Thứ Năm, 24/04/2008 14:23

Hội nghị Sắp xếp, đổi mới DNNN giai đoạn 2008-2010

Ngày 23/4/2008, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã chủ trì Hội nghị Sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2008-2010. Những vấn đề liên quan đến cổ phần hóa, đầu tư tài chính của các doanh nghiệp Nhà nước được đưa ra và trao đổi một cách kỹ lưỡng tại Hội nghị.

Triển khai Chương trình hành động của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) giai đoạn 2006-2010, năm 2007, các Bộ, ngành, địa phương đã sắp xếp được 271 doanh nghiệp (DN) và bộ phận DN, trong đó cổ phần hóa (CPH)150 DN, bộ phận DN, nâng tổng số đơn vị được sắp xếp hơn 5.300 đơn vị, trong đó CPH hơn 3.700 DN.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp (BCĐ ĐM&PTDN), giai đoạn 2007-2010 cần sắp xếp 1.553 DN, trong đó CPH 950 DN.

Đến nay, hầu hết các DNNN đều duy trì được tốc độ tăng trưởng (bình quân tăng 10%); sản xuất, kinh doanh có hiệu quả (trong đó lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu khoảng 11%), bù đắp được các khoản lỗ phát sinh trước đây. Trong giai đoạn 2000-2007, DNNN đã đóng góp gần 39%GDP, 40% tổng thu ngân sách và gần 80% DN kinh doanh có lãi.

Phó Trưởng Ban Thường trực BCĐ ĐM&PTDN, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Viết Muôn đánh giá, việc DNNN được sắp xếp lại là một bước tiến quan trọng, tạo động lực để phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của DN, đồng thời giúp Nhà nước có điều kiện để tập trung đầu tư vào các dự án lớn.

Tuy nhiên, quy mô nhiều DNNN hiện nay chưa lớn, năng suất lao động và hiệu quả chưa cao, sức cạnh tranh chưa đáp ứng được yêu cầu của hội nhập kinh tế và chưa tương xứng với sự đầu tư của Nhà nước.

Vì thế, khi xác định nhiệm vụ trọng tâm của năm 2008 và những năm tiếp theo, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho rằng cần rà soát quy định về quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu nhà nước đối với công ty nhà nước và doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối; đồng thời tiếp tục thực hiện các giải pháp để đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới DNNN, trong đó ưu tiên CPH và tăng cường đầu tư, đổi mới tổ chức quản lý để DNNN lớn mạnh, có hiệu quả hơn, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của đất nước. Phó Thủ tướng lưu ý, DNNN cần tập trung chủ yếu vào kết cấu hạ tầng, sản xuất tư liệu sản xuất và dịch vụ quan trọng của nền kinh tế, đồng thời kiện toàn tổ chức hoạt động để các tập đoàn, tổng công ty NN luôn là nòng cốt trong điều hành kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp khác.

Phó Thủ tướng yêu cầu, hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính tại công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp khác; thực hiện cơ chế CPH đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đặc thù và đề xuất, bổ sung những phương thức CPH để thu hút được cổ đông chiến lược, phương thức bán và giá bán cổ phần cho cổ đông chiến lược phù hợp với thực trạng và định hướng phát triển của doanh nghiệp CPH.

"Các Bộ, ngành, tập đoàn và tổng công ty nhà nước cần chỉ đạo sát sao việc thực hiện Đề án sắp xếp, đổi mới DNNN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; song song với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác sắp xếp, đổi mới này một cách công khai, minh bạch, theo nguyên tắc thị trường, gắn CPH với phát triển thị trường chứng khoán", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục đổi mới phương thức quản lý và phải sắp xếp, đổi mới các nông, lâm trường quốc doanh theo Đề án mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các công ty nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty rà soát chặt chẽ các hạng mục đầu tư, kiên quyết cắt giảm các dự án đầu tư kém hiệu quả, giãn tiến độ những dự án chưa cấp bách để tập trung vốn và nguồn lực cho các dự án sắp hoàn thành.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, hiện nay nhiều tập đoàn đã sử dụng vốn vay để đầu tư tài chính như đầu tư vào chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản… với số lượng vốn gấp từ 1 đến 2 lần số vốn chủ sở hữu. Điều này ẩn chứa rủi ro lớn nếu như các thị trường này không phát triển, hoặc có dấu hiệu giảm sút. Bên cạnh đó, việc huy động vốn của nhiều tập đoàn mang tính tràn lan và hiệu quả đầu tư không cao do phải trả lãi ngân hàng nhiều.

Cơ chế phân phối lợi nhuận của DNNN chưa thực sự gắn với hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như chưa thực hiện được việc điều hòa khoản lợi nhuận được chia theo vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp.

Giải quyết bài toán về đầu tư vốn hiện nay, Bộ Tài chính cho rằng, các công ty Nhà nước phải dành phần lớn nguồn lực tài chính cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính, không được góp vốn mua cổ phần của các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán… Khi đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp, chỉ được đầu tư tối đa bằng vốn điều lệ và các lĩnh vực đầu tư ngoài doanh nghiệp phải hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh chính của doanh nghiệp.

Thứ trưởng Trần Xuân Hà cũng đề xuất, cần đánh giá toàn bộ hoạt động của các tổ chức như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán để đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật, đồng thời cũng cần xem xét lại chủ trương về việc thành lập các ngân hàng, công ty bảo hiểm, chứng khoán trong các tập đoàn kinh tế.

Các DNNN có thể chủ động huy động vốn để đầu tư phát triển nhưng phải sử dụng có hiệu quả. Hội đồng quản trị công ty nhà nước sẽ được phép quyết định vay vốn bằng 3 lần vốn điều lệ. Tuy nhiên, nếu phần vốn vay vượt trên mức đó thì doanh nghiệp phải báo cáo lên cơ quan chủ sở hữu quyết định.

Đối với cơ chế phân phối lợi nhuận, các công ty nhà nước cần gắn phân phối lợi nhuận với hiệu quả kinh doanh và kết quả xếp loại doanh nghiệp; đồng thời cũng cần điều chỉnh, bổ sung cơ chế cho các doanh nghiệp đặc thù về vốn.

mof

Các tin tức khác

>   Nhiều công ty nhà nước ham làm nghề “tay trái” (24/04/2008)

>   Mai Linh - Thành công của một thương hiệu  (24/04/2008)

>   PVFC và Petimex thỏa thuận hợp tác toàn diện (24/04/2008)

>   Chuyển đổi DN 100% vốn Nhà nước: hụt hơi chạy tiến độ! (24/04/2008)

>   Thanh Hóa: 26 tỉ đồng đóng tàu 2.200 tấn (24/04/2008)

>   Sau năm 2010, CPH hầu hết các Tập đoàn, TCty nhà nước (24/04/2008)

>   Thị trường OTC sắp được… “giải bí”! (24/04/2008)

>   IDICO hợp tác với CIENCO 8 và VinaCapital (24/04/2008)

>   Phó Thủ tướng: "Nuôi quân ba năm, dùng một giờ" (23/04/2008)

>   KQ đăng ký mua CP của CT XD Nông nghiệp & PT nông thôn (23/04/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật