Thứ Hai, 03/03/2008 14:06

“Người trồng cà phê Việt Nam đã “khôn” hơn”

Hỏi chuyện ông Đoàn Triệu Nhạn, Cố vấn Hiệp hội Cà phê Việt Nam, về tình hình xuất khẩu cà phê năm nay.

Xin ông cho biết những nhận định về xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong năm nay?

Niên vụ 2007-2008, do một số nước mất mùa cà phê, nên sản lượng giảm so với các năm trước. Tổng sản lượng 124 triệu bao, nhu cầu thế giới là 125 triệu bao, nên cung cầu đang ở thế cân bằng.

Niên vụ 2006-2007, nước ta thu hoạch hơn 1 triệu tấn cà phê, tổng lượng xuất khẩu trên 1,2 triệu tấn là nhờ có lượng tồn kho 0,2 triệu tấn từ niên vụ trước, vì vậy đã đạt kim ngạch 1,8 tỷ USD trong năm vừa qua.

Niên vụ 2007-2008, tuy sản lượng giảm, chỉ được gần 900 ngàn tấn nhưng rất đáng mừng là hiện tại Việt Nam đang chi phối thị trường cà phê thế giới, nhờ đó giá cà phê liên tục tăng cao, nên khả năng năm nay sẽ vẫn đạt kim ngạch xấu khẩu 1,8 tỷ USD.

Những điều gì đã giúp cà phê Việt Nam tạo được thế chi phối thị trường thế giới như hiện nay?

Nước ta có nửa triệu ha canh tác cà phê, sản xuất ra khoảng 1 triệu tấn/năm, điều đó cho thấy năng suất cà phê của Việt Nam cao nhất thế giới, và cạnh tranh với Brazil vị trí dẫn đầu thế giới về sản lượng.

Cà phê vối (Robusta) vốn có nguồn gốc ở những vùng thấp, nóng ẩm, thế nhưng khi Việt Nam đưa lên vùng đất cao nguyên, độ cao 500-700m so với mực nước biển, thì cà phê vối lại đạt năng suất vượt trội. Nhờ đó, Việt Nam mau chóng trở thành nước chiếm vị trí tuyệt đối về sản xuất cà phê vối, sản lượng hàng năm đạt trên 52 triệu bao.

Trước kia, người tiêu dùng không ưa chuộng cà phê vối, nên giá bán cà phê vối rất thấp. Những năm gần đây, nhiều nước đã sử dụng cà phê vối trộn với cà phê chè (Arabica) để chế cà phê hoà tan, thấy rằng chất lượng cà phê chế biến thơm ngon hơn, mà giá thành lại hạ. Vì vậy, nhu cầu cà phê vối ngày càng tăng mạnh trên thị trường, giúp cho giá thu mua cà phê loại này tăng.

Thời vụ thu hoạch cà phê ở phía Bắc bán cầu là từ tháng 10 đến hết tháng 12, vì vậy niên vụ tiêu thụ được tính từ tháng 10 năm trước đến hết tháng 9 năm sau. Ở phía Nam bán cầu, thời vụ thu hoạch cà phê từ tháng 4 đến hết tháng 7, niên vụ tiêu thụ được tính từ tháng 4 năm trước đến hết tháng 3 năm sau.

Việt Nam chiếm vị trí độc tôn về sản xuất cà phê ở Bắc bán cầu, trong khi các đối thủ cạnh tranh đều nằm ở phía Nam bán cầu, đây là một ưu thế cho nước ta. Niên vụ 2007-2008, các nước phía Nam bán cầu mất mùa cà phê, nhờ vậy Việt Nam có được cơ hội chi phối thị trường thế giới.

Năm nay, nông dân trồng cà phê Việt Nam đã “khôn” hơn, họ biết tiết chế số lượng bán ra, kích đẩy giá cà phê thế giới liên tục tăng nhanh, nhờ đó, tuy sản lượng có giảm nhưng lợi nhuận sẽ vẫn cao.

