Ban kiểm soát: Vật trang trí... tốn kém
Vai trò của Ban kiểm soát (BKS) trong CTCP được thể hiện rất rõ ràng trong Luật Doanh nghiệp, cụ thể là BKS thực hiện giám sát HĐQT, giám đốc hoặc tổng giám đốc trong việc quản lý và điều hành công ty; chịu trách nhiệm trước ĐHCĐ trong thực hiện các nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên trên thực tế, hoạt động của BKS tại hầu hết CTCP mang nặng tính hình thức và không ngăn chặn được tình trạng lạm quyền của HĐQT cũng như ban điều hành.
Vụ việc ôm tiền công ty đi đầu tư tài chính tại CTCP Mía đường La Ngà, cũng như trường hợp bà tổng giám đốc CTCP XNK thủy sản Hà Nội (Seaprodex HN) ra quyết định đầu tư hơn 16 tỷ đồng mua cổ phiếu ngân hàng VPBank trên thị trường OTC đang đặt ra câu hỏi: vai trò của BKS ở đâu?
Trong Điều lệ của Seaprodex HN có ghi rõ: "Nhiệm vụ quyền hạn của BKS là thẩm định báo cáo tài chính hàng năm và 6 tháng của Công ty, kiểm tra từng vấn đề cụ thể liên quan tới công tác quản lý điều hành hoạt động của Công ty, khi xét thấy cần thiết hoặc theo nghị quyết của ĐHCĐ. Kiến nghị HĐQT các biện pháp bổ sung, sửa đổi, cải tiến cơ cấu tổ chức quản lý, điều hành hoạt động sản xuất - kinh doanh của Công ty". Với quyền hạn lớn như vậy, BKS phải nắm bắt rõ nội tình về trường hợp đầu tư tài chính nói trên, song theo phản ánh của cổ đông tại cuộc họp ĐHCĐ 2007, đại diện BKS hầu như không cung cấp được thông tin gì khi cổ đông chất vấn.
Một thực tế tại Seprodex HN cũng như nhiều CTCP khác khiến cho hoạt động của BKS kém hiệu quả là thành viên của ban này chỉ kiêm nhiệm chứ không phải chuyên trách. Đơn cử như ông trưởng ban kiểm soát Seaprodex HN làm việc tại Tổng công ty XNK thủy sản Việt Nam tại TP. HCM, vì thế cổ đông cho rằng, công việc của ông có thể chỉ mang tính chất cưỡi ngựa xem hoa!?
Tham dự cuộc họp ĐHCĐ của một loạt doanh nghiệp, từ đơn vị có quy mô vốn điều lệ gần nghìn tỷ đồng đến những doanh nghiệp cỡ trăm tỷ, người viết bài này chưa thấy BKS của công ty nào có ý kiến đóng góp xác đáng khiến cổ đông quan tâm, chú ý và tán thành ủng hộ. Thay vào đó, hình thức phổ biến nhất là vị trưởng BKS đứng lên đọc báo cáo dài vài trang rồi yên lặng nếu cổ đông không có ý kiến gì.
Tại các doanh nghiệp mà tỷ lệ sở hữu của cổ đông Nhà nước chiếm đa số, phương thức đề cử và bầu thành viên BKS khiến cho nhiều cổ đông nhỏ bức xúc. Tại ĐHCĐ của Vietcombank, bản dự thảo điều lệ đưa ra để cổ đông cho ý kiến và thông qua, đến phần quy định về BKS được bê nguyên xi từ Luật Doanh nghiệp. Theo đó, cổ đông hoặc nhóm cổ đông nắm giữ từ 10% số cổ phần có quyền biểu quyết trong thời hạn liên tục ít nhất 6 tháng được đề cử một thành viên; từ trên 10% đến dưới 30% được đề cử hai thành viên, từ 30% đến 50% được đề cử ba thành viên; từ 50% đến dưới 65% được đề cử 4 thành viên và nếu từ 65% trở lên được đề cử đủ số ứng viên theo điều lệ. Có cổ đông đã gay gắt phản đối việc sao y bản chính từ luật ra với lý lẽ, VCB là ngân hàng lớn, quy định như vậy là không công bằng vì cổ đông nhỏ không có cơ hội bầu dồn phiếu hay cử đại diện tham gia BKS. Việc áp dụng đúng luật là không sai, nhưng trong những trường hợp này là cứng nhắc và thiếu quan tâm đến quyền lợi của cổ đông nhỏ.
Trong bản dự thảo Điều lệ của Tổng công ty Bia rượu Nước giải khát Hà Nội cũng có quy định như "sao y bản chính" của luật. Đợt IPO vừa qua, Habeco chỉ bán hết khoảng 12% số cổ phần chào bán (chiếm 20% vốn điều lệ), như vậy chắc chắn rằng cổ đông nhỏ khó có quyền đề cử thành viên BKS, khó có khả năng tham gia giám sát hoạt động điều hành của ban lãnh đạo doanh nghiệp, ngoại trừ giơ tay biểu quyết thông qua tại các cuộc họp ĐHCĐ.
Ông Nguyễn Đình Cung, Trưởng ban Kinh tế vĩ mô Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã có những nghiên cứu sâu sắc về vai trò của BKS trong quản trị công ty. Ông cho rằng, việc xem nhẹ vai trò giám sát đang làm cho nguy cơ lạm dụng quyền lực trong các doanh nghiệp trở nên rất cao, đặc biệt đối với các doanh nghiệp có tỷ lệ lớn sở hữu nhà nước. Trên thực tế, việc thành lập BKS tại nhiều doanh nghiệp hiện nay gần như chỉ mang tính thủ tục, hình thức, Điều lệ công ty bê nguyên xi từ văn bản luật nhưng quy định một đằng mà thực hiện lại một nẻo. Tại nhiều CTCP, BKS do chính HĐQT chỉ định, thành viên BKS vừa thiếu năng lực về chuyên môn vừa là nhân viên cấp dưới của thành viên HĐQT và của giám đốc công ty. Điều này làm cho BKS do ĐHCĐ bầu lên để giám sát hoạt động của HĐQT và ban giám đốc mất đi tính độc lập khách quan. Nhiều khi ý kiến của họ cũng không có trọng lượng và nhiệm vụ duy nhất của BKS là xuân thu nhị kỳ hưởng thù lao và viết báo cáo vô thưởng, vô phạt trình ĐHCĐ!
đtck
|