Thứ Sáu, 22/08/2008 00:01

Khắc phục bất cập trong chính sách, đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa

Về việc định giá doanh nghiệp (DN) trong công tác cổ phần hóa (CPH), các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần gắn kết chặt chẽ công tác CPH với thị trường chứng khoán, có chính sách phù hợp khi tính giá trị lợi thế kinh doanh (như đất đai, vị trí đắc địa, thương hiệu, uy tín, tiềm lực tài chính…) nhằm giúp DN đẩy nhanh tiến trình CPH.

Ngày 21/8, tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng chủ trì Phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH). UBTVQH đã nghe và thảo luận Báo cáo về tình hình CPH và thực hiện chính sách pháp luật về đất đai, bán cổ phần trong tiến trình CPH doanh nghiệp nhà nước (DNNN) do Thứ trưởng Tài chính Trần Xuân Hà trình bày.

Xác định đúng giá trị đất đai khi CPH DN

Trong hơn 10 năm thực hiện, tiến trình CPH DNNN cơ bản đã đạt được mục tiêu đặt ra. CPH đã huy động thêm vốn của xã hội đầu tư vào phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần đa dạng hóa sở hữu, làm thay đổi phương thức quản lý, đồng thời nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và quy mô DN, lành mạnh hóa tài chính DN và thúc đẩy hoạt động của thị trường tài chính.

Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều DN, việc xử lý đất đai còn nhiều tồn tại, nổi bật lên là vấn đề định giá tài sản DN trong quá trình CPH. Các lợi thế về đất đai của DN chưa được tính phù hợp vào giá trị DN. Việc không xác định được lợi thế đất đai, thương hiệu đã khiến giá trị của nhiều DN khi CPH giảm mạnh, nhất là các đơn vị có trụ sở, đất đai ở các thành phố, đô thị lớn. Từ khi có Nghị định 187/2004/NĐ-CP và 109/2007/NĐ-CP của Chính phủ, các lợi thế về đất đai được tính vào giá trị DN lại vượt xa giá trị trường, nên DN không còn mặn mà với việc lựa chọn hình thức giao đất, dẫn đến việc Nhà nước bị tổn thất khi tiến hành CPH.

Về vấn đề định giá đất, do chưa có tổ chức định giá đất chuyên nghiệp dẫn đến tình trạng chất lượng định giá thấp, không phản ánh đúng giá trị thực của thị trường, gây khó khăn cho cả Nhà nước lẫn DN khi thực hiện CPH.

Tại phiên thảo luận, các thành viên UBTVQH đều cho rằng, việc không phản ánh kịp thời sự biến động của giá đất trên thị trường đã gây khó khăn cho DN, đồng thời làm giảm vai trò điều tiết vĩ mô của Chính phủ đối với giá đất, hạn chế tính linh hoạt, chủ động của các địa phương khi thực hiện các chính sách về đất.

Để khắc phục tình trạng này, các thành viên UBTVQH kiến nghị cần thiết phải sửa đổi Điều 56 của Luật Đất đai năm 2003 theo hướng: Chính phủ không quy định khung giá đất mà giao cho UBND tỉnh quyết định và công bố công khai vào ngày 1/1 đầu năm để làm căn cứ tính giá đất khi giao đất và cho thuê đất. Đồng thời cũng cần rà soát lại những quy định về chính sách đất đai, coi đây là nguồn vốn, tài sản đặc biệt không thể tái tạo khi tính phương án CPH.

Về việc định giá DN, các thành viên UBTVQH cho rằng cần phải theo cơ chế thị trường, gắn kết chặt chẽ CPH với thị trường chứng khoán, có chính sách phù hợp về tính giá trị lợi thế kinh doanh (đất đai, vị trí đắc địa, thương hiệu, uy tín, tiềm lực tài chính…) vào giá trị DN. Các thành viên UBTVQH đề nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi Nghị định 109/2007/NĐ-CP nhằm tháo gỡ những khó khăn khi xác định giá trị lợi thế kinh doanh. Đồng thời, trong quá trình thực hiện, kiên quyết không để tiêu cực, thất thoát, làm giảm giá trị vốn Nhà nước, gây ảnh hưởng đến quá trình CPH.

