Nông dân là cổ đông, tại sao không?
Xây dựng mô hình công ty cổ phần với điều kiện trong thành phần sáng lập có hộ nông dân là cổ đông góp vốn là đề xuất của TS Bùi Quang Tuấn nhằm tạo cơ hội phát triển cho hai phía: doanh nghiệp và người nông dân.
Lợi cả hai phía
Theo Ban Chỉ đạo sắp xếp, đổi mới nông lâm trường quốc doanh Trung ương thì đến năm 2008, trong lĩnh vực nông nghiệp các DNNN hoạt động chế biến, kinh doanh dịch vụ, xây dựng, cơ điện và tư vấn chuyên ngành sẽ cơ bản được cổ phần hoá xong và chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Tuy nhiều DN trong lĩnh vực này thời gian đầu sau cổ phần hoá hoạt động có hiệu quả do tác động của chính sách ưu đãi, nhưng theo TS Đinh Quang Tuấn, Ban Chỉ đạo sắp xếp, đổi mới nông lâm trường quốc doanh Trung ương: “khi hết thời gian được hưởng ưu đãi, thuận lợi giảm dần, một số doanh nghiệp đã gặp khó khăn do không chủ động được về nguyên liệu, chưa xây dựng được vùng nguyên liệu phù hợp”. Hệ quả là tình trạng sản xuất kinh doanh không ổn định, bấp bênh, chất lượng và thương hiệu sản phẩm hàng hoá chưa có điều kiện để đầu tư thoả đáng.
Thực tế, những năm qua đã có một số doanh nghiệp bị phá sản vì không khắc phục được khó khăn do thiếu nguyên liệu, kể cả doanh nghiệp đã chuyển đối sở hữu cũng có trường hợp lâm vào tình trạng thiếu nguyên liệu này. Bài học rút ra từ chương trình mía đường, rau quả, nông lâm sản (cao su, cà phê, giấy, gỗ…) theo ông Tuấn đã khẳng định - doanh nghiệp nào chủ động được khâu nguyên liệu thì doanh nghiệp đó sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất khẩu ổn định và phát triển. Doanh nghiệp nào không chủ động được thì nguy cơ kinh doanh thua lỗ, thậm chí phá sản hoàn toàn có thể xảy ra.
Đề xuất TS Tuấn đưa ra nhận được nhiều chia sẻ từ phía các chuyên gia, lãnh đạo Hiệp hội DN giúp DN chế biến chủ động được khâu nguyên liệu là có thể nghiên cứu, thí điểm xây dựng mô hình công ty cổ phần với điều kiện trong thành phần cổ đông sáng lập có hộ nông dân là cổ đông góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất. Theo TS Tuấn, nếu thực hiện thành công mô hình này thì các doanh nghiệp chế biến (đường, rau quả, chè, cà phê, tiêu, điều, thuỷ sản, gỗ, giấy…) sẽ có điều kiện xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định, vững chức, gắn bó chặt chẽ với nông dân, hỗ trợ nông dân làm giàu và góp phần xây dựng nông thôn phát triển.
Bốn “nút thắt cổ chai”
Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề VN, ông Vũ Quốc Tuấn thì nhấn mạnh việc cần thiết phải phát triển thêm thật nhiều doanh nghiệp ở nông thôn. Theo ông, thị trường nông thôn đang rất cần thêm nhiều doanh nghiệp, coi đây là giải pháp chủ yếu để xây dựng nông thôn mới.
Ông Vũ Quốc Tuấn cũng chỉ ra bốn “nút thắt cổ chai” đang hạn chế việc đầu tư vào nông thôn trong tình hình hiện nay: kết cầu hạ tầng; nhu cầu về mặt bằng cho sản xuất, kinh doanh; tăng chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường chức năng quản lý của Nhà nước, nhất là cải cách thủ tục hành chính.
Trong đó, theo ông Tuấn, đặc biệt đối với các doanh nghiệp làng nghề, yêu cầu cấp bách nhất hiện nay là có đất đai làm mặt bằng sản xuất kinh doanh phù hợp với yêu cầu duy trì và mở rộng sản xuất. Khảo sát của Hiệp hội Làng nghề VN cho thấy, phần lớn diện tích đất đai ở vị trí thuận lợi đã được giao cho các dự án, lập các khu, cụm công nghiệp, giá đất đã cao, chi phí san lấp, xây dựng kết cấu hạ tầng rất lớn cho nên các DN làng nghề - chủ yếu là DN nhỏ và vừa không thể thuê lại mặt bằng.
Vì vậy, để giải quyết mặt bằng cho các DN hiện nay, theo Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề VN, cần có chính sách trợ giúp về sử dụng kết cấu hạ tầng cho DN. Hoặc Nhà nước đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp cho làng nghề, trợ giúp và giảm nhẹ giá thuê để DN có thể thuê đất với giá thấp nhất.
tổ quốc
|