Giá thuốc bắt đầu tăng
* Thuốc sẽ điều chỉnh trong biên độ 5%-10%, giá thuốc Aslem tăng mạnh
Ngày 2-3, mặt dù là ngày chủ nhật nhưng tại hai trung tâm buôn bán dược phẩm lớn nhất của Hà Nội là Ngọc Khánh và Láng Hạ vẫn tấp nập.
Ngoài các khách hàng mua sỉ, có không ít người tới mua lẻ với số lượng khá lớn, nhất là các thuốc không bán theo đơn. Anh Nguyễn Đức Trung, chủ một quầy thuốc tại đây cho biết, phần lớn khách hàng mua lẻ tập trung vào các loại thuốc cảm cúm, kháng sinh thông thường và một số thuốc bổ, với tâm lý chung là dự trữ đề phòng sự tăng giá.
Về phía khách hàng, ngoài việc lo ngại nhiều loại thuốc sẽ tăng giá mạnh trong thời gian tới thì còn một nguyên nhân nữa là thời tiết trong tháng 3 sẽ có những đợt lạnh mới gây hại cho sức khỏe nên mua dự phòng cho yên tâm.
Liên quan tới giá cả của một số mặt hàng thuốc, theo tìm hiểu của chúng tôi, có một số loại tăng khá cao như Diamicarov MR (Pháp) trị tiểu đường tăng từ 115.000 đồng/hộp lên tới 125.000 đồng/hộp, Zinat từ 120.000 đồng hộp lên 127.000 đồng, Cladsu thuốc bổ cho trẻ em từ 102.000 đồng hộp lên 110.000 hộp hay Tadyferon viên sắt dành cho phụ nữ mang thai tăng từ 67.000 lên 76.000 đồng hộp. Trong khi đó, theo khảo sát mới đây của Hiệp hội sản xuất và kinh doanh dược, trên thị trường có một số thuốc tăng giá như:
Ventolin tăng 3%, Gastropulgite tăng 4,1%, Stimol A tăng 5%, Flixonase tăng 4,5%, Colchicin tăng 10,2%. Theo một số chuyên gia, phần lớn các loại thuốc tăng giá hiện nay là các loại kháng sinh và một số thuốc đặc trị ngoại nhập vì đầu năm một số loại chưa có hàng để nhập về và giá nguyên liệu cũng đang tăng cao.
Về phía cơ quan chức năng, Cục Quản lý Dược cho biết, tính từ đầu năm tới nay đã có một số loại thuốc chữa bệnh tăng giá từ 3% đến 15%. Vì vậy tính chung, chỉ số giá nhóm hàng dược phẩm - y tế tăng 0,67%, đứng thứ 7/10 mặt hàng trọng yếu. Vì vậy, Cục Quản lý dược cũng nhận định, trong tháng 3, thị trường dược phẩm trong nước sẽ tiếp tục có sự điều chỉnh tăng trong biên độ 5%-10% với cả số thuốc sản xuất trong nước và thuốc nhập khẩu từ nước ngoài. Đáng chú ý, một số mặt hàng kháng sinh sản xuất trong nước cũng sẽ tăng cao do phụ thuộc chủ yếu vào giá nguyên liệu thế giới. Ngoài ra, giá chi phí vận chuyển, giá xăng, giá tiêu dùng, nhân công tăng lên, cùng với sự mất giá đồng USD đối với các đồng ngoại tệ như euro, tiền rupee Ấn Độ cũng góp phần đẩy giá nguyên liệu nhập khẩu và giá thuốc tăng đáng kể.
Cục Quản lý Dược cũng khẳng định, hiện nay giá thuốc sản xuất trong nước thấp hơn so với các nước trong khu vực nên một số doanh nghiệp sản xuất trong nước đang đề nghị có sự điều chỉnh giá thích hợp để bù đắp chi phí sản xuất, bán hàng. Tuy nhiên, tới thời điểm này, vẫn chưa có doanh nghiệp nào được cho phép điều chỉnh lại giá thuốc.
* Trước thông tin về thuốc Aslem có tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư, kéo dài tuổi thọ trong những ngày qua tại Hà Nội, thuốc Aslem đang trong tình trạng khan hàng. Theo một số cửa hàng thuốc, thuốc Aslem đang được nhiều người tìm mua cho bệnh nhân ung thư vì họ nghĩ rằng thuốc có thể chữa khỏi bệnh ung thư, kéo dài sự sống. Chính vì thế, cuối tuần giá giá thuốc này đã tăng từ 250.000 lên 290.000 đồng/hộp, có nơi còn bán hơn 300.000 đồng/hộp trong khi giá bán cách đây 5-6 tháng khoảng 100.000 đồng/hộp.
Tuy nhiên, theo đại diện Công ty Dược Vĩnh Phúc, giá bán sỉ của công ty này vẫn được giữ nguyên là 250.000 đồng/hộp 10 ống và khi bán lẻ các cửa hàng có thể cộng thêm 10%-15% giá nhập. Ngày 2-3, Cục trưởng Cục Quản lý Dược VN cho biết, cục đang kiểm tra lại hồ sơ đăng ký của thuốc Aslem để làm rõ các công dụng, chỉ định của thuốc lưu trong hồ sơ đăng ký thuốc tại cục. Trong trường hợp có thông tin sai lệch, không chính xác về sản phẩm trên thị trường, gây lầm tưởng cho người sử dụng, nhà sản xuất sẽ phải giải trình ngay trong tuần tới.
sggp
|