Sau cơn lũ là mùa gieo hạt
Diễn biến thị trường sắp tới sẽ ra sao? Giá cổ phiếu (CP) hiện nay đã thực sự rẻ? Nhà đầu tư nên lựa chọn loại CP nào để đầu tư...? Thanh Niên đã trao đổi với thạc sĩ Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính - đầu tư về vấn đề này. Theo ông Hiển:
Không phải cổ phiếu nào cũng rẻ
Việc thị trường giảm rất mạnh trong 3 tháng đầu năm được cho là do việc thắt chặt tiền tệ và quan hệ cung - cầu trên thị trường. 40 ngày sau Tết Nguyên đán, thị trường mất 347 điểm tương đương 40%, còn tính theo mốc giá ngày 12.3.2007 thì nhiều loại cổ phiếu (CP) đã mất giá 70% - 80%, đây thực sự là thảm họa đối với các nhà đầu tư (NĐT). Chỉ tính riêng 10 công ty có giá trị vốn hóa cao nhất thì mức thiệt hại trong 3 tháng đầu năm 2008 đã lên tới gần 100 nghìn tỉ, bình quân mỗi ngày “bay” trên 1.000 tỉ. Chính sự sụt giảm quá mạnh này nên nhiều người cho rằng có yếu tố tâm lý chi phối và hiện nay thị trường đã quá rẻ để mua vào.
Tuy nhiên thống kê ở thời điểm 12.3.2007 với VN-Index vào khoảng 1.197 điểm thì nhiều loại CP có giá trị vô hình quá lớn. 10 công ty có giá trị vốn hóa cao nhất thì có mức thị giá/giá sổ sách bình quân là 19,58, có nghĩa là vào thời điểm đó các NĐT đã trả tiền để mua tài sản vô hình cao gấp 10 – 18 lần so với giá trị tài sản thực được ghi nhận của công ty. Mức giá này vượt rất xa so với nguyên tắc đầu tư giá trị, thông thường khó chấp nhận mua CP có thị giá/giá sổ sách cao hơn 2,5. Do vậy, cơn “đại hồng thủy” vừa qua không phải làm mất đi phần giá trị thật sự của công ty để CP trở lên quá rẻ, mà phần lớn là “quét” đi phần giá trị vô hình vốn đã được các nhà đầu tư thổi phồng quá mức trong giai đoạn lướt sóng cuối năm 2006.
Thống kê cho thấy công ty nào càng có thị giá/giá sổ sách lớn thì càng bị giảm giá mạnh. Trong 30 công ty có mức giảm giá nhiều nhất thì có trên 20 công ty có mức vốn hóa cao và giá thị trường/giá sổ sách lớn nhất. Trong số 5 công ty giảm giá mạnh nhất thì có 3 công ty có giá thị trường/giá sổ sách lớn nhất. Như vậy khi VN-Index xuống đến 500 điểm, bên cạnh việc xuất hiện nhiều công ty hấp dẫn để đầu tư vẫn có một số công ty có giá thị trường/giá sổ sách còn rất lớn, tức là không phải đã là quá rẻ theo tiêu chuẩn đầu tư giá trị.
- Đối với NĐT sẵn sàng đầu tư trên 1 năm thì nên chọn từ 3 – 5 công ty khác ngành nghề để đầu tư dài hạn. Tiêu chí chọn lựa là ưu tiên các công ty có thị giá/giá sổ sách dưới 4 lần; có tốc độ doanh thu và lợi nhuận sản xuất kinh doanh chính đạt trên 15%, có thông tin về hoạt động rõ ràng, đầy đủ.
- Đối với NĐT tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn thì bên cạnh một số tiêu chí nêu trên, nên ưu tiên mua những CP blue-chip đang có tính thanh khoản cao và đầu tư theo nguyên tắc nếu VN-Index trên 550 điểm thì bán ra dần dần, nếu dưới 520 điểm thì xem xét mua vào dần dần. Việc mua – bán một lượng lớn ở những thời điểm giá tốt nhất sẽ rất khó thực hiện và tạo nhiều rủi ro.
Nếu phục hồi biên độ 5%?
Mặc dù việc áp dụng biên độ 1% (sàn TP.HCM) có tác động tích cực giúp thị trường tăng mạnh nhiều phiên liên tiếp nhưng dấu hiệu phục hồi là chưa rõ rệt. Việc áp dụng biên độ này vào lúc thị trường đã xuống quá mức cho thấy UBCKNN đánh giá VN-Index ở mức 500 điểm chưa phải là đáy. Như vậy nhiều khả năng thị trường suy giảm trở lại nếu UBCKNN phục hồi biên độ 5%, và nếu điều này xảy ra thì thị trường lại tiếp tục kêu cứu các giải pháp trực tiếp của Chính phủ. Diễn biến tăng – giảm mạnh liên tục trong thời gian ngắn sẽ không tốt cho thị trường, không tốt cho NĐT cũng như nền kinh tế. Dù vậy, khi thị trường dao động trong khoảng
VN-Index 500 điểm thì là thời điểm rất tốt để khởi động một tiến trình mới, tiến trình đầu tư hợp lý với sự tham gia của rất nhiều NĐT mới, tạo nên một làn sóng đầu tư mạnh mẽ và bền vững. Để làm được điều này không chỉ dựa vào giá CP đang rất thấp mà chủ yếu dựa vào chính sách của Chính phủ và UBCKNN.
Hai kịch bản cho thị trường
Trong tháng 4 và những tháng còn lại năm 2008, dự đoán có 2 kịch bản sau:
- Kịch bản 1: Nếu các giải pháp của UBCKNN chủ yếu là can thiệp trực tiếp và các công ty không có cải tiến đáng kể về hoạt động sản xuất kinh doanh - đầu tư, cơ chế thông tin thiếu minh bạch thì thị trường sẽ lên rồi lại xuống nhiều lần ở mức VN-Index 500 – 700 điểm. Kịch bản này có thể tạo cơ hội cho một số NĐT lướt sóng nhưng vẫn không ổn định được thị trường và không thu hút được các NĐT mới (vốn là cốt lõi để phát triển thị trường).
- Kịch bản 2: Nếu các giải pháp của UBCKNN chủ yếu là can thiệp gián tiếp và các công ty có cải tiến đáng kể về hoạt động sản xuất kinh doanh - đầu tư, cơ chế thông tin minh bạch thì thị trường sẽ khởi động phục hồi và có xu thế đi lên chậm nhưng ổn định, để đạt mức 550 hoặc 600 điểm vào cuối năm 2008. Kịch bản này sẽ là một tiến trình tạo ra một TTCK có bản chất khác hẳn các năm trước. Từ đây TTCK đi đúng lộ trình phát triển lành mạnh như các nước phát triển, tạo cơ hội huy động vốn dài hạn cho các công ty, tạo cơ hội cho những NĐT giá trị và thu hút được rất nhiều NĐT mới.
Đầu tư thế nào?
Giả định với mức VN-Index 500 điểm hiện nay và đạt 600 điểm sau 1 năm thì NĐT có mức thu lợi cao hơn hẳn nếu gửi tiền tiết kiệm. Bởi với mức tăng trưởng GDP khoảng 8% thì các công ty niêm yết (là các công ty hàng đầu của nền kinh tế) có mức tăng vốn bình quân hợp lý được thị trường dung nạp là 20% mà không làm biến động giá thị trường. Tính gộp hiệu quả của cổ đông từ việc thu lợi do tăng điểm và được mua CP tăng vốn hợp lý sẽ đạt mức sinh lời trên 30%/năm. Còn như trước đây NĐT vừa muốn hưởng lợi từ việc tăng giá quá mạnh vừa muốn được hưởng lợi từ quyền mua CP tăng vốn rất lớn thì việc sụp đổ như vừa qua là tất yếu. Trước tình hình lạm phát cao trong quý 1/2008 và khả năng suy giảm lợi nhuận rất lớn của các công ty niêm yết cho thấy thị trường khó tăng mạnh như các giai đoạn trước mà chỉ dao động trong khoảng 500 – 600 điểm. Tuy nhiên dù với kịch bản 1 hay 2 thì với mức VN-Index xoay quanh 500 điểm là cơ hội đầu tư rất tốt, vấn đề là NĐT cần xác định khả năng vốn của mình và kỳ vọng về mức độ thu lợi mà chọn hình thức đầu tư thích hợp.
tn
|