Thuế chứng khoán: Làm sao thu đúng, thu đủ?
Song song với việc soạn thảo Nghị định hướng dẫn Luật thuế Thu nhập cá nhân (TNCN), Bộ Tài chính cũng đang xây dựng thông tư hướng dẫn thực hiện Luật thuế TNCN, để việc thực thi Luật bắt đầu từ ngày 1/1/2009. Theo dự thảo thông tư, chuyển nhượng vốn là việc cá nhân thực hiện một phần hoặc toàn bộ số vốn của mình đã đầu tư vào cơ sở kinh doanh cho một hoặc nhiều tổ chức, cá nhân khác, bao gồm chuyển nhượng phần vốn góp của cá nhân trong các tổ chức kinh tế, công ty TNHH và các hình thức kinh doanh khác; chuyển nhượng chứng khoán; chuyển nhượng vốn dưới các hình thức khác. Cá nhân có thu nhập từ chuyển nhượng vốn phải nộp thuế TNCN với thuế suất 20% thu nhập chịu thuế hoặc 0,1% tính trên giá trị từng lần chuyển nhượng.
Dự thảo quy định, chuyển nhượng chứng khoán bao gồm việc chuyển nhượng cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ, quyền mua cổ phần, chứng quyền, quyền chọn mua, quyền chọn bán, hợp đồng tương lai được thực hiện tại sàn giao dịch (tập trung hoặc phi tập trung) và chuyển nhượng dưới hình thức riêng lẻ.
Thu nhập chịu thuế từ hoạt động chuyển nhượng chứng khoán tại sàn giao dịch được xác định bằng giá chuyển nhượng trừ đi giá vốn và chi phí chuyển nhượng. Trong đó, giá chuyển nhượng (giá bán) là toàn bộ giá trị của chứng khoán mà cá nhân nhận được khi thực hiện giao dịch tại CTCK theo phương thức khớp lệnh tập trung, phương thức giao dịch thỏa thuận và các phương thức giao dịch khác theo quy định của HOSE hoặc HASTC. Giá vốn (giá mua) là toàn bộ giá trị mà cá nhân phải trả để có được quyền sở hữu chứng khoán hoặc giá chuyển nhượng thành công của chứng khoán trên TTCK tập trung và phi tập trung tại CTCK theo phương thức khớp lệnh tập trung, phương thức giao dịch thỏa thuận và các quy định khác theo quy định của HOSE hoặc HASTC.
Theo dự thảo, các khoản chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế đối với hoạt động chuyển nhượng chứng khoán bao gồm: chi phí để làm thủ tục pháp lý cần thiết cho việc chuyển nhượng; các khoản phí và lệ phí phải nộp khi làm thủ tục chuyển nhượng; chi phí giao dịch, đàm phán, ký kết hợp đồng; chi phí lưu ký chứng khoán; chi phí ủy thác chứng khoán; chi phí trả lãi tiền vay để mua chứng khoán và các khoản chi phí khác có chứng từ.
Đối với chứng khoán đã lưu ký và niêm yết trên sàn giao dịch, dự thảo cho phép cá nhân được lựa chọn 1 trong 2 phương pháp xác định thuế TNCN là phương pháp tính trên thu nhập hoặc phương pháp tính trực tiếp trên giá bán. Phương pháp tính trên thu nhập được áp dụng đối với chứng khoán đã xác định được chính xác giá mua và các loại chi phí hợp lý liên quan đến thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế (kỳ tính thuế được xác định theo năm dương lịch). Theo phương pháp này, cuối năm CTCK có trách nhiệm tổng hợp toàn bộ mã chứng khoán, số lần chuyển nhượng, tổng doanh thu chuyển nhượng… để làm căn cứ xác định thu nhập và thuế thu nhập phải nộp, đã nộp của cá nhân. Thuế TNCN được xác định bằng thu nhập chịu thuế nhân với thuế suất 20%. Dự thảo cho phép, hoạt động chuyển nhượng chứng khoán tính trên thu nhập sau khi quyết toán (cuối năm dương lịch) mà bị lỗ thì nhà đầu tư được chuyển lỗ tới 5 năm liên tiếp kể từ năm phát sinh lỗ (được trừ đi số thuế TNCN phải nộp của những năm tiếp theo), nhưng phải duy trì phương pháp tính thuế này trong thời gian chuyển lỗ, nếu cá nhân chuyển sang phương pháp tính thuế trực tiếp trên giá bán thì số lỗ không được chuyển sang những năm còn lại.
Phương pháp tính trực tiếp trên giá bán (giá giao dịch thành công trong ngày) được áp dụng đối với trường hợp không xác định được chính xác giá chuyển nhượng chứng khoán và các chi phí liên quan đến thu nhập chịu thuế trong kỳ của hoạt động chuyển nhượng. Trong trường hợp này, CTCK có trách nhiệm khấu trừ 0,1% giá trị từng lần chuyển nhượng của từng loại chứng khoán theo giá khớp lệnh bình quân trong ngày.
Chuyển nhượng chứng khoán chào bán riêng lẻ (chứng khoán chưa lưu ký), theo dự thảo, giá chuyển nhượng được xác định tại giá hợp đồng chuyển nhượng, trường hợp giá chuyển nhượng hoặc giá vốn thấp hơn giá thị trường thì thu nhập chịu thuế được xác định dựa theo chứng khoán cùng loại được mua bán thành công trên thị trường tại thời điểm chuyển nhượng. Thuế TNCN đối với chuyển nhượng chứng khoán riêng lẻ được tính bằng thu nhập chịu thuế nhân với thuế suất 20%.
Cách xác định thu nhập chịu thuế trong dự thảo mặc dù phù hợp với nguyên tắc xác định thu nhập chịu thuế của thuế trực thu, nhưng dường như chưa cụ thể, thiếu chặt chẽ, dễ xảy ra tình trạng "mặc cả" giữa cơ quan thuế và người nộp thuế vì rất khó xác định cá nhân có phải chi phí trả lãi tiền vay để đầu tư chứng khoán hay không, cá nhân vay ngân hàng hay vay bên ngoài (được tính bằng 150% lãi suất vay ngân hàng) để đầu tư chứng khoán… Ngoài ra, chi phí giao dịch, đàm phán, ký kết hợp đồng là chi phí hợp lý, song thường không có hóa đơn, chứng từ nên rất khó xác định.
Cũng theo dự thảo, để được áp dụng phương pháp tính trên thu nhập hoặc tính trực tiếp trên giá bán, cá nhân phải đăng ký với cơ quan thuế từ đầu năm và không được quá ngày 30/1 hàng năm. Câu hỏi đặt ra là nếu quá ngày 30/1, cá nhân chưa đăng ký phương pháp tính thuế thì sẽ thực hiện theo phương án nào hiện vẫn chưa được quy định cụ thể. "Luật thuế TNCN chỉ có 14 trang, Nghị định hướng dẫn "gói gọn" trong 30 trang thì đến thông tư được mở rộng ra 77 trang nhưng vẫn chưa chi tiết, không cụ thể sẽ rất khó thực hiện", đại diện một công ty luật tại Hà Nội nhận xét.
đtck
|