Đoạn trường OTC
Thị trường giao dịch cổ phiếu chưa niêm yết đang diễn ra hết sức lộn xộn. Việc mua - bán cổ phiếu không chỉ lộn xộn giữa các môi giới tự do, mà còn ở chính các tổ chức phát hành trong việc mua lại cổ phiếu của công ty mình.
Nghe tin tại ĐHCĐ Công ty cổ phần Đầu tư phát triển quốc gia I.D.I, Chủ tịch HĐQT Công ty tuyến bố: nếu cổ đông nào muốn bán lại cổ phiếu với giá bằng mệnh giá thì Công ty Sao Mai (Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng Sao Mai - An Giang), công ty mẹ góp vốn sáng lập I.D.I sẽ mua lại, chị M cùng một người bạn đã đem cổ phiếu đến để bán. Nhưng mấy tuần sau, hai nhà đầu tư này phải đến lấy lại sổ cổ đông.
"Tôi đã gọi điện cho Chủ tịch HĐQT Sao Mai đồng thời là Chủ tịch HĐQT I.D.I, ông này đồng ý mua lại cổ phiếu của tôi. Trước khi đi công tác nước ngoài, ông nói, nhân viên ở nhà sẽ chuyển tiền thanh toán. Nhưng khi tôi liên hệ với bộ phận kế toán thì không thể chuyển tiền. Đầu tháng 8, tôi phải đến lấy lại sổ cổ đông đã gửi tại Công ty", chị M kể lại.
Một nhà đầu tư khác (xin giấu tên) cho biết, khi chị này gọi điện cho ông Chủ tịch HĐQT Sao Mai đề nghị bán lại cổ phiếu I.D.I thì ông Chủ tịch cho biết, sẽ mua cổ phiếu theo giá thỏa thuận. Nhà đầu tư muốn bán cổ phiếu có thể liên hệ với anh V tại Văn phòng Công ty I.D.I TP. HCM. Nhưng khi nhà đầu tư này gặp anh V thì anh cho hay, không hề biết gì về chủ trương mua lại cổ phiếu của Công ty. Nếu nhà đầu tư muốn bán cổ phiếu I.D.I thì gửi sổ cổ đông lại Công ty để anh bán giúp. Như vậy, anh này có thể môi giới để bán cổ phiếu cho cổ đông khác có nhu cầu mua.
Trường hợp một công ty khác trong ngành thủy sản thì một số cổ đông quen biết có thể bán lại cổ phiếu cho công ty với giá thỏa thuận. Dựa trên mức giá đó, những cổ đông này mua thêm cổ phiếu của cổ đông khác với giá rẻ hơn để bán lại cho công ty ăn chênh lệch giá.
Theo phản ánh của nhà đầu tư, việc mua lại cổ phiếu của doanh nghiệp chưa niêm yết thường là chủ trương miệng, chứ không có văn bản chính thức. Khi làm thủ tục chuyển nhượng, nhà đầu tư không rõ là bán cho công ty hay cá nhân?
Với tình trạng nhập nhèm này, rất có thể những người nắm rõ chiến lược, triển vọng lợi nhuận kinh doanh của công ty sẽ đứng ra mua lại cổ phiếu kiếm lời.
Một điểm đáng lưu ý rằng, năm ngoái, tranh thủ lúc thị trường chứng khoán bùng nổ, một số người đã lấy bớt dự án từ công ty mẹ, chuyển ra ngoài lập các công ty con. Cá nhân một số thành viên ban lãnh đạo công ty mẹ cũng được quyền góp vốn. Sau đó, họ bán một phần cổ phiếu ra thị trường với giá gấp hai, ba lần mệnh giá để lấy tiền góp vốn.
Trên thị trường mua - bán cổ phiếu OTC nói chung có sự tham gia rất lớn của các môi giới tự do. Mỗi khi có thông tin tốt của doanh nghiệp hay thị trường niêm yết tăng giá, các môi giới tự do góp phần vào việc đẩy giá trên thị trường. Một lý do khiến nhiều nhà đầu tư ngại chơi cổ phiếu OTC là thiếu tin tưởng vào các môi giới ngoài thị trường. Một số môi giới có hẳn "chân tay" chuyên đăng tin rao mua, rao bán khống trên các trang thông tin điện tử. Khi khách hàng liên hệ hỏi giao dịch, thì các môi giới mới hỏi rõ nhu cầu và tìm nguồn hàng đáp ứng. Nói chung, các môi giới có rất nhiều chiêu thức khác nhau. Nhưng không thể phủ nhận rằng, các môi giới tự do đã đáp ứng nhu cầu cần thiết để một số cổ phiếu OTC thanh khoản tốt hơn trên thị trường.
Thực trạng giao dịch cổ phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết nói trên cho thấy, việc ra đời thị trường OTC chính thức tại sàn Hà Nội là rất cấp thiết.
đtck
|