Nhiều công ty nhà nước ham làm nghề “tay trái”
Đua nhau lập ngân hàng, công ty chứng khoán, quản lý quỹ, bất động sản... với giá trị vốn lên tới trên 23 ngàn tỷ đồng.
Ngày 23-4, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức hội nghị sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN) dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng. Hầu hết các ý kiến đều tập trung nêu lên những khó khăn làm tiến độ cổ phần hóa thường xuyên bị tắc, đặc biệt là những bất cập trong cơ chế quản lý tài chính đối với công ty nhà nước.
Đầu tư tràn lan, kém hiệu quả
Về cơ chế quản lý tài chính đối với công ty nhà nước, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà bày tỏ băn khoăn khi vẫn còn những tồn tại về vấn đề vốn chủ sở hữu, huy động vốn và đầu tư vốn, thẩm quyền quyết định đầu tư... Theo ông Hà, các tập đoàn, tổng công ty (TCT) nhà nước khi thành lập đều xác định vốn điều lệ trên cơ sở vốn sổ sách, vì vậy không phản ánh được thực chất nhu cầu và hiệu quả sử dụng vốn tại DN.
Nhà nước cũng chưa thực hiện được việc điều hòa vốn từ nơi thừa sang nơi thiếu. Chính vì vậy đã dẫn đến tình trạng một số TCT tự huy động vốn rồi có hệ số vay nợ/vốn chủ sở hữu quá cao. Điển hình là TCT Xây dựng công trình giao thông 5, tỷ lệ này lên tới 42 lần, gây nhiều rủi ro trong thanh toán và hiệu quả đầu tư không cao do phải trả lãi ngân hàng nhiều.
Bên cạnh đó, nhiều tập đoàn đã sử dụng vốn vay để đầu tư vào những lĩnh vực kinh doanh trái ngành. Có tới 28/70 TCT góp vốn lập công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại, công ty quản lý quỹ, bảo hiểm, bất động sản, với giá trị vốn lên tới hơn 23 ngàn tỷ đồng. Nhiều TCT có tỷ trọng đầu tư ra ngoài lớn như TCT Rượu bia, nước giải khát Sài Gòn (17% vốn), TCT Đường sông miền Nam (trên 50% vốn)...
Ưu tiên cho hoạt động kinh doanh chính
Để hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính đối với công ty nhà nước, các đại biểu đề nghị các công ty nhà nước phải dành phần lớn nguồn lực tài chính cho hoạt động kinh doanh chính, không được góp vốn mua cổ phần các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán. Đồng thời, cần xem xét lại chủ trương thành lập ngân hàng, công ty bảo hiểm, chứng khoán trong các tập đoàn kinh tế.
Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho biết sẽ sớm có phương án hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính tại các DNNN; bổ sung chế tài, quy định xử phạt vi phạm đối với người đứng đầu và người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN. Bên cạnh đó, “cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế cổ phần hóa, đặc biệt là việc xác định giá trị quyền sử dụng đất và giá trị thương hiệu, cương quyết cho phá sản các DN không đủ điều kiện cổ phần hóa” - Thứ trưởng Trần Xuân Hà kiến nghị.
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, cơ chế, chính sách cổ phần hóa DNNN cần phải tiếp tục hoàn thiện nhằm bảo đảm cổ phần hóa theo nguyên tắc thị trường, giải quyết hài hòa lợi ích nhà nước, nhà đầu tư, người lao động và DN. “Song song đó, cần chú trọng đến vấn đề cơ chế tài chính, kinh doanh, hoạt động quản trị, đại diện chủ sở hữu trong DNNN” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Khó xác định giá trị quyền sử dụng đất
Một trong những nguyên nhân làm tắc tiến độ cổ phần hóa DNNN được Phó Chủ nhiệm VPCP Phạm Viết Muôn nhấn mạnh là việc xác định giá trị quyền sử dụng đất (QSDĐ), lợi thế về vị trí địa lý còn lúng túng.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình, việc định giá QSDĐ sát giá thị trường để tính vào giá trị DN cổ phần hóa rất khó thực hiện. Bởi thực tế có nhiều nơi không có giao dịch bất động sản trong một thời gian dài. Bên cạnh đó, chưa có tổ chức chuyên nghiệp thực hiện việc điều tra, khảo sát giá giao dịch bất động sản.
Ông Nguyễn Trung Tín, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cũng cho biết ở TP, trong số 263 DN cổ phần hóa thì chỉ có ba đơn vị đề nghị tính giá trị QSDĐ vào giá trị DN. Đại đa số chọn hình thức tiếp tục thuê đất vì khi tính giá trị QSDĐ, giá trị tài sản để cổ phần hóa tăng rất cao, gây khó khăn cho việc xác định vốn điều lệ.
tt
|