Nhà nước có nguy cơ mất trắng cả ngàn tỉ đồng
Những sai phạm trong quá trình cổ phần hoá tại Cty cổ phần thương mại lâm sản Hà Nội (VinaFor HN), khiến cho Nhà nước có nguy cơ thất thoát số tiền rất lớn.
Vụ việc cho đến giờ không những chưa được xử lý, mà còn ngày càng xấu đi bởi những thủ đoạn mới của những người có ý định chuyển toàn bộ tài sản nhà nước vào túi cá nhân.
Món lời cả ngàn tỉ đồng
Các số báo trước chúng tôi đã nêu, vào năm 2004 khi tiến hành cổ phần hoá VinaFor HN, người ta đã không tính giá trị đất và lợi thế thương mại vào giá trị DN. Chính vì thế, toàn bộ tài sản của VinaFor HN toạ lạc trên diện tích đất 1.795,79m2 đã có sổ đỏ tại ngã tư Hoà Mã - Ngô Thì Nhậm với chiều dài 2 mặt phố tới hơn 80m và 3 xí nghiệp có diện tích đất vài ngàn mét vuông tại thủ đô Hà Nội và TPHCM chỉ có vài chục tỉ đồng.
Điều đáng nói hơn nữa là khi quyết định phương án cổ phần, người ta đã đưa ra mức vốn điều lệ của cả Cty là 3 tỉ đồng, trong đó Nhà nước nắm 30% vốn điều lệ (tương đương 900 triệu).
Đây là một phương án cổ phần hết sức tồi tệ bởi lẽ với cách tính như vậy, bất kể người có lòng tham nào cũng có thể nhìn thấy rằng nếu loại được phần vốn góp của Nhà nước với 900 triệu đồng ra khỏi Cty thì chẳng cần phải kinh doanh gì, những cá nhân nắm giữ Cty cũng sẽ thu được món lời cả ngàn tỉ từ giá trị của các mảnh đất này (nếu tính theo giá thị trường thì riêng giá trị của mảnh đất 1.795,79m2 tại ngã tư Hoà Mã - Ngô Thì Nhậm đã có giá khoảng 500 tỉ đồng).
Chính vì lẽ đó, một số cá nhân lãnh đạo Cty này đã sử dụng mọi chiêu bài để xoá sổ vốn nhà nước, hòng chiếm đoạt toàn bộ Cty này.
Chiêu bài đầu tiên mà người ta đưa ra, đó là phát hành trái phiếu chuyển đổi với số tiền 5 tỉ đồng cho những người thân thuộc ban GĐ Cty (số trái phiếu này được quy định là thành cổ phiếu theo tỉ lệ 1/1 sau tối đa 2 năm, thời điểm phát hành là tháng 3.2007) với mục đích nâng tỉ lệ vốn tư nhân, giảm tỉ lệ vốn nhà nước trong Cty cổ phần để dễ bề lũng đoạn Cty.
Tiếp đến, chiêu bài thứ hai là hạch toán số công nợ của các cá nhân trong Cty biến thành công nợ khó đòi và hạch toán lỗ để nhằm xoá sổ phần vốn nhà nước. Việc hạch toán lỗ này được thể hiện bằng việc cố tình làm trái với biên bản kiểm tra của Cục Thuế Hà Nội về quyết toán thuế năm 2004. Tại biên bản này, đoàn thanh tra của Cục Thuế đã khẳng định, năm 2004 Cty kinh doanh có lãi với số dư nhất định.
Thế nhưng ngày 6.9.2007, Giám đốc Cty có công văn gửi tới các cơ quan chức năng, đề nghị hạch toán vào kết quả sản xuất kinh doanh năm 2004 với số lỗ trên 2,3 tỉ đồng, bao gồm các khoản tăng lãi vay ngân hàng năm 2004 và tăng số chênh lệch tỉ giá ngoại tệ.
Trên thực tế, số lãi vay ngân hàng và chênh lệch tỉ giá ngoại tệ nêu trên là gắn với công nợ của một số cá nhân nhận khoán và tiếp tục phải có trách nhiệm nhận và trả nợ cho Nhà nước. Tuy nhiên, nếu quyết toán vốn nhà nước lần 2 theo đề nghị này của ông Phạm Mạnh Thắng - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Cty - thì Nhà nước chắc chắn sẽ hết vốn.
Nhưng Tổng cục Thuế ngày 17.1.2008 đã có công văn yêu cầu "các khoản chi phí này không được xử lý lại, không được hạch toán bổ sung vào chi phí năm 2004" và "yêu cầu Cty thực hiện theo kết luận tại biên bản kiểm tra quyết toán thuế của Cục Thuế Hà Nội".
Vi phạm các quy định của pháp luật
Như phần trên chúng tôi đã nói, lãnh đạo VinaFor HN tự ý phát hành trái phiếu chuyển đổi cho các cá nhân nhằm mục đích tiến tới xoá sổ phần vốn của Nhà nước. Việc làm này đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật, mà cụ thể là điểm 2; Điều 88 Luật Doanh nghiệp năm 2005, vì cho đến thời điểm phát hành trái phiếu (tháng 3.2007), VinaFor HN còn công nợ xấu gần 12 tỉ; số nợ này đều phát sinh từ những năm 2000 và 2001 của Công ty thương mại lâm sản HN (nay là Công ty cổ phần thương mại lâm sản Hà Nội), khi tiến hành cổ phần hoá VinaFor HN phải kế thừa và đã nhận nợ, việc này cho thấy đây là khoản nợ xấu, đã phát sinh trên 3 năm và đơn vị chưa có khả năng chi trả, vì vậy chưa được phép phát hành trái phiếu chuyển đổi.
Hơn thế nữa, tại thời điểm phát hành trái phiếu chuyển đổi, VinaFor HN chưa tiến hành quyết toán vốn lần 2 để chuyển sang hoạt động hoàn toàn theo hình thức công ty cổ phần, vì lẽ đó càng không được phép phát hành trái phiếu.
Ngoài ra, việc phát hành trái phiếu chuyển đổi này còn vi phạm quyền lợi của cổ đông - được quy định tại Điều 79 Luật DN 2005 và Nghị định 52/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định về phát hành trái phiếu của DN.
Với hàng loạt những sai phạm trên tại VinaFor HN, thế nhưng Bộ NNPTNT - là cơ quan chủ quản - vẫn không hề có những biện pháp thực sự quyết liệt để bảo vệ tài sản của Nhà nước có giá trị cả ngàn tỉ đồng đang có nguy cơ mất trắng.
lđ
|