Thứ Hai, 03/03/2008 09:45

Cosevco: Sai phạm kéo dài, vì sao?

Giống như một số tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước lớn khác, khi cơ quan điều tra, thanh tra vào cuộc đều phát hiện các sai phạm kéo dài nhưng cơ quan quản lý hoặc không phát hiện hoặc làm ngơ, thậm chí là tiếp tay, Tổng Công ty Xây dựng miền Trung (Cosevco) của Trần Xuân Đính cũng vậy.

Trách nhiệm của Bộ Xây dựng?

Điển hình nhất là dự án xây dựng Nhà máy Xi măng Sông Gianh. Theo quy định, để được đầu tư dự án này, Cosevco phải đáp ứng được ít nhất 20% vốn đầu tư của dự án. Thế nhưng, mới đây, Thanh tra Chính phủ phát hiện tổng công ty huy động chỉ đạt 0,75% vốn lưu động, bằng 0,06% vốn đầu tư của dự án này. Không có vốn tại sao Bộ Xây dựng vẫn chấp thuận, trình Chính phủ cho phép Cosevco làm chủ đầu tư thực hiện dự án nhóm A nói trên?

“Cái giỏi” của Trần Xuân Đính là dù làm ăn bết bát như vậy nhưng vẫn thuyết phục được Bộ Xây dựng và sau đó là Chính phủ cho thực hiện dự án. “Túng làm liều”, Cosevco đã ngang nhiên buộc một số nhà thầu xây lắp phải cho tổng công ty này vay hơn 43 tỷ đồng. Bản chất của vụ việc này chính là muốn trúng thầu thi công nhà máy xi măng, ngoài “khoản này khoản nọ”, nhà thầu buộc phải chấp thuận luật mà chủ đầu tư đưa ra. Chính vì vậy, tới đây, Bộ Xây dựng sẽ bị yêu cầu phải kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân, đơn vị liên quan trong quản lý nhà nước đối với Cosevco nói chung và dự án Nhà máy Xi măng Sông Gianh nói riêng.

Tổng công ty liên tục thua lỗ, ông Đính liên tục trù úm, thẳng tay loại các cán bộ không về phe phái của mình và ngang nhiên đưa 3 người em ruột, 2 người con cùng hàng loạt người thân vào nắm giữ các vị trí “béo bở” ở Cosevco. Đơn thư tố cáo tới tấp gửi về Bộ Xây dựng. Theo một cán bộ thuộc Cosevco, những tưởng khi bộ ra quyết định cảnh cáo, bãi miễn chức Chủ tịch HĐQT của ông Đính và đưa ông Huấn lên thay, nhóm Trần Xuân Đính sẽ hết đất sống. Tuy nhiên, ông Đính và những người bao che cho ông đã chỉ để cho ông Huấn tồn tại được vài tháng rồi về hưu sớm.

Một Vụ trưởng của Bộ Xây dựng là ông Phạm Hữu Minh được bộ điều vào thay ông Huấn. Nhưng, trong khi ông Minh còn đang chờ ông Đính giải trình các khoản đầu tư “ném tiền nhà nước qua cửa sổ” thì ông bị rút về Hà Nội rồi bị mất chức. Ông Minh ấm ức rời khỏi Bộ Xây dựng. Vụ trưởng vào không “trị” được, Bộ Xây dựng cử Thứ trưởng Đinh Tiến Dũng vào làm Chủ tịch HĐQT Cosevco. Chỉ vài tháng sau, ông Dũng lặng lẽ về bộ đảm nhiệm cương vị cũ. Ngay sau đó, không hiểu sao, dù đang trong thời gian thụ án kỷ luật cảnh cáo, ông Trần Xuân Đính vẫn được bổ nhiệm lại làm Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐQT Cosevco!

Ngân hàng nhắm mắt cho vay, Cosevco phóng tay chi tiền

Tại dự án Nhà máy Xi măng Sông Gianh, Quỹ đầu tư và phát triển (nay là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam) và một số ngân hàng thương mại là đơn vị tài trợ vốn cho vay thực hiện dự án. Theo quy định, ngân hàng phải theo sát các hạng mục của dự án, kịp thời khuyến nghị và có quyền không cho vay nếu thấy chủ đầu tư có biểu hiện sử dụng vốn sai mục đích, thiếu hiệu quả. Tuy nhiên, dù để xảy ra hàng loạt sai phạm, thất thoát lớn như vậy nhưng tiền vẫn ào ạt đổ về tài khoản của Cosevco.

