Mua-bán DN: Những nguy cơ được báo trước!
Thị trường chứng khoán bùng nổ rồi lại sụt giảm như giai đoạn hiện nay khiến thị trường mua bán, sáp nhập DN (M&A) đang có nhiều dấu hiệu "nóng". Tuy nhiên, nguy cơ tạo ra những DN thâu tóm thị phần trên thị trường và tạo ra những đối trọng cạnh tranh không bình đẳng đang là một cảnh báo đối với hoạt động này.
Ông Trần Duy Hưng - GĐ Cty First Asia Ltd, Cty chuyên tư vấn mua bán, sáp nhập DN cho biết xu hướng mua bán, sáp nhập ở Việt Nam có chiều hướng gia tăng vì nhiều lý do. Thứ nhất, xuất hiện ngày càng nhiều nhu cầu bán và nhu cầu mua DN. Thứ hai, hình thức đầu tư chéo giữa các DN cũng ngày càng phổ biến dưới phương thức "đối tác chiến lược" mà thực chất chính là một dạng của tập trung kinh tế. Và cuối cùng, xu hướng hình thành các tập đoàn kinh doanh đa ngành, đa nghề cũng là một tiền đề để các hoạt động M&A diễn ra thuận lợi hơn.
Chờ... khung pháp lý
Tuy nhiên theo ông Hưng, mặc dù thị trường có xu hướng phát triển nhưng khung pháp lý cho vấn đề này lại còn nhiều bất cập. Khung pháp lý của Việt Nam hiện chưa thuận lợi nhưng DN vẫn có thể lách được, điều này khiến cho nhiều DN mua gặp rất nhiều rắc rối. Ví dụ một DN khi mua DN khác thì họ hoàn toàn phải có trách nhiệm nghĩa vụ trước pháp luật, nhưng ở nước ngoài khi mua một DN, DN mua sẽ đuợc khoanh vùng trách nhiệm, toàn bộ những khoản nợ có thể đàm phán, còn những rắc rối về pháp lý sẽ không chịu trách nhiệm. Thế nhưng ở Việt Nam, tất cả những rắc rối về pháp lý DN mua hầu như phải chịu trách nhiệm. Một vấn đề nữa là sau khi sáp nhập các DN cần phải kết hợp về nhân lực, vốn, tài sản máy móc... thế nhưng không phải là DN nào cũng thực hiện tốt vấn đề này khiến cho hiệu quả của M&A không được như mong muốn. Theo ông Hưng, vấn đề quan trọng nhất là trước khi mua bán, các bên cần phải đo "sức khoẻ' của mình cũng như phải đặt ra câu hỏi tại sao tôi lại phải mua DN này? Và tại sao tôi lại phải bán DN của mình?...
Tuy nhiên, ông Hưng cũng cảnh báo, việc mua bán DN không hẳn là một phương pháp huy động vốn tốt, đây là một trong nhiều giải pháp cho DN, bởi vì DN đang hoạt động tốt hay khó khăn đều có thể mua,bán. Thông thường M&A giống như mua,bán cổ phiếu, bán cũng khó nếu thị trường khó khăn, do vậy trong bối cảnh hiện nay việc bán rất khó, khi bán các DN phải có sự tư vấn của các Cty tư vấn M&A và phải biết chọn đúng thời điểm.
Doanh nghiệp còn mơ hồ về M&B
Theo đánh giá của các chuyên gia, do nền tảng thực tiễn và pháp lý của thị trường này còn mới ở VN nên tỉ lệ thành công trong các giao dịch mua bán DN còn thấp. Bên bán và bên mua đều không nắm rõ qui trình các bước phải thực hiện ra sao. Bên bán không biết phải bán cho ai, vào lúc nào; bên mua có tâm lý sợ sai lầm trong quyết định mua... Đa số các DNVN nhất là các DNNVV khi thực hiện các thuơng vụ M&A đều không biết rằng hoạt động mua bán, sáp nhập DN mà họ đang có ý định tiến hành lại thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật cạnh tranh!
Theo quy định của Luật Cạnh tranh, DN sau khi tập trung kinh tế có thị phần từ 30-50% thì phải thông báo cho Cục Quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành hợp tác; trường hợp nắm trên 50% thị phần sẽ bị cấm tập trung kinh tế, ngoại trừ trường hợp có tác dụng mở rộng xuất khẩu hoặc góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ kỹ thuật công nghệ. Mức phạt đối với DN không thực hiện nghĩa vụ thông báo là phạt tiền 1-3% tổng doanh thu năm liền trước đó. Theo Cục Quản lý cạnh tranh (CQLCT) - Bộ Công thương thì việc tự DN chủ động trong báo cáo với CQLCT cũng chỉ nhằm mục tiêu giảm thiểu các thủ tục hành chính không cần thiết và tiết kiệm nguồn kinh phí không đáng có cho DN và hoàn toàn phù hợp với cách tiếp cận của các nước trên thế giới.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều quan trọng là phải kiểm soát được các giao dịch M&A theo đúng pháp luật, vì nếu không hậu quả mà nó mang lại rất lớn cho nền kinh tế. Việc kiểm soát các "giao dịch đen" sẽ tránh đuợc các DN có ý định thâu tóm thị trường và cạnh tranh không lành mạnh.
Ông Phan Xuân Cần - TGĐ điều hành Cty Đầu tư Tài chính Việt Nam: “Cơ hội vàng cho M&A”
Có thể nói, không lúc nào tốt bằng lúc này để thực hiện các thương vụ mua bán và sáp nhập. Là cơ hội vàng để các DN lựa chọn đối tác, bởi lúc này, giá trị thực của các DN mới thể hiện rõ nhất trên bàn cân thị trường vì họ cần phải tìm đối tác để phát triển bền vững. Điều này thể hiện rất rõ qua sàn giao dịch www.muabancongty.com của Cty Tiger Invest (Cty Đầu tư Tài chính Việt Nam). Mỗi ngày có hàng chục DN đăng kí được mua bán, sáp nhập. Qua cơn bão thị trường lần này có thể nhận thấy rõ một điều, ngành nào "hot" nhất chính là ngành bị tác động nhiều nhất như tài chính, chứng khoán, BĐS. Trong tương lai không xa, chúng ta sẽ thấy sự sáp nhập của các ngân hàng trên thị trường. Bởi nhìn vào thực tế cạnh tranh, sự hợp tác để cùng nhau phát triển bền vững là một hướng đi khôn ngoan và cần thiết. Ở các nước có nền kinh tế phát triển, hoạt động mua bán sáp nhập diễn ra thường xuyên và rất phát triển. Điều này sẽ mang lại rất nhiều lợi thế cho DN như cắt giảm được chi phí, mở rộng thị trường, phát triển được thương hiệu, phát triển được ngành mới, dòng sản phẩm, dịch vụ mới... Cái lợi do hoạt động sáp nhập này có thể hiện hữu rất cụ thể bằng tiền mặt nhưng cũng có thể là những giá trị vô hình như uy tín, chất lượng… Thị trường sáp nhập ở nước ta vẫn còn tương đối mới mẻ nên cần phải có những Cty tư vấn kịp thời, giúp DN có thêm thông tin về đối tác cũng như hoàn thiện hồ sơ để chào hàng.
DDDN
|