Thực hiện bán cổ phần ưu đãi cho người lao động trong DN

Kết quả khảo sát ở các Tập đoàn, Tổng công ty và các DN CPH ở các địa phương cho thấy, việc xác định số cổ phần người lao động được mua và các chính sách đối với người lao động đã được thực hiện khá tốt, đảm bảo công khai, minh bạch. Tuy nhiên, một bộ phận người lao động đã bán lại quyền mua cổ phần ưu đãi đó cho các đối tượng đầu tư khác để hưởng chênh lệch và đa phần các DN sau khi CPH đều không nắm được chính xác tỷ lệ cổ phần của người lao động trong DN còn nắm giữ, dẫn đến tình trạng cổ phần của người lao động giảm, quyền lợi người lao động bị chuyển nhượng cho các đối tượng khác.

Để thực hiện tốt chủ trương khuyến khích DN CPH sử dụng nhiều lao động và người lao động được hưởng quyền lợi nhưng không rút cổ phần khỏi DN, Đoàn giám sát của UBTVQH kiến nghị Chính phủ nên tiếp tục thực hiện bán cổ phần ưu đãi cho người lao động nhưng theo mệnh giá, theo thời gian công tác; người lao động được hưởng mọi quyền lợi đối với cổ phần được cấp như hưởng cổ tức, dự đại hội cổ đông, bầu cử, ứng cử, đồng thời không được chuyển nhượng cổ phần, trừ trường hợp người lao động nghỉ hưu hoặc chuyển khỏi doanh nghiệp. Chính phủ cũng nên có những quy định để người lao động được mua tỷ lệ cổ phần nhất định trong tổng số vốn điều lệ của DN; cho phép người lao động mua trả chậm cổ phần; cho sử dụng quỹ khen thưởng phúc lợi còn lại của DN để thành lập Quỹ công đoàn. Công đoàn có thể sử dụng quỹ này để mua cổ phần theo quy định của Nhà nước, góp phần đảm bảo cơ cấu vốn hợp lý trong DN.

Tính đến ngày 30/6/2008, cả nước đã thực hiện sắp xếp được 5.041 doanh nghiệp (DN) và bộ phận DN, trong đó CPH 3.786 DN, giao 196 DN, bán 154 DN, khoán và cho thuê 30 DN… Quá trình CPH các DNNN đã thu về cho Nhà nước và các DN khoảng 78 nghìn tỷ đồng.

Nhìn chung, đa số DNNN sau CPH sản xuất, kinh doanh đã có hiệu quả, có lãi và đem lại lợi ích chung cho cả Nhà nước, nhà đầu tư và người lao động. Tính đến nay, trong tổng số 3.786 DN đã CPH thì tổng số vốn thực tế là 250 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước là 75 nghìn tỷ đồng (tăng 22 nghìn tỷ đồng).

chính phủ

Các tin tức khác

>   Bình Phước: Đầu tư xây dựng Nhà máy xi măng An Phú (21/08/2008)

>   CTCP Xi măng Hoàng Mai: Cấp Sổ chứng nhận sở hữu cổ phần và xác nhận chuyển nhượng cổ phần (21/08/2008)

>   Ngân hàng phát hành thêm cổ phiếu mới: Không dễ! (21/08/2008)

>   Nâng tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tại các NHTM: Mừng hay lo ? (21/08/2008)

>   Một tàu hàng của Công ty cổ phần vận tải biển Vinashin bị chìm (21/08/2008)

>   CTCP Chứng khoán Standard nộp hồ sơ đăng ký thành viên giao dịch tại TTGDCKHN (20/08/2008)

>   Cấp GCN đăng ký chào bán CP ra công chúng cho CTCP XD & SX vật liệu xây dựng (20/08/2008)

>   UBCKNN chấp thuận về nguyên tắc việc đăng ký chào bán cổ phiếu và Trái phiếu chuyển đổi ra công chúng của CTCP Vải sợi May mặc Miền Bắc (20/08/2008)

>   Cổ phần hóa: Chất lượng vẫn là ưu tiên hàng đầu (20/08/2008)

>   Nông dân là cổ đông, tại sao không? (20/08/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật