Tổ chức trong nước cũng... ăn non
Động thái tăng mua đột biến của nhà đầu tư nước ngoài chứng tỏ họ vẫn tin tưởng vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Tiếc thay, nhiều tổ chức trong nước lại không hiểu điều đó nên tìm cách bán tháo cổ phiếu làm cho thị trường chứng khoán khó phục hồi
Sau khi bị rơi xuống sâu quá đà, nhờ siết biên độ giao dịch nên giá cổ phiếu đã nhích lên được một ít. Thế nhưng khi niềm vui vừa chớm nở thì lại xảy ra đợt bán tháo cổ phiếu mới, làm cho thị trường chứng khoán (TTCK) tiếp tục bị điều chỉnh giảm.
Cạnh tranh thiếu cân bằng
Tuần qua thị trường chứng khoán chứng kiến nhiều nghịch lý. Sau khi tăng giá được hơn 11%, các nhà đầu tư bất ngờ tung cổ phiếu ra bán tháo, với khối lượng lớn, làm cho thị trường suy giảm nhanh. Phân tích nguồn cung cho thấy, nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ bán không đáng kể (vì đa số đã rời sàn sau cơn bão vừa qua), còn nhà đầu tư nước ngoài thì bán ra rất ít, vì vậy lượng cổ phiếu bán tháo chủ yếu từ các công ty chứng khoán và quỹ đầu tư. Trước khi siết biên độ, nhiều tổ chức đã mua được một số lượng lớn cổ phiếu giá thấp, nên khi thấy giá tăng được chút ít, họ vội vàng bán ra để... ăn non.
Với những toan tính để mua cổ phiếu giá rẻ hơn, khi thấy thị trường đảo chiều, sức mua giảm sút (dư mua trên bảng điện tử trống trơn), nhiều tổ chức trong nước lại cùng nhau tung lệnh chào bán cổ phiếu ra với số lượng lớn để dìm giá toàn thị trường. Các cổ phiếu blue-chips như: SSI, STB, HPG, FPT... được nhiều tổ chức chào bán số lượng lớn, áp đảo sức cầu. Với lợi thế đang nắm nhiều tiền mặt, bộ phận tự doanh của công ty chứng khoán lại có quyền nhập lệnh trước để giành quyền ưu tiên, vì vậy nếu giá cổ phiếu xuống sâu họ có thể mua được hàng với giá rẻ. Khi có đợt sóng mới, họ lại bán ra để kiếm lời. Trong cuộc cạnh tranh thiếu cân bằng này, nếu nhà đầu tư cá nhân chạy theo đám đông thì sẽ gặp phải nghịch lý: Khi cần mua thì không mua được, khi cần bán cũng không bán được.
Nước ngoài tăng mua đột biến
Bất chấp sự bán tháo theo kiểu đám đông của nhiều tổ chức trong nước, tuần qua nhà đầu tư nước ngoài lại gia tăng sức mua đột biến. Mặc dù Ngân hàng Hồng Kông – Thượng Hải mới đưa ra dự báo: “Đến cuối năm nay VN - Index mới đạt 600 điểm”, nhưng với hàng chục năm kinh nghiệm, hiểu biết sâu tâm lý những thị trường mới nổi, nên khối đầu tư nước ngoài xác định được mức giá cổ phiếu và thời điểm mua, chứ không chạy mua theo đám đông. Vì vậy, khi thấy tình hình kinh tế trong nước đã bắt đầu đi theo quỹ đạo điều hành vĩ mô của Chính phủ, lạm phát đang có chiều hướng chững lại, công ty niêm yết vẫn làm ăn tốt, thì họ tận dụng cơ hội các tổ chức trong nước bán tháo cổ phiếu để mua vào.
Ngày đầu tuần, khi thị trường còn “đóng băng”, nhà đầu tư trong nước giành nhau mua, làm cho bảng điện tử bên bán trống trơn, khối nước ngoài tham gia mua ít. Nhưng khi “băng tan”, tổ chức trong nước xả hàng thì nước ngoài mới tung tiền ra mua với số lượng lớn. Theo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM, 4 ngày cuối tuần qua khối đầu tư nước ngoài đã mua vào hơn 15 triệu cổ phiếu, trị giá 977 tỉ đồng, bình quân hơn 244 tỉ đồng/ngày, tăng gấp 2 – 3 lần so với bình quân ngày của các tháng trước, trong đó có 2 ngày họ mua chiếm từ 51% - 54% toàn thị trường. Cùng thời điểm này nước ngoài chỉ bán ra 2,9 triệu cổ phiếu, giá trị 207 tỉ đồng. Cân đối mua – bán trong 4 ngày cuối tuần qua cho thấy, khối nước ngoài mới đổ thêm 770 tỉ đồng vào TTCK Việt Nam.
Trong hoàn cảnh TTCK thế giới suy giảm mạnh, nhiều tổ chức đang tìm cách rút vốn về, thì động thái tăng mua đột biến trên TTCK Việt Nam cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng vào sự phát triển của kinh tế Việt Nam. Tiếc thay, nhiều tổ chức trong nước lại không hiểu điều đó nên tìm cách bán tháo cổ phiếu làm cho TTCK khó phục hồi.
nlđ
|