sản cần phải có nguyên tắc nhưng cần phải tuân thủ một tư duy mới đó là phải tuân theo cơ chế thị trường, bởi giá trị tài sản của DN đó không thể tính trên sổ sách. Đây chỉ là một căn cứ nhưng phải cần đánh giá theo thị trường. Những tài sản đó có mang lại lợi ích gì không. Nếu tài sản trên sổ sách rất lớn nhưng những tài sản đó không mang lại hiệu quả chỉ là "sắt vụn". Đánh giá tài sản phải có tư duy thông thoáng. Có những DN làm ăn ổn định có thương hiệu thì thương hiệu đó cũng là tài sản của DN.
- Ông có kiến nghị gì để chủ trương CPH, sắp xếp, đổi mới nâng cao hiệu quả DN đạt được đúng mục tiêu đã đề ra?
Theo tôi, cần phải CPH, sắp xếp DN một cách mạnh tay hơn nữa. Chính phủ chỉ nắm từng khâu những tập đoàn những DN lớn thuộc các lĩnh vực quan trọng như điện, xăng dầu, ngân hàng, viễn thông... để có thể chi phối, cân đối, giữ ổn định cho nền kinh tế, tạo điều kiện môi trường cho DN dân doanh hoạt động hiệu quả hơn.
Phải có chương trình kế hoạch cụ thể cho các tập đoàn của Nhà nước. Nhà nước cần nắm giữ khâu nào, còn khâu nào sẽ CPH, thậm chí sẽ cho tư nhân đấu thầu. Xây dựng chính sách giải quyết thoả đáng quyền lợi cho người lao động, tránh lợi dụng để thôn tính DN vì cá nhân.
Hiện nay, nhà nước thành lập TCty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước nhằm vào những lĩnh vực có lợi nhuận để rót vốn đầu tư. Đây là quan điểm cần phải xem xét lại. Theo tôi, nhà nước chỉ nắm giữ những lĩnh vực để cân đối vĩ mô, tạo cơ sở bền vững ổn định cho nền kinh tế, nhà nước không nhằm vào mục tiêu lợi nhuận để rót vốn bởi hiệu quả sẽ thấp hơn khối dân doanh.
- Xin cảm ơn ông !
dddn
|