Áp lực giá xăng dầu: DN đau đầu lo... cạnh tranh
– Nguyên liệu về chậm, bù lỗ khi giá sản phẩm chưa tăng kịp, sức cạnh tranh giảm, nguy cơ bị hủy hợp đồng cung cấp... là thực tế mà không ít DN sản xuất quy mô vừa và nhỏ trong nước phải đối mặt lúc này.
Là trưởng phòng kinh doanh của Công ty Sản xuất Giấy Anh Phú, chuyên sản xuất giấy ăn, giấy vệ sinh, gia công bao bì các-tông ở KCN Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, những ngày sau khi giá xăng dầu được điều chỉnh tăng, anh Lê Thành Sơn càng đôn đáo, tất tả hơn bao giờ hết.
Ngay cuối tuần trước, công ty anh đã gặp phải trở ngại đầu tiên khi lô hàng 7 tấn bột giấy của Singapore được thuê vận chuyển từ Sài Gòn ra đã bị chậm giao hàng mấy ngày so với kế hoạch. Từ đó khiến sản xuất bị đình trệ.
Trước đây, với lượng hàng tương tự, công ty anh Sơn mất khoảng 6 triệu tiền vận chuyển thì nay con số này tăng 25%, lên 7,5 triệu đồng.
Dù đã chuẩn bị sẵn tinh thần, nhưng giá vận chuyển đội lên mức này đối với một nhà sản xuất nhỏ như anh là rất khó chấp nhận. Do đó, công ty đã phải chịu mất thêm thời gian, chi phí để thương lượng một mức giá “mềm” hơn với bên vận tải.
Song, yêu cầu tăng giá sản phẩm với các khách hàng lớn cũng không đơn giản. “Thường phải sau 1 tháng kể từ ngày thông báo, các khách hàng lớn mới chấp nhận mức giá mới nên việc sản xuất từ nay đến hết tháng 3 của công ty sẽ không tránh khỏi thua lỗ” – anh Sơn khẳng định.
Hiện tại, cứ mỗi đơn hàng trị giá khoảng 20 triệu đồng giao cho khách hàng trong một ngày, công ty phải chịu lỗ 10% của số đó” – vị trưởng phòng kinh doanh tính toán.
Chưa hết, chi phí đầu vào tăng cao là yếu tố cơ bản làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp, nhất là những đơn vị quy mô nhỏ.
Được biết, vừa qua công ty của anh Sơn đã ký được hợp đồng cung cấp bao bì với hãng Canon. Song với tình hình chi phí đầu vào tăng, cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài rất gay gắt, nếu không “chịu được nhiệt” trong việc giữ giá và chất lượng sản phẩm thì nguy cơ bị hủy hợp đồng là rất rõ ràng.
“Cắn răng” để giữ khách, giữ thị phần
Nếu ngay từ ngày 1/3, nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực vận tải - chịu ảnh hưởng trực tiếp khi giá xăng dầu tăng cao – đã tăng phí vận chuyển lên từ 10- 20%, thì ở lĩnh vực sản xuất hàng hóa, không ít DN đang phải “cắn răng” giữ giá hoặc tăng trong chừng mực để giữ khách, giữ thị phần.
Dù hiện có một số dây chuyền chạy bằng gas đồng thời đang tập trung phát triển thị trường miền Trung và miền Nam, việc giá xăng dầu tăng vừa qua, theo anh Ngô Mạnh Hà – Trưởng phòng Kinh doanh Công ty CP Bánh kẹo Hải Hà là về lâu dài sẽ tác động lớn, làm đội giá thành sản phẩm.
Mặc dù dự báo nhiều khả năng sẽ phải tăng giá sản phẩm nhưng anh Hà khẳng định, mức tăng cũng như thời điểm tăng sẽ phải suy tính cho vừa phải, phù hợp. Thậm chí, với các thị trường trọng điểm công ty sẽ chấp nhận bù lỗ để giữ giá.
Trong khi đó, “phải giữ giá bằng được với các khách hàng lớn, truyền thống; chấp nhận bỏ qua một vài khách hàng chưa lâu dài và tăng giá sản phẩm khoảng 10% ở thị trường tự do để bù lại” là những hướng đi chiến lược, được xác định rạch ròi của lãnh đạo Công ty Giấy Anh Phú.
Tăng giá xăng dầu: Rủi ro hay cơ hội?
Phần đông doanh nghiệp sản xuất cho rằng, việc tăng giá xăng dầu ở mức độ lớn vừa qua là điều không hề mong đợi của họ. Song cách nhìn nhận của những doanh nghiệp lớn lại không hoàn toàn là tiêu cực, bi đát.
Đại diện công ty Vina Acecook và công ty Bánh kẹo Hải Hà đều cho rằng, việc tăng giá xăng dầu nói trên là “hết sức bình thường” vì nhà sản xuất không chỉ phải chịu sự tác động khách quan của các yếu tố đầu vào như xăng dầu mà còn thường xuyên phải đối mặt với sự bấp bênh của giá đường, sữa, bột mỳ, dầu ăn thế giới.
Cái quan trọng là qua đó, doanh nghiệp phải xác định được chiến lược của mình, từ đó có những giải pháp linh hoạt, mềm dẻo chứ không quá gây sốc, đổ dồn lên thị trường.
Trong việc giải bài toán chung: giá nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh nhưng thu nhập, mức lương của người tiêu dùng chưa tăng kịp, một lãnh đạo của Công ty CP Chế biến Thực phẩm Kinh Đô cho rằng, càng khó khăn, doanh nghiệp lại càng phải bơi, càng phải vận động.
“Nếu duy trì thì không thể sống được, nên bắt buộc doanh nghiệp phải tìm cách để phát triển, tăng trưởng. Do đó chưa thể nói tình hình hiện nay là rào cản, hạn chế” – vị này khẳng định.
vnn
|