Thứ Bảy, 12/04/2008 08:15

130 nghìn tỉ đồng đi đâu?

Đó là một số tiền khổng lồ, tương đương với 12% GDP của cả nước, gần bằng mức GDP năm 2007 tăng lên so với năm 2006, bằng gần một phần ba tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, gần bằng GDP do ngành nông nghiệp tạo ra,... Nhưng đó là tiền gì mà lắm thế?

Xin thưa rằng, đó là giá trị vốn hóa thị trường bị giảm do giá chứng khoán bị giảm chỉ trong vòng hơn một quý. Các định chế tài chính quốc tế thường thống kê sự sút giảm này vào thiệt hại, như kiểu gần một nghìn tỉ USD mà IMF công bố mới đây về thiệt hại do khủng hoảng tài chính hiện nay. Nước ta chưa tính số tiền này vào thiệt hại, nếu tính vào thì tăng trưởng kinh tế sẽ mang dấu âm (nếu tính cả số giảm trên thị trường OTC thì còn lớn hơn nữa). Về bản chất, nó không phải là số mất đi: đối với các công ty niêm yết (thị trường sơ cấp), thì đó là sự trở về với giá trị thực mà trước đó đã bị các nhà đầu cơ đẩy giá lên cao; đối với các nhà đầu tư (thị trường thứ cấp), thì đó là số tiền chuyển từ nhà đầu tư này sang nhà đầu tư khác, trong đó các nhà đầu tư chuyên nghiệp thì thường "mua ở đáy, bán ở đỉnh", còn các nhà đầu tư nhỏ lẻ không chuyên nghiệp thì thường "mua ở đỉnh, bán ở đáy". Kết quả là không chỉ hình thành các đại gia trên thị trường chứng khoán mà còn trên thị trường bất động sản, còn các nhà đầu tư nhỏ lẻ thì thua lỗ, trắng tay, thậm chí còn nợ nần chồng chất; khiến các ngân hàng phải giải chấp cầm cố cổ phiếu "xả hàng" làm cho chỉ số giá "rơi tự do", khiến Nhà nước phải can thiệp để cứu chứng khoán.

Để hiểu rõ hơn tại sao không thống kê vào thiệt hại hay là sự mất đi thông thường, cần tìm hiểu thêm về khái niệm và ý nghĩa của chỉ tiêu giá trị vốn hóa thị trường. Giá trị vốn hóa thị trường là thước đo quy mô của các doanh nghiệp, được xác định bằng giá trị thị trường của cổ phiếu, nhân (x) với số lượng cổ phiếu phổ thông đang lưu hành. Đây là chỉ tiêu chủ yếu để đánh giá thành công hay thất bại của các công ty niêm yết. Tuy nhiên, giá trị vốn hóa thị trường phản ánh giá cổ phiếu của các công ty, trong khi giá này có thể thay đổi theo kỳ vọng của các nhà đầu tư. Vì vậy, chỉ tiêu này không phản ánh chính xác giá trị thực của các công ty. Chuyện này khác với nhà đầu tư trên thị trường thứ cấp. Chẳng hạn có 500 triệu đồng mua cổ phiếu (giả sử mua vào ngày 6.8.2006), đến 12.3.2007, nhờ giá chứng khoán tăng mạnh nên tính ra số vốn đó đã tăng lên đạt gần 1.500 triệu đồng (sẽ được lãi 1.000 triệu đồng nếu nhà đầu tư bán đi); nhưng đến 4.4.2008, do giá chứng khoán giảm nên chỉ còn 633 triệu (sẽ được lãi 133 triệu đồng so với 6.8.2006, so với 12.3.2007 thì lại bị lỗ 867 triệu đồng). Lãi hay lỗ, được hay mất của nhà đầu tư khi giao dịch mua/bán là thật, còn khi chưa giao dịch mua/bán thì chỉ là tính ra, chứ chưa phải là được/mất thật. Còn việc tăng/giảm giá trị vốn hóa cũng chỉ là con số tính ra, nhưng nếu mua/bán thì đó là giá cao/thấp thật; việc giao dịch mua/bán trên thị trường thứ cấp giữa các nhà đầu tư thì đó là sự chuyển dịch số tiền từ người này sang người kia mà thôi.

Chính vì thế, khi có sự lớn lên hay giảm xuống nhanh chóng bất thường của tổng giá trị vốn hóa thị trường thì cần có sự đánh giá hết sức cẩn thận, để tránh sự "thổi lên" hay "ghìm giá" của các nhà đầu tư, đặc biệt các nhà đầu cơ.

Nhân đây, xin cung cấp một số thông tin về giá trị vốn hóa thị trường.

Tổng giá trị vốn hóa thị trường ngày 10.4 ở sàn TP.HCM là 242.281 tỉ đồng; ở sàn Hà Nội là 78.385 tỉ đồng. Cộng ở hai sàn là 320.666 tỉ đồng, giảm khoảng 130 nghìn tỉ đồng so với cuối năm 2007.

Số công ty có giá trị vốn hóa trị trường

Trong tổng số 280 công ty niêm yết trên cả hai sàn, số lượng công ty có giá trị vốn hóa thị trường từng loại thể hiện trong biểu đồ kèm theo. Nhìn chung, số công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam phần đông có quy mô vốn hóa thị trường nhỏ; mới chỉ có 49 công ty có số vốn hóa thị trường trên 1.000 tỉ đồng. Số công ty có số vốn hóa thị trường đạt trên 16 nghìn tỉ đồng (tức là trên 1 tỉ USD) mới chỉ có 4 : ACB đạt 25.380 tỉ đồng, VNM đạt 21.208 tỉ đồng, DPM đạt 19.760 tỉ đồng và TSB đạt 17.617 tỉ đồng. Ngoài ra có 5 công ty có số vốn hóa thị trường trên 10 nghìn tỉ đồng: KBC đạt 14.978 tỉ đồng, PPC đạt 12.977 tỉ đồng, VPL đạt 12.780 tỉ đồng, PVD đạt 12.446 tỉ đồng, VIC đạt 11.220 tỉ đồng.

tn

Các tin tức khác

>   Nhiều Cty chứng khoán tiếp tay cho đầu cơ ngắn hạn (12/04/2008)

>   Phía sau đột biến giao dịch của NĐT ngoại có phải là cơ hội? (11/04/2008)

>   TXM: Ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu niêm yết bổ sung (11/04/2008)

>   TXM: Được chấp thuận niêm yết bổ sung (11/04/2008)

>   SD6: Báo cáo thường niên năm 2007 (12/04/2008)

>   STP: Báo cáo thường niên năm 2007 (12/04/2008)

>   BTS: TB tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2008 (11/04/2008)

>   PTC: Thông báo kết quả giao dịch cổ phiếu quỹ (11/04/2008)

>   PTC: Thông báo giao dịch cổ phiếu quỹ (11/04/2008)

>   CAP: TB giao dịch cổ phiếu người có liên quan đến cổ đông nội bộ (11/04/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật