Nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng đầu tư kiểu “bầy đàn”?
Trước nay, mỗi khi TTCK chứng kiến hiện tượng tất cả cổ phiếu đồng loạt tăng giá hoặc giảm giá, thì câu cửa miệng của hầu hết chuyên gia đều cho rằng, nguyên nhân bắt nguồn từ tâm lý đầu tư bầy đàn của nhà đầu tư cá nhân. Đúng là trong thời gian qua, tâm lý đầu tư bầy đàn đã và đang dẫn dắt diễn biến giá cả trên TTCK; nhưng cho rằng, tâm lý đầu tư bầy đàn chỉ có ở nhà đầu tư cá nhân thì e rằng, những nhận định như thế có phần hơi thiên kiến, phiến diện. Thừa nhận rằng, số tài khoản hiện được mở tại CTCK của nhà đầu tư cá nhân chiếm hơn 90% trong tổng số trên 300.000 tài khoản chứng khoán, nhưng liệu nhà đầu tư cá nhân có quyết định được cuộc chơi trên thị trường? Câu trả lời rõ ràng là không.
Có thể thấy rằng, chính nhà đầu tư cá nhân đã chiếm vai trò rất lớn trong sự phát triển đầy ấn tượng của TTCK trong năm 2006 và đầu năm 2007, là đối tượng không thể thiếu cho sự tồn tại và phát triển của thị trường và có thể nói là cho cả nhà đầu tư tổ chức cho đến thời điểm này, khi lợi nhuận của họ thu được có sự đóng góp không nhỏ từ những đồng vốn nhỏ nhoi của nhiều nhà đầu tư cá nhân. Ngược lại, nhà đầu tư tổ chức, với tiềm lực vốn mạnh, phân tích đầu tư bài bản, phương pháp đầu tư chuyên nghiệp, luôn được thị trường đón nhận với sự kính trọng, ngưỡng mộ.
Ở khía cạnh bình ổn thị trường, để có thể đánh giá đúng mức vai trò của đối tượng đầu tư tổ chức như thế nào đối với TTCK Việt Nam, xin quay lại diễn biến giá cổ phiếu trên thị trường trong thời gian gần đây. Tiếp đà phát triển mạnh mẽ của TTCK năm 2006, trong năm 2007 mặc dù có những giai đoạn thăng trầm và có dấu hiệu đi xuống, nhưng nhìn chung TTCK vẫn tăng trưởng về quy mô, thành phần tham gia. Tuy nhiên, bước vào năm 2008, thị trường đi xuống ngày một nhanh và trầm trọng hơn, VN-Index giảm hơn 40% trong vòng chưa đầy 3 tháng đầu năm 2008 và giảm hơn 50% so với đỉnh điểm 1.170,67 ngày 12/3/2007. Nguyên nhân lý giải cho sự suy sụp của thị trường có thể là: thị trường đã trải qua giai đoạn tăng trưởng nóng; Chỉ thị 03 hạn chế cho vay đầu tư chứng khoán; ảnh hưởng của việc thắt chặt tiền tệ của NHNN và cũng không ít ý kiến cho rằng, chính tâm lý đầu tư bầy đàn của nhà đầu tư cá nhân đã làm cho thị trường trở nên tệ hơn. Đúng là trên thị trường đã xuất hiện cảnh tháo chạy của nhà đầu tư; tâm lý bất ổn, sợ hãi đã bao trùm trên thị trường; nhiều nhà đầu tư có cái nhìn bi quan cho viễn cảnh phát triển ổn định và minh bạch của thị trường. Với kiến thức đầu tư chưa sâu, thiếu kinh nghiệm và ít vốn, nhất là trước bối cảnh “cánh cửa” hỗ trợ vốn của các CTCK, ngân hàng thương mại như cầm cố chứng khoán, hỗ trợ vốn tham gia mua cổ phiếu, đấu giá… để các nhà đầu tư quay vòng vốn kinh doanh đã đóng sập lại, bởi chính sách hạn chế cho vay đầu tư chứng khoán, thắt chặt tiền tệ… và TTCK đi xuống chưa có dấu hiệu dừng thì nhà đầu tư cá nhân buộc phải tháo chạy khỏi thị trường, nếu không muốn trắng tay. Nhưng có phải chỉ nhà đầu tư cá nhân hoảng sợ, tháo chạy khỏi thị trường trong lúc đó?
Năm 2007 kết thúc, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 8,44%, nhưng lạm phát ở mức cao nhất kể từ năm 1995, lên tới 12,6%; tốc độ tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng trên 50%, cao hơn rất nhiều so với chỉ tiêu đề ra của NHNN. Trước cơn sốt giá cổ phiếu, bất động sản, nhiều ngân hàng đã bị cuốn vào khoản lợi nhuận béo bở từ hoạt động cho vay, cầm cố cổ phiếu, bất động sản, mà quên đi bài học quản trị rủi ro tín dụng trong hoạt động. Tỷ lệ nợ cho vay đầu tư chứng khoán, bất động sản của nhiều ngân hàng ở mức rất cao, đến nỗi NHNN đã nhiều lần cảnh báo tình trạng cho vay đầu tư chứng khoán, bất động sản và cuối cùng, NHNN buộc phải áp dụng biện pháp hành chính, Chỉ thị 03 ra đời. Hệ quả là, khi NHNN áp dụng những biện pháp thắt chặt tiền tệ, hút tiền từ lưu thông về thì nhiều ngân hàng đã mất đi tính thanh khoản tiền đồng. Để bù đắp lại, nhiều ngân hàng buộc phải nâng lãi suất huy động; chấp nhận vay tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng với mức lãi suất rất cao, có lúc lên tới 30 - 40%/năm; giải chấp cổ phiếu cầm cố. Đến đây có thể thấy rõ, chính sự yếu kém trong hoạt động quản trị rủi ro tín dụng, sự thái quá trong hoạt động cho vay đầu tư chứng khoán, bất động sản của nhiều ngân hàng ít nhiều đã tác động trực tiếp hay gián tiếp đến sự đi xuống của thị trường.
Khi UBCK tạm thời điều chỉnh biên độ dao động giá cổ phiếu, chứng chỉ quỹ từ +/-5% xuống +/-1% đối với sàn HOSE; từ +/-10% xuống +/-2% đối với sàn HASTC từ ngày 27/3/2008, thì giá cổ phiếu trên cả hai sàn HOSE và HASTC đã đồng loạt tăng trở lại liên tiếp trong những phiên gần đây, nhưng giá trị giao dịch giảm đáng kể, trái ngược với tình trạng bán tháo cổ phiếu trước đây. Trong đó, việc giải chấp cổ phiếu của các ngân hàng, CTCK cũng không sôi động như thời gian trước khi điều chỉnh biên độ dao động giá cổ phiếu. Phải chăng, các ngân hàng, CTCK đồng thuận, hưởng ứng lời kêu gọi ngưng việc giải chấp cổ phiếu cầm cố, bán cổ phiếu tự doanh? Vậy tại sao trước đó, nhiều giải pháp cứu thị trường được đưa ra, trong đó có giải pháp ngưng giải chấp cổ phiếu cầm cố của ngân hàng, nhưng không được hưởng ứng một cách tích cực?
Lẽ ra, nhà đầu tư tổ chức cần thể hiện bản lĩnh đầu tư của mình, vai trò bình ổn thị trường trong những giai đoạn khó khăn. Bởi theo đánh giá của nhiều chuyên gia, biện pháp giảm biên độ giao dịch giá cổ phiếu chỉ là giải pháp tình thế, có tác dụng tích cực trong ngắn hạn nhưng về lâu dài, để thị trường phát triển ổn định và minh bạch hơn thì cần phải có những giải pháp dài hạn, mang tính định hướng và thị trường cần sự bản lĩnh đầu tư của nhà đầu tư tổ chức hơn.
đtck
|