Thứ Tư, 20/08/2008 11:10

Cổ phần hóa: Chất lượng vẫn là ưu tiên hàng đầu

Khẳng định trọng tâm của công tác cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước hiện nay là chất lượng và hiệu quả, ông Nguyễn Trọng Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Đổi mới Doanh nghiệp cũng cho rằng không nên lo ngại về số lượng.

Thống kê của Vụ Đổi mới Doanh nghiệp cho thấy, đến thời điểm này, mới có 10 tổng công ty nhà nước được Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong khi kế hoạch cho năm nay là 400 doanh nghiệp, trong đó có 45 tập đoàn và tổng công ty.

Lý giải về sự chậm trễ này, ông Dũng cho biết các tập đoàn và tổng công ty trong diện cổ phần hóa đều là những doanh nghiệp có quy mô lớn, mô hình tổ chức hoạt động phức tạp hơn doanh nghiệp khác. Nhiều doanh nghiệp đã hoãn kế hoạch cổ phần hóa và phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) để tránh rủi ro khi thị trường chứng khoán liên tục sụt giảm, lạm phát và lãi suất ngân hàng tăng cao.

Bên cạnh đó, phương thức cổ phần hóa có nhiều điểm chưa phù hợp với tình hình thực tế, nhất là các quy định về trình tự cách thức tiến hành và giá bán cổ phần. Việc áp dụng chung một mức giá bán cổ phần cho cả nhà đầu tư nhỏ lẻ và nhà đầu tư chiến lược đã không khuyến khích sự tham gia của nhà đầu tư lớn, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài có năng lực tài chính, quản lý, công nghệ và thị trường.

Trên thực tế, ngoài Tập đoàn Dệt may Việt Nam chính thức xin lùi thời hạn cổ phần hóa sang năm 2009, mới đây, nhiều doanh nghiệp lớn khác như Ngân hàng Công thương Việt Nam, VMS Mobifone, Vinaphone, Tổng Công ty hàng không Việt Nam cũng để ngỏ khả năng dời việc hoàn tất cổ phần hóa sang năm 2009.

Dù vậy, cổ phần hóa tiếp tục cần được đẩy mạnh vì đây là biện pháp quan trọng giúp doanh nghiệp đổi mới, nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả hoạt động. Hơn nữa, giới đầu tư nước ngoài vẫn đánh giá cao thị trường và doanh nghiệp Việt Nam, do đó, “phải cổ phần hóa để thu hút vốn đầu tư của họ”, ông Dũng nhấn mạnh.

Theo kết quả điều tra mới đây tại 1.600 doanh nghiệp đã cổ phần hóa được một năm trở lên, bình quân vốn điều lệ tăng 58,6% so với thời điểm trước khi cổ phần hóa, doanh thu tăng trên 48%, lợi nhuận tăng 331% và thu nhập của người lao động tăng gần 52%.

Hiện nay, Ban chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp đang đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương thức cổ phần hóa mới nhằm đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo chất lượng công tác này.

Theo đó, các doanh nghiệp sẽ tiến hành lựa chọn các cổ đông chiến lược trước, trong đó có việc xác định tỉ lệ và giá bán cổ phần cho cổ đông chiến lược, bán cho người lao động trong doanh nghiệp theo quy định hiện hành, chuyển doanh nghiệp thành công ty cổ phần, khi điều kiện thị trường thuận lợi mới tiến hành IPO; giao cho các cơ quan chức năng nghiên cứu, xem xét lại việc tính giá trị lợi thế vị trí địa lý vào giá trị doanh nghiệp, tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong một số lĩnh vực và sửa đổi một số chính sách khác liên quan đến cổ phần hóa nhằm tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

ttxvn

Các tin tức khác

>   Nông dân là cổ đông, tại sao không? (20/08/2008)

>   Serrano: Nhận hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu (19/08/2008)

>   Hoa sen Group: Nhận hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu (19/08/2008)

>   Vietjet Airlines cắt giảm nhân sự hàng loạt (19/08/2008)

>   Không có việc nâng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng Việt Nam (19/08/2008)

>   Bán cổ phần cho đối tác nước ngoài: Đích ngắm 20% (19/08/2008)

>   Sử dụng thông tin trong báo cáo tài chính (19/08/2008)

>   Mô hình nào cho Hội đồng quản trị? (19/08/2008)

>   Đoạn trường OTC (19/08/2008)

>   Hết "nạc", vạc… OTC (19/08/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật