Nguy cơ từ đầu tư “đánh quả”
Các chuyên gia kinh tế tiếp tục cảnh báo về hiện tượng doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận trước mắt, lo “đánh quả” mà không chú trọng đầu tư công nghệ và ngành nghề chính
Ông Nguyễn Đình Cung, Trưởng Ban Vĩ mô Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), nhận định với năng lực quản trị còn nhiều hạn chế như hiện nay, xu hướng thành lập tập đoàn và vươn ra đa ngành nghề kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) Nhà nước đang có nhiều bất ổn.
Lao theo bong bóng
Trong số hơn 230 DN đang niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội và TPHCM, số công ty đơn thuần kinh doanh trong lĩnh vực của mình chỉ đếm trên đầu ngón tay. Các lĩnh vực “hot” nhất để đầu tư vào thời điểm này là chứng khoán, tài chính, ngân hàng, bất động sản, bảo hiểm. Theo Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng), hiện có hơn 6.000 DN hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, năng lực quản lý của phần lớn các DN này còn yếu, chỉ “chạy” được vốn và đất, sau đó kinh doanh không mấy hiệu quả. Ông Đinh Văn Ân, Viện trưởng CIEM, dẫn lại lời một chuyên gia kinh tế cho biết các ngân hàng VN hiện nay chỉ có hơn 10% doanh thu đem lại từ hoạt động nghiệp vụ ngân hàng, gần 90% doanh thu đem lại từ ngành nghề khác.
Ngành ngân hàng hiện đang phải đối mặt với một loạt khó khăn về vốn, nhân sự... nhưng hồ sơ xin thành lập ngân hàng trực thuộc các tập đoàn kinh tế ngày càng nhiều thêm mặc dù bản thân các tập đoàn này đã có công ty tài chính để thực hiện chức năng thu hút, cân đối vốn. Các chuyên gia thuộc Ngân hàng Nhà nước đã cảnh báo cần cân nhắc kỹ vì hoạt động của một ngân hàng bao gồm chức năng thanh toán cho nền kinh tế - xã hội, không thể chỉ vì cổ đông sáng lập hay bó hẹp phục vụ riêng cho ngành. Ông Lê Văn Hinh, chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng, cho biết “ngân hàng nội bộ” sẽ khó tránh khỏi tình trạng ưu đãi cho vay cổ đông sáng lập. Như thế vừa vi phạm Luật Ngân hàng vừa làm tê liệt hệ thống giám sát. Những năm 1995-1996, một vài ngân hàng của VN đã vướng phải tình trạng này. Về mặt lý thuyết, luật quy định DN được làm tất cả những gì pháp luật không cấm nhưng áp dụng vào lĩnh vực tài chính rất nguy hiểm. Khi nắm ngân hàng trong tay, các tập đoàn có thể liên kết trong giao dịch vốn, chuyển vốn nội bộ giữa các DN làm ách tắc luồng tiền.
Lỡ cơ hội nâng cao công nghệ
Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp VN, ông Vũ Tiến Lộc nhận định DN đang bị bất động sản, chứng khoán lái đi sai hướng. Do lợi nhuận cao, các DN đã tìm mọi cách thành lập công ty chứng khoán, quên yếu tố quản trị và công nghệ. Rõ nét nhất là trong thời điểm hai năm gần đây, DN VN đã có nhiều cơ hội đổi mới thiết bị máy móc nhưng đã bỏ lỡ. Theo bà Đỗ Thị Hội, Hiệp hội Da giày VN, việc lệch hướng đầu tư thể hiện rõ trong ngành da giày. Cũng như dệt may, nguyên liệu đầu vào của ngành da giày chiếm 70%-80% nhưng các DN đã không đầu tư vào công nghiệp phụ trợ. Hiện tại, trong nước thiếu da, công nghệ thuộc da không làm được, phải nhập nguyên liệu của nước ngoài về gia công.
Ông Nguyễn Đình Cung cho rằng môi trường kinh doanh hiện nay đang tạo cơ hội cho DN “đánh quả” và không ai chú trọng đầu tư công nghệ trong lúc này. Không sử dụng nguồn lực đúng hướng, khu vực DN Nhà nước đã phân tán lại càng phân tán hơn, không tạo được năng lực, công nghệ sản xuất mới để làm xương sống cho nền kinh tế, cũng không tạo được nhiều của cải vật chất cho xã hội như vai trò mà khu vực kinh tế này cần đảm đương. Thực tế đã chứng minh điều này khi nhập siêu đang ở mức báo động.
Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, cho rằng vươn ra đa ngành sẽ khiến các tập đoàn kinh tế sao nhãng việc đầu tư vào ngành nghề kinh doanh chính, trong khi sức ép cạnh tranh ngày càng tăng cao. Bản thân họ và cả Nhà nước có thể không kiểm soát được vốn của DN trong những lĩnh vực này. Đổ vỡ, thất thoát, lãng phí là những nguy cơ có thể nhìn thấy trước.
nlđ
|