Doanh nghiệp đang đứng ngồi không yên
Ngày 10.3, tỷ giá của Vietcombank là 15.865 đồng/USD, giảm gần 500 đồng/USD so với đầu năm 2008. Các doanh nghiệp đang rất lo lắng trước rủi ro tỷ giá, và cả áp lực chi phí đầu vào tăng chóng mặt.
Thiệt đơn thiệt kép
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Tổng giám đốc Công ty gỗ Scansia Pacific, cho biết trung bình công ty của ông xuất khẩu gần 150 container mỗi tháng, với tổng trị giá tương đương khoảng 3 triệu USD. "Trong vòng một tháng qua, chỉ tính riêng chuyện đổi tiền chúng tôi đã mất đi gần 500 triệu đồng", ông Thắng nói. Chưa kể các doanh nghiệp đổi USD sang tiền đồng đang phải nộp thêm phí theo yêu cầu của ngân hàng. Muốn đổi 20.000 USD doanh nghiệp phải chịu một khoản phí từ 1,5 - 2%. Dù vậy, không phải doanh nghiệp nào muốn đổi số lượng lớn cũng được, vì các ngân hàng chỉ mua vào nhỏ giọt. Giám đốc một doanh nghiệp ngành may than thở: mỗi ngày, ngân hàng chỉ chịu mua vào cho ông 5.000 USD và điều này đôi khi làm cho doanh nghiệp bị chậm trễ trong việc thanh toán lương, chi trả chi phí khác.
Ông Nguyễn Thái Học, Giám đốc Công ty Donafood, Phó chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), bức xúc: "Tôi cho rằng tình hình xuất khẩu của các doanh nghiệp ngành điều hiện nay còn bi đát hơn cả ngành thủy sản và các ngành khác. Chúng tôi đang phải chịu sự tác động của yếu tố tăng giá nguyên liệu nhập khẩu, tiền lương cũng tăng từ 30-40%, lãi suất vay ngân hàng tăng gần 50%, các yếu tố khác cũng tăng khoảng 30%. Tính chung quy tổng chi phí đã tăng xấp xỉ 40%. Trong khi đó, giá xuất khẩu hạt điều cũng tăng nhưng chỉ vào khoảng 25%, mức tăng này vẫn không theo kịp tốc độ tăng chi phí. Khó khăn hơn hết là với tỷ giá tiền đồng/USD mới, cứ mỗi tấn điều xuất khẩu chúng tôi lỗ khoảng 2,5 triệu đồng. Lấy ví dụ như Công ty Donafood của tôi kim ngạch xuất khẩu 40 triệu USD/năm thì sẽ lỗ tỷ giá khoảng 20 tỉ đồng. Chúng tôi sẽ có văn bản chính thức kiến nghị Chính phủ, các Bộ ngành liên quan có giải pháp tháo dỡ rào cản chi phí cho doanh nghiệp xuất khẩu như xây dựng cơ chế mua bán ngoại tệ, bảo hiểm tỷ giá để doanh nghiệp bớt lỗ. Với những khó khăn nêu trên thì năm nay chắc chắn kim ngạch ngành điều sẽ giảm sút".
Chóng mặt với chi phí đầu vào
Các doanh nghiệp chế biến gỗ thì đang đau đầu với tình trạng giá gỗ nguyên liệu tăng rất mạnh. Chẳng hạn giá gỗ bạch đàn nguyên liệu đã tăng khoảng 30% so với trước Tết. Rồi giá bao bì tăng hơn 50%; đinh, ốc vít tăng 20-30%... Tương tự, nguyên phụ liệu của ngành may cũng đã tăng bình quân gần 30% so với đầu năm. Ông Phạm Xuân Hồng, Tổng giám đốc Công ty may Sài Gòn 3, cho biết: "Lợi nhuận của doanh nghiệp năm nay giảm là chuyện tất yếu. Nhiều khó khăn đang ép lên doanh nghiệp khiến cho mức thu nhập chung của công nhân cũng không thể tăng lên dù chúng tôi cũng đã tăng theo quy định về mức lương tối thiểu của người lao động". Theo ông Hồng, một số công ty may xuất khẩu tư nhân đã phải thu hẹp sản xuất, chuyển sang tìm kiếm cơ hội kinh doanh khác, vì càng mở rộng sản xuất nguy cơ thua lỗ càng lớn, nhất là với những doanh nghiệp mà hoạt động chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng.
Giá xăng dầu tăng khiến cho chi phí vận chuyển tăng mạnh cũng là vấn đề lớn đối với các doanh nghiệp. Ông Ngô Minh Lãng - Giám đốc Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên 1 - cho biết hiện giá vận chuyển clinker từ Thái Lan về đến TP.HCM tăng thêm 32.000 đồng/tấn. Ước tính chi phí các loại tăng đã làm giá thành sản xuất xi măng đội lên khoảng 30.000 đồng/tấn. Không còn cách nào khác, các doanh nghiệp đang thương lượng tăng giá bán sản phẩm với các khách hàng đồng thời phải "thắt lưng buộc bụng" để cắt giảm chi phí.
Ông Nguyễn Tín Lăng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinamit - nói: "Với các công ty hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp như Vinamit, 50% doanh số thu được là từ xuất khẩu. Tình hình khó khăn tài chính như hiện nay là cơ hội lớn cho các công ty nước ngoài cạnh tranh với các công ty trong nước. Hiện tại Vinamit đang phải chuyển sang sử dụng nguồn vốn tự có một cách dè xẻn để chờ tình hình. Chúng tôi cũng đang có các dự án nông nghiệp lớn nhưng tạm thời chưa dám phát triển mạnh và thậm chí phải đình lại do quá nhiều rủi ro. Công ty đang tích cực tìm các nguồn vốn vay ngoại tệ, kể cả việc chào bán cổ phần. Nếu như các cơ quan quản lý nhà nước không có biện pháp điều tiết xử lý thích đáng để tình trạng này kéo dài thì sẽ tạo ra cơ hội lớn cho các quỹ đầu tư, các tổ chức tài chính ngân hàng, và đối tác nước ngoài dễ dàng thôn tính các công ty Việt Nam do việc chào bán cổ phiếu, thậm chí phải bán rẻ để lấy vốn kinh doanh cho các dự án lớn".
tn
|