Nâng tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tại các NHTM: Mừng hay lo ?
Sau trào lưu đối tác chiến lược thì việc bán bớt dần phần vốn "nội" tại các NHTM cho các đối tác ngoại lại đang trở thành một xu hướng được các ngân hàng chọn lựa.
Trong khi các mã chứng khoán tại 2 sàn HoSE và HaSTC đang phải đối mặt với tình trạng bán ra khối lượng lớn của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là nhà đầu tư có tổ chức thì cổ phiếu của các ngân hàng thương mại, trọng điểm là những ngân hàng trên OTC lại đang dành được sự quan tâm đặc biệt của khối nhà đầu tư này.
Tăng phần ngoại
Cuối tháng 4/2008, Standard and Chartered đã nâng tổng số vốn đầu tư vào Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) từ 8,84% cổ phần và 8,76% trái phiếu chuyển đổi lên lần lượt là 15% và 15,86%. Như vậy, Standard Chartered đã sở hữu tỷ lệ tối đa của một nhà đầu tư ngoại khi đầu tư vào các ngân hàng Việt Nam. Tiếp đó, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeaBank) cũng đã được Ngân hàng nhà nước cho phép bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược là Ngân hàng Societe Genorale S.A với mức 15% vốn điều lệ. Gần đây nhất, HSBC đã trở thành tổ chức nước ngoài đầu tiên được cho phép nâng tỷ lệ sở hữu tại Techcombank lên mức 20% vốn điều lệ sau khi đã lần lượt tiếp cận mức 10% vào tháng 12/2005 và 15% vào tháng 7/2007. Ngoài ra, VPBank cũng có kế hoạch trình Thủ tướng Chính phủ cho bán thêm 5% vốn điều lệ cho tập đoàn tài chính lớn thứ 3 Singapore OCBC, nâng tỷ lệ sở hữu từ 15% lên 20%.
Nhìn từ nhiều phía
Một số nhà quản lý cho rằng vấn đề tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng là nhạy cảm, song đây sẽ là nhu cầu thực sự nhằm hỗ trợ và thúc đẩy hệ thống NHTM và TTCK Việt Nam phát triển bền vững nếu phân tích rõ bản chất của vấn đề.
Đối với bản thân các ngân hàng TMCP trong nước, họ đều mong muốn có từ hai đến ba nhà đầu tư nước ngoài trong danh sách cổ đông của mình nhằm nhận được những hỗ trợ nhất định cho hoạt động của ngân hàng mình.
Nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không chỉ làm tăng tỷ lệ huy động vốn của nhóm đối tượng này vào lĩnh vực ngân hàng, tăng cung cho TTCK mà còn tăng quy mô các quỹ nước ngoài vào thị trường tiền tệ và thị trường vốn. Điều này đồng nghĩa với việc tăng tỷ lệ nắm giữ của các nhà đầu tư tổ chức trong một ngân hàng, làm cải thiện đáng kể tính tổ chức và tính ổn định trong cơ cấu cổ đông. Sự hiện diện "rõ ràng" hơn của các đối tác chiến lược nước ngoài thể hiện qua tỷ lệ cổ phần nắm giữ sẽ thu hút sự chú ý của cộng đồng kinh doanh-đầu tư mà dấu hiệu rõ nét là những biến động giá cũng như tính thanh khoản của cổ phiếu ngân hàng trên thị trường chứng khoán thời gian gần đây được cải thiện đáng kể.
Với nguồn lực tài chính mạnh, trình độ quản lý, thị trường tiêu thụ cũng như danh tiếng quốc tế, không thể phủ nhận những lợi ích mà nhà đầu tư nước ngoài mang tới khi có mối liên hệ "mật thiết" hơn với các NHTM trong nước. Khi tỷ lệ sở hữu của các tổ chức trong nước và nước ngoài tăng lên thì quản trị doanh nghiệp sẽ được cải thiện đáng kể, đồng thời những tổ chức này sẽ đóng vai trò nòng cốt trong các chương trình huy động vốn của ngân hàng, nhất là sẽ cải thiện đáng kể phương thức phát hành hiện nay và gia tăng phương thức phát hành riêng lẻ để tạo thặng dư vốn nhiều cho ngân hàng.
Khi "đổ bộ" vào bất kỳ một DN Việt Nam nào thì đối tác nước ngoài hẳn nhiên đặt kỳ vọng vào hiệu quả kinh doanh cao với khoản đầu tư của họ. Để đảm bảo, sự chia sẻ về kinh nghiệm quản lý, điều hành, mở rộng thị trường và các quan hệ kinh doanh luôn sẵn sàng được chia sẻ, đặc biệt với các đối tác hoạt động cùng ngành.
Thế nhưng, cũng chính vì những lợi ích kỳ vọng mang lại khi tăng tỷ lệ đầu tư tại các NHTM Việt Nam mà nhà đầu tư nước ngoài luôn đòi hỏi có sự can thiệp sâu hơn vào bộ máy quản lý điều hành thông qua số lượng người của họ tại Hội đồng Quản trị hoặc Ban điều hành. Điều này có thể khiến các nhà quản lý đứng trước nguy cơ mất quyền điều hành, hay trầm trọng hơn là nguy cơ "bị thôn tính" nếu không tỉnh táo và khôn ngoan.
Các tổ chức và cá nhân đầu tư nước ngoài khi đặt kế hoạch đầu tư vào Việt Nam đều mong muốn trong danh mục đầu tư của mình có các cổ phiếu ngân hàng. Thế nhưng ngân hàng lại là hệ thống huyết mạch của nền kinh tế, nên một sự tổn hại dù nhỏ trong mối quan hệ "hợp tác" này cũng có thể gây xáo trộn đáng kể toàn hệ thống. Vì vậy, để có được một mối quan hệ bền vững, cả phía các ngân hàng Việt Nam và nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đều phải tìm hiều kĩ về đối tác của mình, xác định rõ những bước đi trong dài hạn ngay từ trước lúc sắp đặt các mối quan hệ hợp tác chiến lược cũng như những lúc quyết định nâng tỷ lệ nắm giữ của phía nước ngoài, chú trọng tới tính khả thi và mức độ đóng góp của các bên ngoài phần vốn bằng tiền mặt.
dddn
|