Chịu trách nhiệm về những sai phạm trên, theo cơ quan chức năng là ông Nguyễn Văn Quang nguyên Phó Tổng giám đốc quỹ, trực tiếp chỉ đạo, tài trợ cho dự án và bà Nguyễn Thị Nhưng, giám đốc Chi nhánh Quỹ đầu tư và phát triển Quảng Bình. Đối với Ngân hàng đầu tư và phát triển Chi nhánh Quảng Bình, ông Nguyễn Mậu Giang, nguyên Giám đốc Chi nhánh Quảng Bình, được giao trực tiếp là đầu mối mua sắm thiết bị cho dự án (tại dự án mua sắm thiết bị, Cosevco đã có dấu hiệu của hành vi cố ý làm trái khi chấp thuận cho thay đổi thiết bị có giá trị 3,2 triệu EUR có xuất xứ từ châu Âu sang một số nước trong khu vực Đông Nam Á mà không điều chỉnh giá của thiết bị).

Tất nhiên, để được ưu ái như vậy, Cosevco đã phải chi nhiều tỷ đồng tiền giao dịch, tiếp khách. Do phóng tay chi tiếp khách nên đến nay, dù đã dùng hàng loạt hóa đơn, chứng từ giả để hợp thức nhưng tổng công ty vẫn còn nợ của BQL dự án gần 600 triệu đồng tiền tiếp khách (BQL chi tiếp khách hộ tổng công ty). Bên cạnh đó, dự án này cũng đã chi không có chữ ký của người nhận tiền khoảng 90 triệu đồng; chi không có chứng từ 219 triệu đồng...

Tổng chi giao dịch, tiếp khách của Cosevco khi thực hiện các dự án lên tới hàng chục tỷ đồng. Có tiền “chùa”, Cosevco cũng phóng tay chi cho đối tác, trong đó có khoản nhập thiết bị dự phòng quá mức cần thiết (dự án Sông Gianh) khoảng 31,7 tỷ đồng... Trong khi để thất thoát, lãng phí hơn 600 tỷ đồng, nợ hàng ngàn tỷ đồng tại dự án Nhà máy Xi măng Sông Gianh, ngày 22-2-2008 Cosevco lại tổ chức hội nghị phê duyệt dự án đầu tư dây chuyền II, Nhà máy Xi măng Sông Gianh với số vốn đầu tư trên 1.800 tỷ đồng. Dù Trần Xuân Đính đã nhập khám nhưng liệu tiền nhà nước ở Cosevco có thôi thất thoát?

Theo cơ quan chức năng, các cán bộ thuộc Cosevco phải chịu trách nhiệm cá nhân để xảy ra sai phạm nghiêm trọng tại dự án Nhà máy Xi măng Sông Gianh gồm có:

Trần Xuân Đính, nguyên Chủ tịch HĐQT; ông Trần Công Huấn, nguyên Chủ tịch HĐQT; ông Ngô Khiết, nguyên Tổng giám đốc, nguyên Giám đốc Công ty Tư vấn đầu tư xây dựng; Phạm Văn Thìn, Ủy viên HĐQT, nguyên Phó BQL dự án; Hoàng Xuân Thuận, Kế toán trưởng Tổng công ty; Phan Thái Diệm, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty, Trưởng BQL dự án Sông Gianh; ông Nguyễn Xuân Quang, Kế toán trưởng BQL dự án; ông Nguyễn Xuân Bảy, nguyên Kế toán trưởng BQL dự án; ông Nguyễn Công Hoàng, nguyên Trưởng ban XNK Tổng công ty; bà Vũ Thị Thúy, Trưởng phòng Thương mại xuất nhập khẩu Tổng công ty.

sggp

Các tin tức khác

>   Tháng 2-2008, xuất khẩu thủy sản đạt 295 triệu USD (03/03/2008)

>   Từ tháng 3: thuê bao trả trước của MobiFone có 2 tài khoản (03/03/2008)

>   Đánh thuế lũy tiến nhà đất, có khả thi? (03/03/2008)

>   Bộ Xây dựng: Lập thêm 2 đề án tập đoàn kinh tế (03/03/2008)

>   Nghề nuôi cá tra lao đao do "bão lãi suất" (03/03/2008)

>   Tây Ban Nha đánh giá cao tiềm năng của thị trường Việt Nam (03/03/2008)

>   Đức mong muốn hiện diện nhiều hơn tại Việt Nam (03/03/2008)

>   Bà Rịa - Vũng Tàu: Số dự án đầu tư được cấp phép bằng 50% kế hoạch năm (02/03/2008)

>   Đồng Nai: 2 tháng thu hút 250 triệu USD vốn đầu tư FDI (02/03/2008)

>   VCCI – cầu nối của các doanh nghiệp với chính quyền và ngành chức năng (02/03/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật