Phía sau đột biến giao dịch của NĐT ngoại có phải là cơ hội?
Lượng mua vào của nhà đầu tư nước ngoài đang tạo đột biến. Phía sau diễn biến này có phải là cơ hội?
3 phiên liên tiếp, từ 8 – 10/4, trong khi nhà đầu tư trong nước “tháo chạy”, khối đầu tư nước ngoài lại bất ngờ tăng mạnh lượng mua vào. Đây cũng là lực lượng chính hỗ trợ thị trường thời điểm này.
Trong 3 phiên nói trên, lượng tiền mà khối ngoại đổ vào thị trường đã lên tới 769,3 tỷ đồng và chỉ bán ra 180,2 tỷ đồng. Tính chung cả 4 phiên từ đầu tuần, giá trị mua ròng đạt 591,4 tỷ đồng, mức kỷ lục kể từ tháng 10/2007. Tỷ trọng mua ròng cũng lớn chưa từng có: Đạt 19,32% toàn thị trường về tổng khối lượng khớp lệnh và 24,7% về giá trị.
Diễn biến trên đang thu hút sự chú ý của thị trường. Xoay quanh vấn đề này, đầu giờ giao dịch sáng nay (11/4), báo giới đã có cuộc trao đổi với ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital.
Ông nhân định thế nào về lượng giao dịch mua vào đột biến nói trên?
Tôi không có nhiều thời gian để theo sát diễn biến cụ thể giao dịch mỗi ngày. Tôi không bất ngờ khi họ tham gia mạnh như vậy sau một thời gian dài thị trường sụt giảm. Thị trường của mình đã giảm xuống mức thấp để thúc đẩy giao dịch mua vào.
Nhưng gần đây xuất hiện lo ngại về khả năng có hiện tượng đảo chiều của dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài. Ông thấy gì từ lo ngại này?
Chúng tôi là những người đã góp ý lâu đời về vấn đề này. Vốn vào thì nó cũng phải có lúc ra, không chỉ riêng ở Việt Nam mà có ở các thị trường khác trên thế giới.
Chính phủ Việt Nam chủ trương hội nhập, khuyến khích các dòng vốn nước ngoài vào, nhưng chế độ quản lý không rõ lắm. Chúng tôi đã góp ý rất nhiều lần rằng Việt Nam phải bảo vệ lợi ích quốc gia, cần có một chế độ quản lý phù hợp.
Việt Nam sẽ kiểm soát những dòng vốn đó. Sẽ có những lo ngại nhất định về khả năng rút ra. Chúng ta phải nhấn mạnh ngược lại, khuyến khích các dòng vốn có lợi và đảm bảo quản lý phù hợp. Trên thế giới có những mô hình khác nhau, Việt Nam cần xác định một mô hình phù hợp với mình.
Tôi cho rằng không có hiện tượng đảo chiều đó. Dòng vốn vào Việt Nam may mắn là không phải những dòng ngắn hạn, đầu cơ, bất lợi. Hiện không có rủi ro rút vốn.
Thậm chí ngược lại, vốn ngoại đang chảy vào Việt Nam. Chỉ riêng so sánh giữa lãi suất Libor khoảng 3% trong khi lãi suất trái phiếu Chính phủ Việt Nam là 8% cũng đã cho thấy hấp dẫn.
Vậy ở thời điểm này, trong bối cảnh suy giảm, ông đánh giá thế nào về cơ hội tại thị trường chứng khoán Việt Nam?
Việt Nam đang phải đối phó với những thách thức vĩ mô, lâu dài; trong đó nổi bật là chính sách tiền tệ và lạm phát. Chính phủ đặt ưu tiên khắc phục những vấn đề này. Đó là định hướng ai cũng ủng hộ về dài hạn.
Việc giải quyết vấn đề lạm phát có thể ảnh hưởng trong ngắn hạn đối với thị trường chứng khoán và bất động sản. Nhưng đây đang là hai thị trường hấp dẫn.
Và đó là cơ hội, vì xét trong trung hạn, những vấn đề vĩ mô, sự phát triển của nền kinh tế và lộ trình hội nhập của Việt Nam sẽ không có nhiều thay đổi.
vneconomy
|