 Tuy nhiên, các nhà kinh doanh thì lại đang thấp thỏm, thời gian để cà phê Việt Nam ở thế “một mình một chợ” chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa, vì đến cuối tháng 4 thì Brazil sẽ thu hoạch cà phê. Trong khi số lượng dự trữ ở các hộ trồng cà phê Việt Nam còn rất nhiều, tới gần 2/3 sản lượng niên vụ.

Nguy cơ rất lớn là các doanh nghiệp phải thu mua với giá cao, nhưng khi đưa ra thị trường thế giới thì giá sẽ giảm. Vì vậy nông dân trồng cà phê cần phải tỉnh táo lựa chọn thời điểm bán ra thích hợp, cần tranh thủ xuất bán trước khi kết thúc tháng 4.

Ông nhận định thế nào về diễn biến thị trường cà phê trong thời gian tới?

Giá cà phê xuất khẩu tuy đã đạt mức cao nhất trong 10 năm qua, nhưng vẫn thấp hơn mức kỷ lục là 2.393,95 USD vào năm 1995. Còn 2 tháng nữa, có thể giá bán của ta sẽ vượt ngưỡng này, nhưng tính trung bình cả năm thì vẫn thấp hơn năm 1995.

Indonesia sẽ thu hoạch cà phê vào đầu tháng 4, nhưng vẫn mất mùa, và đã phải trở thành nước nhập khẩu cà phê. Brazil năm nay sẽ được mùa lớn, thu hoạch vào cuối tháng 4, dự tính đạt sản lượng 45 triệu bao, khi đó giá cà phê sẽ giảm.

Tuy nhiên, người trồng cà phê trong nước không lo vì thời gian để tiêu thụ sẽ còn kéo dài đến hết tháng 9. Brazil có chính sách điều tiết mạnh đối với xuất khẩu cà phê, nên khi quyền chi phối thị trường thuộc về nước này, giá cà phê sẽ đi vào ổn định hơn.

Theo ông, việc người trồng cà phê biết găm hàng lại để chờ giá lên, như thế có thể yên tâm rằng ta đã biết điều tiết thị trường thế giới?

Việc nông dân đã biết giữ hàng lại, không tranh nhau ồ ạt bán ra là điều rất đáng mừng, tuy nhiên tất cả việc làm đó đều là tự phát. Mỗi người nông dân không có thông tin cụ thể về số lượng cung - cầu, vì vậy sẽ dẫn tới nguy cơ số lượng hàng trữ lại quá nhiều, giá cao không bán, đến khi giá xuống thì sẽ hối tiếc.

Các nước sản xuất cà phê lớn như Brazil, Columbia đều có chính sách điều hành toàn ngành rất tốt. Nhưng ở Việt Nam, nông dân tự phát tiêu thụ, thích bán thì bán, Nhà nước không điều tiết được. Một ngành sản xuất đem lại 1,5-2 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu hàng năm như vậy mà Nhà nước chưa có tổ chức riêng để quản lý chung toàn ngành hàng thì thật khó chấp nhận.

Hiệp hội đang nghiên cứu để kiến nghị Nhà nước cho thành lập liên đoàn cà phê, có toàn quyền quyết định mọi vấn đề đối với ngành hàng.

tbktvn

Các tin tức khác

>   Hai bộ trưởng Hà Lan đến VN xúc tiến thương mại (03/03/2008)

>   Alticor khánh thành nhà máy tại Đồng Nai (03/03/2008)

>   Giao lưu trực tuyến: "Biến số bất động sản" (03/03/2008)

>   Trường Đào tạo Nhân lực Dầu khí (PetroVietnam): Đào tạo đạt đẳng cấp quốc tế (03/03/2008)

>   Cosevco: Sai phạm kéo dài, vì sao? (03/03/2008)

>   Tháng 2-2008, xuất khẩu thủy sản đạt 295 triệu USD (03/03/2008)

>   Từ tháng 3: thuê bao trả trước của MobiFone có 2 tài khoản (03/03/2008)

>   Đánh thuế lũy tiến nhà đất, có khả thi? (03/03/2008)

>   Bộ Xây dựng: Lập thêm 2 đề án tập đoàn kinh tế (03/03/2008)

>   Nghề nuôi cá tra lao đao do "bão lãi suất" (03/03/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật