Thứ Ba, 11/03/2008 10:22

Thị trường BĐS sẽ sôi động trở lại?

Cung nhiều, cầu ít, cả người bán và người mua đều dừng lại chờ đợi những biến động mới của thị trường, khiến thị trường bất động sản ít nhiều đang rơi vào trạng thái chững lại.

Người bán, người mua đều “ngồi chờ xem”

Khảo sát tại Sàn giao dịch bất động sản ACB, giao dịch bất động sản đang có xu hướng chững lại rõ rệt. Tuy giá nhà đất không còn trên trời so với thời điểm cuối năm 2007, song người mua lại không mấy “mặn mà”.

Theo ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam, tình trạng đóng băng này do người mua không muốn mua, người bán cũng không muốn bán. Tình trạng này được lý giải do biến động thất thường của thị trường tiền tệ gần đây, giá đôla liên tục giảm xuống, trong khi giá vàng lại lên cao chót vót, hút một phần luồng đầu tư chuyển sang thị trường vàng. Mặt khác, biến động giá vàng ảnh hưởng rất lớn tới giá nhà đất, nên nhiều nhà đầu tư lo ngại việc mua nóng vội vào thời điểm này có thể sẽ bị “hớ”.

Làn sóng giảm giá lan từ Tp.Hồ Chí Minh sang Hà Nội khiến những người đầu cơ thứ cấp trót “ôm” (chủ yếu đất dự án chuẩn bị khởi công) lo ngại muốn bán ngay. Đa phần những nhà đầu cơ này đã bỏ tiền mua nhà dự án trên giấy bằng tiền vay ngân hàng, nay phải cố gắng bán ra gỡ tiền đặt cọc và thoát khỏi chính sách “siết chặt tín dụng” mới đây của Nhà nước.

Việc siết chặt tín dụng cho vay mua nhà ở, khiến nhà đầu cơ nhỏ lẻ bị “cháy vốn” và có thể dẫn tới phá sản, người có nhu cầu mua thực sự lại không đủ tiền mua. Thực tế, nhiều NĐT đã mạo hiểm vay ngân hàng tới 70% để mua vài cái nhà tại thời điểm BĐS đang bị đầu cơ thổi giá, tới thời điểm này đều khóc không thành tiếng, khi muốn bán cũng không có người mua.

Ông Liêm cho rằng, cung đang vượt cầu và giá nhà đất vẫn đang trên đà giảm xuống, nên tâm lý cả hai phía đều chờ đợi những biến động tới của thị trường, do đó thị trường BĐS Hà Nội bị chững lại là đương nhiên.

Sẽ không chững quá lâu?

Thực tế, cung nhiều cầu ít tại Hà Nội chủ yếu diễn ra tại thị trường nhà ở, căn hộ hướng tới đối tượng trung lưu. Còn tại thị trường văn phòng, nhà ở, cho thuê cao cấp lại có hiện tượng ngược lại là cung ít cầu nhiều khiến thị trường vẫn nóng, và giá cả không hề có dấu hiệu hạ nhiệt. Ngay cả ở những khu đất đang ở trên giấy như An Khánh (Hà Tây), giá cũng tăng lên ngày một. Để thị trường này trở về cân bằng thì phải có sự cân đối cung- cầu, tức phải có ít nhất trên mười dự án cao cấp nữa cho tới năm 2010- ông Richard Leechs, giám đốc Công ty CB Richard Ellis nhận định.

Theo dự đoán của ông Liêm, xu hướng chững lại sẽ không kéo dài quá lâu. Thứ nhất, do nhu cầu nhà ở cho người nước ngoài đầu tư vào Việt Nam hiện đang tăng lên nhanh chóng (có thể nhìn thấy qua dòng vốn FDI đổ ồ ạt vào Việt Nam). Trong khi người nước ngoài vẫn chưa thể trực tiếp mua nhà, thì thị trường cho thuê chung cư cao cấp và văn phòng đại diện vẫn sẽ sôi động. Thứ hai, khi cung vượt cầu quá nhiều sẽ kéo giá thị trường trở về với giá trị đích thực (vốn bị thổi lên gấp vài lần), nhà đầu cơ nhỏ lẻ ít vốn không dám găm hàng nữa, sẽ là động lực thúc đẩy cán cân mua vào tăng lên.

Thị trường chưa đến mức “nguy hiểm” để cần sự tác động của Nhà nước – ông Liêm nhận định. Song theo chuyên gia này, điều cần tác động ngay chính là chưyển hướng luồng vốn đầu tư. Ông Liêm cho rằng, trong lúc thị trường nhà ở giá cao đang bị siết chặt và chững do thiếu vốn đưa vào, cần chuyển luồng vốn sang phân khúc thị trường nhà ở giá rẻ. “Đưa vốn vào nhà ở giá rẻ, phát triển thị trường này thì nhà ở lại sẽ bán chạy ngay, hơn nữa thị trường nhà ở này sẽ phát triển nhộn nhịp và lành mạnh. Việc siết chặt tín dụng là cần thiết để thị trường không quá nóng tạo bong bóng ảo, nhưng cần xem siết chặt tại phân khúc thị trường nào?”- ông Liêm kiến nghị.

Về lâu dài, ông cho rằng, song song với việc đầu tư vào phân khúc thị trường nhà ở giá rẻ (rất tiềm năng), cần tới sự hỗ trợ của Nhà nước, bằng chính sách tài chính nhà ở, để người có thu nhập thấp cũng có thể mua nhà. “Thị trường nhà ở đang có nhu cầu vốn rất ghê, vậy thì siết chặt tín dụng để làm gì?”

tổ quốc

Các tin tức khác

>   Sẽ có công ty đền bù giải tỏa (11/03/2008)

>   CNTT Việt Nam có thể ngang tầm khu vực vào năm 2020? (11/03/2008)

>   Thiệt đơn thiệt kép, DN thuỷ sản kêu cứu (11/03/2008)

>   Tập đoàn Schneider Electric tìm kiếm cơ hội đầu tư tại VN (11/03/2008)

>   Doanh nghiệp đang đứng ngồi không yên (11/03/2008)

>   Số lượng và thương hiệu (11/03/2008)

>   Việt Nam lọt vào top 5 cường quốc đóng tàu thế giới (10/03/2008)

>   Đẩy mạnh quan hệ buôn bán với Croatia (10/03/2008)

>   VASEP kiến nghị các giải pháp giải tỏa khó khăn cho DN thủy sản và nông ngư dân (10/03/2008)

>   Nâng cao giá trị tài sản doanh nghiệp bằng sở hữu trí tuệ (10/03/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật